Quảng cáo #128

Tăng năng suất và sản lượng phải gắn liền với lợi nhuận của người nuôi tôm và doanh nghiệp

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thuỷ sản: Lợi nhuận của người nuôi tôm đạt thấp do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính do chi phí sản xuất cao, dịch bệnh ngày càng nhiều, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ông Luân cho rằng: Vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp.

Nội dung trên được chia sẻ tại Hội thảo tham vấn "Giải pháp nuôi tôm hiệu quả” do Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức vào ngày 31/10.

hoi-thao-phat-trien-ben-vung-nghe-nuoi-tom-1-1730382357.jpg
Hội thảo tham vấn "Giải pháp nuôi tôm hiệu quả” do Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức.

Nhiều bất lợi tác động tới tăng trưởng ngành tôm năm nay

Theo Cục thủy sản, năm 2024 sản xuất tôm trong nước phải đối mặt với nắng nóng tại Trung bộ, khô hạn tại Tây nguyên, xâm nhập mặn tại Nam bộ, bão, lũ xảy ra tại các tỉnh phía Bắc gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đối với nuôi trồng thuỷ sản.

Xuất khẩu tôm gặp nhiều bất lợi do khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao ở các thị trường nhập khẩu chính, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, giá thành sản xuất cao. Bên cạnh đó là những khó khăn do sức ép cạnh tranh với các thị trường như Ecuador, Ấn Độ...

Chia sẻ tại Hội thảo, Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, trong năm 2024, tình hình phát triển nuôi tôm của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi nhanh về cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ trong sản xuất góp phần tăng năng suất và sản lượng tôm nuôi, cải thiện đời sống của người dân.

Tuy nhiên nghề nuôi tôm của Cà Mau vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường; dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra; môi trường vùng nuôi tôm chưa được kiểm soát tốt; giá vật tư đầu vào luôn có xu hướng tăng, trong khi đó giá tôm nguyên liệu có những thời điểm giảm sâu, nhất là giá tôm thẻ chân trắng; việc ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế; kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển chưa đáp ứng… làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con...

hoi-thao-phat-trien-ben-vung-nghe-nuoi-tom-3-1730382341.jpg
Trước những khó khăn ngành tôm gặp phải, Sở NN&PTNT các tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ. (Ảnh minh họa)

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, khó khăn lớn nhất của nuôi tôm nước lợ các tháng đầu năm là giá tôm nguyên liệu ở mức rất thấp, sản xuất không có lợi nhuận.

Bên cạnh đó, hiện tượng El-Nino xuất hiện làm nắng nóng gay gắt, kéo dài, làm độ mặn, nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.

Bên cạnh đó nguồn lao động qua đào tạo chịu làm việc trong môi trường sản xuất tại các doanh nghiệp còn khan hiếm, vì vậy việc mở rộng sản xuất cũng bị ảnh hưởng.

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, trong các tháng đầu năm 2024, ngành tôm tỉnh này gặp nhiều khó khăn như kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ngành tôm hiện nay còn thiếu và chưa đồng bộ; Mạng lưới giao thông đường thủy chưa được phát huy; hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng bồi lắng nhanh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhất là thời điểm mùa khô...

Ngoài ra việc phát triển nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua khá nhanh, trong khi đó việc ứng dụng và thực hiện các giải pháp xử lý nước thải, chất thải trong nuôi trồng thủy sản còn hạn chế...

Đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ nhằm phát triển ngành tôm bền vững

Trước những khó khăn ngành tôm gặp phải, Sở NN&PTNT các tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ. Về phía tỉnh Kiên Giang cho rằng cần xây dựng mô hình quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung áp dụng tiêu chuẩn sản xuất thủy sản bền vững như: GlobalGAP, VietGAP, tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt (BAP), nuôi trồng thủy sản hữu cơ, nuôi sinh thái và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra cũng cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là xử lý chất thải và nước thải trong quá trình sản xuất để bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tương ứng với loại hình nuôi. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chuyển giao công nghệ, xây dựng các cơ sở vật tư, thiết bị, cung ứng dịch vụ trong nước được chủ động sản xuất và giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nuôi trồng thủy sản.

Thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, thường xuyên cảnh báo về giá cả thị trường như: giá tôm nguyên liệu; giá thuốc, thức ăn, vật tư thủy sản... đến người dân để có kế hoạch nuôi và thu hoạch đạt lợi nhuận cao.

hoi-thao-phat-trien-ben-vung-nghe-nuoi-tom-2-1730382418.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Còn tỉnh Bạc Liêu lại đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường tự động; hỗ trợ Bạc Liêu và các tỉnh nuôi tôm tìm kiếm và chuyển giao các quy trình xử lý hiệu quả chất thải, nước thải trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nuôi tôm siêu thâm canh.

Hỗ trợ đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại, giải quyết kịp thời những thách thức của ngành liên quan đến môi trường...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thuỷ sản, đánh giá: Lợi nhuận của người nuôi tôm đạt thấp do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính do chi phí sản xuất cao, dịch bệnh ngày càng nhiều, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ông Luân cho rằng: Vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp.

hoi-thao-phat-trien-ben-vung-nghe-nuoi-tom-4-1730382469.jpg
Vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Theo ông Trần Đình Luân, cạnh tranh quốc tế và rào cản thương mại ngày càng lớn. Các quốc gia như Ấn Độ, Ecuador và Indonesia cũng có ngành tôm phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ. Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giảm chi phí để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các rào cản thương mại và yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản ngày càng khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.

Giá thành sản xuất, chi phí thức ăn và thuốc thú y cho tôm ở Việt Nam còn khá cao, thêm vào đó, việc kiểm soát chi phí chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến việc giá tôm Việt Nam chưa đủ cạnh tranh so với các nước khác.

Đồng thời, những khó khăn trong tiếp cận công nghệ và kỹ thuật mới, nhiều hộ nuôi tôm vẫn áp dụng kỹ thuật nuôi truyền thống, thiếu sự đầu tư vào công nghệ hiện đại và các quy trình nuôi bền vững. Việc tiếp cận công nghệ mới trong quản lý dịch bệnh, cải thiện năng suất, và bảo vệ môi trường còn hạn chế. Ngành tôm đang thiếu nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn và kỹ năng cao để triển khai các quy trình nuôi tôm hiện đại và bền vững, cũng như đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn.

Theo ông Luân, vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp. Lợi nhuận của người nuôi tôm đạt thấp do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính do chi phí sản xuất cao, dịch bệnh ngày càng nhiều, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều khó khăn. Gà, heo thì có thể có một chuồng, còn tôm nuôi thì rất nhiều ao nuôi với diện tích lớn, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cấp, nên công tác quản lý dịch bệnh luôn gặp nhiều khó khăn./.

Bình Nguyên