Chuyển đổi số giúp nông nghiệp tăng trưởng xanh, lan tỏa giá trị nông sản

Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
chuyen-doi-so-nong-nghiep-02-1713660956.jpg
Hiện nay, thực hiện chuyển đổi số được áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả khả quan.(Ảnh minh họa)

Nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số

Quyết định 479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện. Đây chính là cơ hội để ngành nông nghiệp tạo bước đột phá nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Hiện nay, thực hiện chuyển đổi số được áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả khả quan. Trong đó, các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nước, phân bón... để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, đồng thời kiểm soát dịch, bệnh trong sản xuất.

Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, thành phố Hà Nội xác định thực hiện phải dựa trên nền tảng dữ liệu; tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như: Ðất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản...; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-01-1713660995.jpg
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, đến nay trên địa bàn có nhiều mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả như: Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ thực hiện quản lý và sản xuất với diện tích 70 ha. Hợp tác xã trồng lúa, bưởi hữu cơ và rau an toàn ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát vùng sản xuất với quy mô 20 ha. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất lúa hữu cơ. Các camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội có quy mô sản xuất 17,8 ha. Hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số trong hai lĩnh vực là: Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGap. Qua đó giúp sản phẩm của Hợp tác xã đã vào được các kênh phân phối uy tín với giá bán rau ổn định hơn so với bán ở chợ.

Chuyển đổi số nâng tầm giá trị nông sản

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, việc ứng dụng công nghệ đã từng bước thay đổi cách thức quản lý, sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cho nông sản. Qua đó hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số, khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số.

Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ xã An Khang (thành phố Tuyên Quang) có 17 thành viên nuôi ong lấy mật, một tháng mỗi xã viên thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Mùa nào thức nấy, khi đến mùa hoa nhãn, hoa vải, mùa hoa bạc hà cho dù tận Hà Giang, các thành viên cũng đem đàn ong đi đến đó để thu mật. Vì vậy, mật ong của hợp tác xã luôn đa dạng thơm ngon được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Chị Phan Thị Bích, Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ xã An Khang cho hay: Khi mật ong của hợp tác xã được đóng tem có bao bì mã số, mã vạch đã tạo được uy tín và sự yên tâm cho khách hàng khi sử dụng.

“Trước đây khi bán chai mật ong chỉ mình biết với mình thôi, nhưng từ khi áp dụng kỹ thuật số, công nghệ thông tin thì sản phẩm của hợp tác xã bán tăng hơn trước khi có các trang mạng, sàn giao dịch. Ví dụ trước đây bán được 1% thì nay tăng lên 9%” - chị Phan Thị Bích chia sẻ.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-03-1713661030.jpg
Sản phẩm của Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ được đóng tem có bao bì mã số, mã vạch đã tạo uy tín và sự yên tâm cho khách hàng khi sử dụng.(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Ngành nông nghiệp tập trung xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi, cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi.

“Muốn chuyển đổi số đầu tiên chúng tôi đã làm dự án về cơ sở dữ liệu, thu thập toàn bổ dữ liệu ngành để đưa lên hệ thống. Thứ hai hạ tầng số chúng tôi làm trang thông tin của Sở, luôn được đổi mới, nhiều bài mới, nên lượng truy cập trên trang bình quân một ngày là 15 nghìn lượt, đem được nhiều thông tin cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để nắm bắt nghiên cứu, đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt sản phẩm OCOP của tỉnh 248 sản phẩm đều được đưa lên trang sản phẩm OCOP” - ông Nguyễn Văn Việt nói.

Mục tiêu xuyên suốt của ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm đã ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh./.