Ngành tôm toàn cầu rất khó đoán định đà tăng trưởng năm 2024

Báo cáo khảo sát chung của Rabobank và Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA) cho biết, sản lượng tôm toàn cầu năm 2024 được dự đoán sẽ phục hồi với mức tăng trưởng là 4,8%. Trong khi đó thị trường EU lại chứng kiến “sự phục hồi đan xen”, rất khó đoán định được liệu có tăng trưởng trong tương lai hay không.
xuat-khau-tom-02-1715336930.jpg
Ngành tôm năm 2024 sẽ có sự cải thiện nhẹ so với năm 2023, đặc biệt là ở các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc. (Ảnh minh họa)

Ngành tôm năm 2024 sẽ có sự cải thiện nhẹ so với năm 2023

Theo báo cáo mới nhất của Rabobank, ngành tôm năm 2024 sẽ có sự cải thiện nhẹ so với năm 2023, đặc biệt là ở các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, khả năng phục hồi sẽ còn chậm.

Động lực bán lẻ, nhất là ở Hoa Kỳ đang tác động đến giá cả và cản trở sự phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, một số thị trường khác vẫn còn nhiều bất ổn, đặc biệt là liên quan đến tăng trưởng bền vững ở châu Âu và sự ổn định kinh tế của Trung Quốc.

Gorjan Nikolik, nhà phân tích cấp cao của Rabobank cho hay, tại thị trường Mỹ, kể từ năm 2020, giá tôm đã giảm và hiện chỉ bằng 53% so với trước đây. Tuy nhiên các nhà bán lẻ vẫn chưa giảm giá bán buôn sang bán lẻ cho khách hàng, điều này phần nào cản trở sự phục hồi về nhu cầu.

Tuy nhiên theo Nikolik, nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường Hoa Kỳ hiện tại dù vẫn ở mức thấp nhưng đang có xu hướng “ổn định và tăng lên”. Trong khi đó thị trường EU lại chứng kiến “sự phục hồi đan xen”, rất khó đoán định được liệu có tăng trưởng trong tương lai hay không.

Tại châu Á, nhu cầu tiêu thụ tôm của Nhật Bản và Hàn Quốc dường như đã quay trở lại tăng trưởng vào cuối năm 2023, bằng chứng là lượng tôm nhập khẩu của Nhật Bản chỉ còn giảm 7,9% về giá trị và giảm 10,1% về khối lượng tính đến tháng 12/2023.

Nikolik nhận định, nhìn chung, ba quốc gia tiêu thụ tôm lớn là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đều có xu hướng gần giống nhau, “điều tồi tệ nhất đã qua”. Trung Quốc cũng là thị trường lớn trong tiêu thụ tôm toàn cầu, tuy nhiên nhiều chuyên gia dự đoán, trong nửa đầu năm 2024, nhu cầu tại thị trường này vẫn khó đoán định.

Báo cáo khảo sát chung của Rabobank và Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA) cho biết, sản lượng tôm toàn cầu năm 2024 được dự đoán sẽ phục hồi với mức tăng trưởng là 4,8%.

xuat-khau-tom-03-1715336914.jpg
Ngành tôm Ecuador được đánh giá “phát triển nhanh nhất thế giới” tuy nhiên trong năm nay sản lượng tôm của nước này sẽ không còn tăng mạnh như trước đó.(Ảnh minh họa)

Ecuador sẽ chứng kiến sản lượng tôm “giảm tốc” do ảnh hưởng của El Niño. Ngành tôm Ecuador được đánh giá “phát triển nhanh nhất thế giới” tuy nhiên trong năm nay sản lượng tôm của nước này sẽ không còn tăng mạnh như trước đó, thay vào đó chỉ ở mức khoảng 7%.

Tuy nhiên, hiện nay Ecuador đang thúc đẩy đầu tư vào chế biến các sản phẩm tôm giá trị gia tăng, điều này góp phần giảm thiểu tác động của giá tôm thấp. Sản lượng sản phẩm tôm giá trị gia tăng của Ecuador đang tăng từ 100.000 tấn lên hơn 350.000 tấn.

Ở châu Mỹ nói chung, sản lượng tôm vẫn tăng đáng kể nhưng đang có phần chậm lại. Đáng chú ý, Venezuela đang có quỹ đạo tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, đứng thứ 4 trong số các nước sản xuất tôm ở khu vực này.

Sản lượng tôm châu Á dự kiến đạt mức tăng trưởng 4% trong năm 2024 sau một năm 2023 đáng thất vọng, nhờ nhu cầu thị trường từ Mỹ và châu Âu. Trong đó, sản lượng tôm của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng trưởng 2% và Việt Nam là 6%.

Các nhà sản xuất tôm hàng đầu khác tại khu vực châu Á cũng dự kiến sẽ tăng sản lượng, với dự báo cho Trung Quốc là 1,9%, Indonesia là 3,6% và Thái Lan là 1,3%.

Doanh nghiệp tôm Việt Nam tìm giải pháp vượt sóng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), quý đầu năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 686 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù vậy, mức phục hồi được cho là vẫn khiêm tốn bởi mức nền của năm ngoái khá thấp. Bởi trong quý I/2023, xuất khẩu tôm đã giảm 39% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ tại một số thị trường chính như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU trong quý đầu năm tiếp tục ghi nhận giảm từ 2% – 14% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp đang chuẩn bị nhiều biện pháp ứng phó. Theo Tổng Giám đốc Thủy sản Minh Phú cho biết để tăng đơn hàng, thời gian qua công ty đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trên thế giới để giới thiệu sản phẩm.

Gần đây nhất là Hội chợ thủy sản quốc tế tại Boston tại Mỹ và sắp tới dự kiến là Nhật Bản và Hàn Quốc… để tiếp cận người tiêu dùng. Ngoài ra, Minh Phú đang đẩy mạnh việc hạ giá thành nuôi tôm để cạnh tranh với Ecuador.

“Chúng tôi đang áp dụng công nghệ nuôi tôm mới có thể cạnh tranh tốt với Ecuador. Tuy nhiên, công nghệ này cần thời gian để phổ biến đến tất cả những hộ nuôi liên kết. Nếu một mình Minh Phú nuôi mà người dân không áp dụng để có giá thành thấp thì cũng không thể thành công được”, ông Quang chia sẻ với chúng tôi bên lề sự kiện Minh Phú hợp tác với Bách Hóa Xanh để đẩy mạnh bán hàng thị trường nội địa hồi cuối tháng 3.

xuat-khau-tom-01-1715336992.jpg
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang chuẩn bị nhiều biện pháp ứng phó.(Ảnh minh họa)

Còn tại Sao Ta, ông Lực cho biết từ tháng 7/2023, Thực phẩm Sao Ta đã đưa vào vận hành khu trang trại Vinfarm ở Vĩnh Thuận, giúp mở rộng vùng nuôi thêm 203 ha, nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 525 ha với khả năng cung ứng 16.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Khi vùng nuôi này đi vào vận hành đầy đủ sẽ giúp cải thiện đáng kể năng lực tự chủ tôm nguyên liệu của doanh nghiệp.

Đại diện Sao Ta kỳ vọng thị trường Nhật Bản phục hồi sớm nhất, bên cạnh đó, công ty cũng sẽ tìm kiếm cơ hội tại thị trường Trung Quốc.

“Hiện tại chúng tôi chưa có hợp đồng nào bán hàng sang Trung Quốc nhưng đang hình thành nền tảng. Chúng tôi coi đây là thị trường tiềm năng hàng đầu và tự tin sẽ thâm nhập thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tôi chưa khẳng định mốc thời gian, phụ thuộc vào khả năng tiếp cận và cơ hội kinh doanh”, ông Lực chia sẻ với cổ đông.

Ông Trần Bé Sáu, Giám đốc điều hành Nhà máy Thủy sản Việt – Úc (Bạc Liêu), cũng nhận định thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, đồng thời cho biết doanh nghiệp sẽ tích cực tìm kiếm các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Song song với đó là đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị, năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu./.

Bình Nguyên