Xuất khẩu rau quả “về đích” sớm

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả 11 tháng năm nay ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, xuất khẩu rau quả về đích sớm hơn so với mục tiêu đề ra.

Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả 11 tháng năm nay ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, xuất khẩu rau quả đã về đích sớm hơn với mục tiêu đề ra.

rau-a-1701234202.jpg
Ảnh minh họa.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện Trung Quốc đứng đầu thị trường nhập khẩu rau quả nước ta khi chiếm đến 66% thị phần. Do đó, việc nước này mở lại một số cửa khẩu từ đầu năm nay, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 là một trong những nguyên nhân thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng. Trong đó, sầu riêng và mít là 2 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường này.

Có thể thấy, nhóm rau quả đã vươn lên dẫn đầu ngành nông nghiệp, vượt các nhóm chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê.

Bên cạnh đó, cuối năm cũng là thời gian cao điểm của hoạt động mua sắm, tiêu dùng nên tình hình xuất khẩu ngành hàng này được dự báo có thể tăng trưởng hơn nữa.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, người nông dân ngày càng biết cách trồng theo hướng nông nghiệp tốt, VietGAP, chất lượng tăng, số lượng tăng, mã số vùng trồng của chúng ta sẽ được cấp thêm. Vì vậy sang năm nếu không có gì đột biến thì có khả năng kim ngạch của chúng ta chắc chắn trên 6 tỷ USD.

Cũng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý IV năm nay, cả nước sẽ có khoảng gần 4 triệu tấn trái cây được thu hoạch và đưa ra tiêu thụ. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể đem về 0,6 - 0,8 tỷ USD. Do đó, để phát triển ngành hàng rau quả, các doanh nghiệp cần ứng dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất. Ngoài ra, người nông dân cũng cần tập trung trồng các loại cây theo định hướng của chính quyền địa phương để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề nghị và khuyến cáo các doanh nghiệp và các địa phương cần kiểm soát tốt chất lượng để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu.

Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu. Có như vậy, ngành hàng rau quả và xuất khẩu rau quả mới đạt được tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Ánh Dương (t/h)