Cà Mau đầu tư 20.000 tỷ đồng phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất của vùng và cả nước

Tỉnh Cà Mau đề mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng giá trị kinh ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD; đến năm 2030 là khoảng 1,65 tỷ USD, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là 6 tỷ USD. Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành tôm đến năm 2030 là khoảng 20.000 tỷ đồng. Cà Mau sẽ phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Ngày 25/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh vừa quyết định phê duyệt phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

nganh-tom-ca-mau-01-1716628567.jpg
Cà Mau đã tập trung phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững để nâng cao hiệu quả ngành tôm của tỉnh. (Ảnh minh họa)

Đến năm 2025 sẽ nâng giá trị kinh ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD

Theo đó, tỉnh Cà Mau là sẽ tổ chức sản xuất với những mô hình phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng ngành tôm của địa phương. Qua đó, đưa sản phẩm tôm của địa phương có đủ sức cạnh tranh trên thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh và đất nước.

Tỉnh Cà Mau cũng đề mục tiêu cụ thể mà địa phương hướng đến là đến năm 2025 sẽ nâng giá trị kinh ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD; đến năm 2030 là khoảng 1,65 tỷ USD, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là 6 tỷ USD. Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành tôm đến năm 2030 là khoảng 20.000 tỷ đồng.

Trong phương án mà tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt cũng nêu cụ thể các tiêu chí lựa chọn vùng nuôi phù hợp với từng loại hình nuôi, nhằm để phát triển ngành tôm phát triển bền vững. Ngoài quy hoạch phương án phát triển hệ thống sản xuất và cung ứng tôm giống chất lượng cao, tỉnh Cà Mau đề ra phương án nâng cao năng lực chế biến hiện đại, bảo vệ môi trường… phấn đấu đến năm 2030, sản lượng chế biến thủy sản sẽ đạt 176.000 tấn thành phẩm.

nganh-tom-ca-mau-03-1716628633.jpg
Tỉnh Cà Mau đề mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng giá trị kinh ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, địa phương còn hướng đến việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chế biến thủy sản xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng lên 75-80%, giảm mạnh tỷ lệ các sản phẩm sơ chế còn dưới 20-25%. Đồng thời, giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống cũng như mở rộng và phát triển các thị trường tiềm năng khác. Trong đó, đến năm 2030, cơ cấu thị trường EU khoảng 17%; thị trường Nhật Bản khoảng 20%; thị trường Mỹ khoảng 20%; thị trường Trung Quốc và các thị trường khác khoảng 43% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Song song đó, địa phương cũng xây dựng khu phức hợp thủy sản là đô thị thủy sản kiểu mẫu, nơi có thể cung cấp nhà ở cho cán bộ, chuyên gia, người lao động làm nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản; khu tái định cư cho người dân cần di dời để xây dựng vùng nuôi tôm siêu thâm canh; trung tâm kiểm định con giống chất lượng cao; trung tâm dịch vụ logistic, sàn giao dịch trong nước và quốc tế về thủy sản. Theo đó, tỉnh Cà Mau dự kiến sẽ có 2 khu phức hợp thủy sản được xây dựng, gồm: khu phức hợp thủy sản Năm Căn, huyện Năm Căn, với 190ha và khu phức hợp thủy sản Tân Thuận, huyện Đầm Dơi với diện tích là 178ha.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học theo hướng bền vững

Theo thống kê của Hội Thủy sản Việt Nam, nhiều năm nay, con tôm vẫn luôn là chủ lực của ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung. Hằng năm, ngành tôm mang về cho đất nước từ gần 4 tỷ USD và đóng góp khoảng 45-50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Hiện tại, Việt Nam là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới và nằm trong top 4 thế giới về xuất khẩu cùng với các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia; trong đó, Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 303.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm là khoảng 280.000ha với tổng sản lượng tôm ước đạt 243.000 tấn.

Cà Mau được mệnh danh là "thủ phủ tôm" của cả nước. Xác định rõ đây là tiềm năng, lợi thế lớn của địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau đã tập trung phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững để nâng cao hiệu quả ngành tôm của tỉnh.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết Cà Mau là tỉnh trọng điểm về nuôi tôm với diện tích khoảng 280.000ha, sản lượng tôm đạt trên 220.000 tấn/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hàng năm đạt trên 1 tỷ USD.

Tiếp tục phát huy tốt thế mạnh này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành hàng tôm; trong đó tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; gia tăng diện tích, sản lượng, nâng cao giá trị sản phẩm tôm Cà Mau, đặc biệt là nhân rộng các mô hình nuôi đạt năng suất cao theo quy trình, kỹ thuật nuôi 2 giai đoạn và 3 giai đoạn.

Tỉnh cũng tăng cường xây dựng các vùng nuôi đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế; cải tiến quy trình nuôi tôm thâm canh, phát triển mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi sinh thái để nâng cao giá trị tôm Cà Mau.

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế và đã được cấp các chứng nhận như GlobalGAP, Naturland, BAP, EU và gần đây có ASC, Selva Shrimp, VietGAP.

nganh-tom-ca-mau-04-1716628574.jpg
Cà Mau khuyến khích các mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tỉnh Cà Mau còn quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, khuyến khích các mô hình nuôi thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động các biện pháp ứng phó với tình hình thời tiết, dịch bệnh trên thủy sản.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quản lý về chất lượng con giống, gia tăng về quy mô sản xuất con giống tập trung, hình thành các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất tôm giống phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 636.000 tấn bằng 99,4% kế hoạch, tăng 3,2% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm ước đạt 243.000 tấn, bằng 100% kế hoạch, tăng 6,7% so cùng kỳ. Sản lượng chế biến tôm ước đạt 200.000 tấn, đạt kế hoạch, tăng 15,2 % so cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, Cà Mau phấn đấu giữ ổn định diện tích nuôi tôm và sản lượng, bên cạnh đó là phát triển loại hình nuôi tôm phù hợp với từng vùng sinh thái để ứng dụng khoa học công nghệ mới và áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế. Cụ thể, giữ vững diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh 6.800ha; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 187.000ha.

Đồng thời, xây dựng nuôi tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2, 3 giai đoạn, tôm-lúa, tôm-rừng, nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ./.

Bình Nguyên