Khu Công nghệ cao Đà Nẵng phát triển theo định hướng khu đô thị sinh thái - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế

Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng được thành lập năm 2010 theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 28/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, là Khu CNC quốc gia đa chức năng thứ ba của cả nước. Mục tiêu của Khu CNC Đà Nẵng là trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật của TP. Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.

Với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 1.128,4ha, bao gồm: Khu sản xuất; khu nghiên cứu, phát triển đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; khu hậu cần, logistics và dịch vụ; khu ở; khu hành chính và khu phụ trợ. Đến nay, đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu CNC Đà Nẵng giai đoạn 1 và 2, sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư.

Theo Hiệp hội Khu Công nghệ cao Quốc tế (IASP), Khu công nghệ cao (Khu CNC) là tổ chức được quản lý bởi các nhà chuyên môn với mục đích làm giàu cho các cộng đồng liên quan bằng cách thúc đẩy văn hóa đổi mới và tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu thông qua kích thích và quản lý các dòng chảy kiến thức và công nghệ giữa các trường đại học, các tổ chức R&D, các công ty và thị trường; trợ giúp quá trình hình thành và phát triển các công ty dựa vào công nghệ thông qua hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp, cung cấp không gian, cơ sở vật chất chất lượng cao, cùng các dịch vụ giá trị gia tăng.

Khu CNC đầu tiên trên thế giới được thành lập ở Palo Alto, bang California (Hoa Kỳ) bởi Đại học Standford vào những năm 1950, sau đó tiếp tục được phát triển ở Châu Âu vào những năm 1960, ở Đông Á vào những năm 1970, ở Trung Quốc vào những năm 1980 và sau đó lan tỏa đến Đông Nam Á, Trung Đông và nhiều khu vực khác trên thế giới.

khu-cnc-2-1684369124.jpg
Công trình trụ sở làm việc của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã hoàn thiện phần xây dựng, sẵn sàng đi vào hoạt động trong quý 3-2020. Ảnh: Khánh Hòa - Báo Đà Nẵng

Tại Việt Nam, Khu CNC đầu tiên được thành lập vào năm 1998 ở Hà Nội, năm 2002 ở TP. Hồ Chí Minh và năm 2010 ở Đà Nẵng. Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 chỉ rõ các khu công nghệ cao quốc gia được hình thành để đóng góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng miền; góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng nhanh hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm hàng hóa; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ông Vũ Quang Hùng - Trưởng ban Quản lý Khu CNC và các Khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng cho biết: “Khu CNC Đà Nẵng là một trong ba Khu CNC quốc gia được thành lập với các mục đích chính là: Tạo động lực thúc đẩy phát triển CNC, thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp CNC; Hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp CNC, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên”.

Năm 2022, Khu CNC Đà Nẵng đã thu hút đầu tư vào 3 dự án; trong đó 1 dự án FDI với vốn đầu tư 60 triệu USD và 2 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 1.143,7 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã thu hút được 2 dự án đầu tư trong nước ở lĩnh vực logistics với tổng vốn đầu tư là 350 tỷ đồng.

Lũy kế đến nay, đã thu hút được 29 dự án đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng, bao gồm 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 7.024,78 tỷ đồng; có 13 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 607,7 triệu USD; đã giải quyết việc làm cho 1.664 lao động.

Trong tổng số 29 dự án thu hút đầu tư vào Khu CNC, có 5 dự án là thuộc dự án đầu tư các Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển (chiếm tỉ lệ 17,24%), còn lại là dự án sản xuất, nhà xưởng cho thuê và hậu cần, logistics. Bên cạnh đó, trong 29 dự án được cấp, có 11 dự án đi vào hoạt động. Các dự án còn lại ở giai đoan chuẩn bị đầu tư, trong đó có 2 dự án đang trình, báo cáo UBND Thành phố Đà Nẵng xem xét thu hồi và tiếp tục triển khai công tác hậu kiểm rà soát đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng chậm, chưa đầu tư.

“Thời gian tới phát triển Khu CNC Đà Nẵng theo định hướng khu đô thị sinh thái - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có tính cạnh tranh cao đến năm 2030 trên cơ sở triển khai các nội dung Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị theo thực tế quản lý và vận hành, nhằm tạo động lực đột phá cho phát triển kinh tế miền Trung - Tây Nguyên”, ông Vũ Quang Hùng cho biết thêm.

Về chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới của Khu CNC Đà Nẵng xác định:

+ Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ của TP. Đà Nẵng; tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng suất chất lượng, quản lý công việc hiệu quả, tiếp cận chuyển đổi số.

+ Doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia tích cực trong hoạt động có liên quan về nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu...

+ Thành lập, khuyến khích các cơ sở đào tạo, các tổ chức, viện nghiên cứu trung ương và địa phương thành lập cơ sở, triển khai hoạt động nghiên cứu - phát triển, ươm tạo - khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đào tạo tại Khu CNC.

Về chính sách thu hút đầu tư của Khu CNC Đà Nẵng nêu rõ:

+ Các dự án đầu tư tại Khu CNC được hưởng ưu đãi miễn, hoặc giảm tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu; Các ưu đãi về vay vốn tín dụng đầu tư và các ưu đãi khác theo quy định của Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 04/01/2018 của Chính phủ.

+ Tranh thủ sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để tiếp cận, giới thiệu những doanh nghiệp tiềm năng đầu tư vào Khu CNC, trong đó định hướng trọng tâm thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, thiên về nghiên cứu - phát triển, tạo công nghệ và thương mại hóa công nghệ./.

Đạm Quang Lê