Thái Bình Tích cực tìm thị trường cho lúa gạo

Đó là mục tiêu của hội nghị phát triển thị trường lúa, gạo tỉnh Thái Bình do UBND tỉnh tổ chức.

Các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương); Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân phân phối trong và ngoài tỉnh dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thái Bình có truyền thống và nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp trong đó có sản xuất lúa, gạo. Định hướng của tỉnh xác định vẫn lấy phát triển nông nghiệp là một trụ cột quan trọng song song với phát triển công nghiệp. Làm thế nào để lúa, gạo Thái Bình có thương hiệu, có giá trị cao và nâng thu nhập cho người nông dân là vấn đề mà tỉnh rất trăn trở muốn tìm ra giải pháp cụ thể, có tính khoa học, thực tiễn.

t1-1678519230.jpg
Ký kết hợp tác và tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo tỉnh Thái Bình

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, thương nhân phân phối thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, phân tích làm rõ những ưu điểm, hạn chế trong phát triển lúa, gạo của Thái Bình từ đó đề xuất giúp tỉnh những giải pháp phát triển thị trường và nâng cao giá trị lúa, gạo.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình thông tin về thực trạng sản xuất lúa gạo, tình hình phát triển thị trường lúa, gạo; những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, phát triển quy mô, chất lượng, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ lúa gạo của tỉnh. Bên cạnh đó, đề xuất một số giải pháp để gạo Thái Bình có thương hiệu, chỗ đứng trên cả thị trường truyền thống, thương mại điện tử và đẩy mạnh xuất khẩu.

Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp: Thái Bình Seed, Hưng Cúc, Hợp tác xã SXKD DVNN xã An Thanh (huyện Quỳnh Phụ) và nhà phân phối hệ thống Saigon Co.op chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ và những khó khăn, thách thức đang gặp phải hiện nay. Các doanh nghiệp, thương nhân đề xuất một số giải pháp tập trung vào các vấn đề như chọn tạo bộ giống tốt, quy vùng sản xuất lớn, cấp mã vùng trồng, xây dựng cơ sở chế biến công nghệ cao, đóng gói nhãn mác sản phẩm, xúc tiến thương mại phát triển thị trường…

t2-1678519303.jpg
Đại biểu tham quan các sản phẩm trưng bày tại hội nghị

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đại diện lãnh đạo các cục của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ thông tin về thị trường lúa, gạo trong nước, các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam tại châu Á, châu Phi và một số nước châu Âu. Xu hướng tiêu dùng, các tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn ngạch xuất nhập khẩu gạo của các nước. Để phát triển được thị trường lúa, gạo theo các chuyên gia, Thái Bình cần chú trọng phát triển dòng lúa chất lượng cao, gạo đặc sản của tỉnh để chiếm lĩnh ngay thị trường trong nước và vươn tới xuất khẩu.

Tỉnh sớm quy hoạch vùng nguyên liệu, chọn tạo bộ giống gạo ngon đủ sức cạnh tranh, có quy trình sản xuất an toàn, bền vững, có chiến lược tuyên truyền, quảng bá bài bản, lâu dài, gắn sản phẩm lúa gạo với hình ảnh của địa phương. Bên cạnh nâng cao chất lượng bảo quản, đóng gói, các chuyên gia cho rằng nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn; tỉnh cũng nên ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển thương hiệu, mẫu mã sản phẩm gạo đủ sức hấp dẫn…

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến tham luận của đại biểu đã làm rõ những hạn chế trong sản xuất, tiêu thụ và đề xuất những giải pháp bước đầu giải đáp được mong muốn xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường lúa, gạo của tỉnh. Đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương, nhất là Sở Công Thương tiếp thu đầy đủ ý kiến, tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo cụ thể để phát triển thị trường lúa gạo thời gian tới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: quy vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng giống lúa, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm lúa gạo… Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, tham mưu cho tỉnh một số cơ chế chính sách đủ mạnh, hiệu quả thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường lúa, gạo của tỉnh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục nỗ lực, đồng hành với tỉnh tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu lúa, gạo Thái Bình trong thời gian tới.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, đồng hành, ủng hộ và hỗ trợ tỉnh Thái Bình trong phát triển nông nghiệp nói chung, phát triển thị trường lúa, gạo nói riêng tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, để nông nghiệp thực sự trở thành một trụ cột trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cục của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đại biểu đã chứng kiến các nhà sản xuất và nhà phân phối ký kết hợp tác, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo của tỉnh./.

Khắc Duẩn, Ảnh: Thành Tâm