Chuyển đổi xanh tạo điểm nhấn trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Việc chính quyền thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời các quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ môi trường có thể giảm bớt những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường cho sức khỏe người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngược lại, khi các doanh nghiệp càng triển khai nhiều hoạt động “chuyển đổi xanh” cũng sẽ góp phần quan trọng vào giảm bớt ô nhiễm môi trường tại các địa phương.

Ngày 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023. Gần 20 năm qua, Chỉ số PCI vẫn luôn được đón nhận, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng chia sẻ, đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương.

chi-so-pci-cap-tinh-02-1715260213.jpg
Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI 2023.

Chỉ số Xanh và sự chuyển mình tăng trưởng bền vững

Kể từ năm 2005, với sự đồng hành của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bắt đầu công cuộc điều tra, nghiên cứu và công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (gọi tắt là PCI) thông qua các nghiên cứu, cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.

Đúng như đánh giá của cơ quan nghiên cứu chỉ số này, việc công bố PCI đã thể hiện một bước chuyển tư duy quan trọng tại Việt Nam - khi chính các doanh nghiệp - những người đang thụ hưởng các dịch vụ hành chính công có quyền và trách nhiệm đánh giá về chất lượng dịch vụ. Đồng thời, thông qua cảm nhận của hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân, mức độ lắng nghe và hành động đáp ứng của chính quyền địa phương dành cho cộng đồng doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều theo thời gian.

Với PCI 2023, VCCI bước vào năm thứ 19 công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Vẫn là các bảng hỏi, được tổng hợp điểm số theo thang điểm 100 thông qua 10 chỉ số thành phần liên quan tới những lĩnh vực quan trọng nhất của môi trường kinh doanh, như: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động của chính quyền địa phương; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; và Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự...

Qua mỗi mùa công bố, PCI luôn xuất hiện những nghiên cứu mới mẻ, gắn với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Tất cả đều cho thấy sự cải thiện đáng kể của chỉ số này, đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi phải làm tốt hơn công tác điều hành chính sách từ cấp địa phương, đến việc thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở cấp Trung ương.

chi-so-pci-cap-tinh-03-1715260261.jpg
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI trao Cúp và Chứng nhận PGI năm 2023 cho đại diện lãnh đạo các tỉnh có Chỉ số PGI cao.

Có thể kể đến những thay đổi đáng kể của PCI, như việc điều tra thường niên PCI - FDI được tích hợp với điều tra PCI kể từ năm 2010. Đây không chỉ là kênh giúp khối doanh nghiệp FDI phản ánh về chất lượng điều hành kinh tế và cơ sở hạ tầng tại địa phương - nơi họ đầu tư mà còn là nguồn thông tin hữu ích để cải thiện chính sách thu hút đầu tư FDI của Việt Nam.

Hay trước những tác động trực tiếp của đại dịch covid-19, VCCI đã công bố PCI 2020 bằng bản báo cáo hết sức kỹ lưỡng về những “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam”. Gần đây nhất, PCI 2022 đã lần đầu tiên nghiên cứu và công bố thêm Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) - bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh.

PGI đã cho thấy: Môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường. Việc chính quyền thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời các quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ môi trường có thể giảm bớt những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường cho sức khỏe người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngược lại, khi các doanh nghiệp càng triển khai nhiều hoạt động “chuyển đổi xanh” cũng sẽ góp phần quan trọng vào giảm bớt ô nhiễm môi trường tại các địa phương.

Rõ ràng, việc tiếp tục công bố “Chỉ số Xanh cấp tỉnh” (PGI) cùng với PCI 2023 hôm nay đã khẳng định nỗ lực của VCCI trong việc cam kết đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các địa phương, để vừa cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, cũng đồng thời phải quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Nhiều chuyển biến tích cực trong nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI cho biết báo cáo PCI-PGI 2023 được xây dựng từ thông tin phản hồi của 10.676 doanh nghiệp, trong đó có 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đang hoạt động tại Việt Nam.

Báo cáo ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, khảo sát PCI–PGI năm 2023 cho thấy có những cải thiện rõ rệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm chi phí không chính thức và cải cách thủ tục hành chính. Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp số hóa đang mang lại hiệu quả thiết thực khi gần 77% doanh nghiệp cho biết đã tiết giảm được thời gian và chi phí từ thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến thay vì theo hình thức truyền thống.

chi-so-pci-cap-tinh-01-1715260294.jpg
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI phát biểu tại buổi công bố PCI 2023.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh thành phố trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh so với trước đây. Trong đó, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian với điểm số chỉ số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022.

Nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng chú ý, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng tốt “lợi thế của người đi sau” khi tích cực học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015-2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 (khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát).

Từ góc nhìn của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các ý kiến có chung quan điểm Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp FDI tăng tuyển dụng lao động đã tăng từ mức 55,8% năm 2022 lên 59,9% năm 2023. Tình hình kinh doanh có sự cải thiện khá khả quan, tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi lên mức 46,5% và báo lỗ là 42,3%.

Nhóm doanh nghiệp FDI cho biết gánh nặng thực thi quy định tại Việt Nam đã giảm bớt theo thời gian. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp FDI gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục thuế còn 16% và giảm so với mức 27% năm 2022. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp FDI đã sử dụng hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng nhà cung cấp trong nước tăng dần từ mức 63,3% năm 2022 lên 75% năm 2023.

chi-so-pci-cap-tinh-04-1715260196.jpg
Năm 2023, Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PGI với 26 điểm.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra bối cảnh kinh tế đầy thách thức cũng được phản ánh trong báo cáo năm nay khi tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động trong thời gian tới chỉ ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải chật vật đương đầu với nhiều khó khăn về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, thiếu hụt nguồn nhân lực lành nghề, cũng như các thủ tục hành chính.

“Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với tình hình thiên tai, biến đối khí hậu diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Và, những yếu tố từ bên ngoài làm gia tăng khó khăn với hoạt động kinh doanh, như căng thẳng địa chính trị tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, lạm phát vẫn ở mức cao ở nhiều quốc gia, thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu suy giảm, hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng…,” ông Tuấn nhấn mạnh./.

Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) góp phần hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố đánh giá, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản trị môi trường tại các địa phương. Chỉ số PGI bao gồm 4 chỉ số thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Năm 2023, Quảng Ninh là tỉnh có tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần cao nhất, dẫn đầu bảng xếp hạng với 26 điểm. Các vị trí tiếp theo là Đà Nẵng (25,66 điểm), Đồng Nai (24,71 điểm), Hưng Yên (24,59 điểm) và Thành phố Hồ Chí Minh (24,2 điểm).

Trọng Bình