Doanh nghiệp tăng trưởng xanh cần 'đòn bẩy' công nghệ và chuyển đổi số

Đổi mới công nghệ chính là chìa khóa phát triển kinh tế số và kinh tế xanh. Theo đó, chuyển đổi số sẽ tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh tế số sẽ thúc đẩy những động lực, không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện cam kết Net-zero.

Trên đây là nhận định của ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại "Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh” được tổ chức ngày 17/4 tại Hà Nội.

cong-nghe-kinh-te-xanh-04-1713410565.jpg
Thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa)

Đổi mới công nghệ, chìa khóa phát triển kinh tế xanh

Theo ông Trần Minh Tuấn, đổi mới công nghệ chính là chìa khóa phát triển kinh tế số và kinh tế xanh. Theo đó, chuyển đổi số sẽ tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh tế số sẽ thúc đẩy những động lực, không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện cam kết Net-zero. Thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mở ra không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp, không gian vật lý hợp nhất với không gian số (còn được gọi là không gian thực - ảo).

Chuyển đổi số cũng giúp chuyển các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, phát thải carbon thấp, công nghiệp dựa trên tài nguyên mới là dữ liệu; Cho phép tổ chức lại các nguồn lực đổi mới xuyên vùng, miền thông qua các nền tảng số.

Đặc biệt khi áp dụng công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả, giảm phát thải và tiến tới mục tiêu Net-zero bởi bản chất chuyển đổi số là tạo ra 3 xu hướng chính là phi vật chất hóa, phi trung gian hóa, phi tập trung hóa.

Dẫn báo cáo của EconomySEA, ông Trần Minh Tuấn cho biết, Việt Nam được đánh giá là có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Bộ TT&TT ước tính, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,91%, 14,26%. Kinh tế số năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Năm 2022 trong tỷ trọng 14,26%, kinh tế số ngành, lĩnh vực mới chỉ chiếm tỷ trọng hơn 5%. Trong khi đó, con số này tương ứng của Trung Quốc năm 2021 là 32,5%. Đột phá chính để thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam là kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Như vậy, ông Trần Minh Tuấn nhận định, Việt Nam đang có những cơ hội khi kinh tế số tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP. Kinh tế số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Khi phát triển kinh tế số sẽ giúp tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế số cũng gặp phải những thách thức như hạ tầng số tiêu hao nhiều năng lượng, nhất là các trung tâm dữ liệu, vấn đề rác thải điện tử, nhất là khi công nghệ thay đổi nhanh. Như vậy quá trình chuyển đổi số cần tính đến việc sử dụng công nghệ số, tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo.

cong-nghe-kinh-te-xanh-01-1713410613.jpg
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn.

Lấy ví dụ về chuyển đổi số từ từ một số mô hình cụ thể, ông Tuấn dẫn chứng như trường hợp của Rạng Đông, đơn vị này đã đi thẳng vào phân khúc sản phẩm “thông minh” nhờ những nghiên cứu công nghệ vật lý/sinh học nhúng trong sản phẩm của mình phù hợp với ngữ cảnh Việt Nam. “Thông minh hóa” dây chuyền sản xuất di sản cũ; chuyển đổi số cái cũ chiếm ít nhất 50% tỉ trọng công việc. Làm chủ, thiết kế, sáng tạo công nghệ sản xuất bằng Make in Viet Nam. Kết hợp với các doanh nghiệp công nghệ số Việt như FPT, Viettel, VNPT... làm giàu hệ sinh thái Make in Viet Nam. Chọn chuẩn mở để tham gia cuộc chơi lớn.

Hay chuyển đổi số trong ngành logistic tại một số đơn vị như câu chuyện của cụm 700 nhà kinh doanh cây cảnh tại Vĩnh Phúc đã đạt sản lượng phục vụ lên tới 20.000 đơn hàng/ngày, cây đi nội tỉnh được giao trong ngày, nội miền giao trong 24 giờ và liên miền chỉ trong 55h.

Hay câu chuyện về cảng biển thông minh, Bộ Bộ GTVT triển khai nền tảng chuyển đổi số cảng biển và kết nối các cảng biển được 25/145 cảng biển trên toàn quốc, sử dụng nền tảng số Make in Việt Nam. Chi phí chỉ bằng 10 - 20% giải pháp của nước ngoài. Trước đây, 1 lệnh giao nhận container có trung bình 11 điểm dừng, cần 6 - 8 giờ để hoàn thành. Hiện nay, chỉ cần 1 điểm dừng với 2 - 3 phút để hoàn thành, tương đương với Singapore.

Mô hình chợ 4.0 đầu tiên trên địa bàn Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), hơn 70% tiểu thương (khoảng 200 hộ kinh doanh) tại chợ trung tâm đã mở tài khoản và điểm thanh toán không dùng tiền mặt.

cong-nghe-kinh-te-xanh-03-1713410716.jpg
Thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới. (Ảnh minh họa)

Từ những dẫn chứng cụ thể như trên, ông Trần Minh Tuấn nêu quan điểm, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào nhiệm vụ phổ cập hạ tầng số. Trong đó, doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò tiên phong sáng tạo ứng dụng số đa dạng phục vụ các ngành, lĩnh vực. Các Bộ, Ngành Trung ương, địa phương cùng tham gia sáng tạo và triển khai ứng dụng số để phổ cập các tiện ích số cơ bản gồm danh tính số, chữ ký số cá nhân, thanh toán số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử.

Quản trị số bao gồm chính phủ số, đô thị thông minh và quản trị kinh tế số giúp nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của nền kinh tế trước tác động bên ngoài. Các Bộ, Ngành Trung ương, địa phương cũng cần mở dữ liệu để các ứng dụng AI hỗ trợ theo dõi giám sát, cảnh báo sớm và dự báo những tác động lên kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và kịp thời.

Khoảng 9 tỷ USD đầu tư các dự án FDI thuộc lĩnh vực tăng trưởng xanh

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhận định: Cam kết của Việt Nam về tăng trưởng xanh giúp nâng cao vị thế quốc tế, thu hút đầu tư và quan hệ đối tác nước ngoài. Giai đoạn 2017 -2021, khoảng 9 tỷ USD vốn FDI được huy động vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam, tập trung vào năng lượng tái tạo và sản xuất thiết bị, máy móc cho các dự án thuộc lĩnh vực tăng trưởng xanh. Về xếp hạng quốc tế, theo Chỉ số tăng trưởng xanh ấn bản năm 2023, Việt Nam xếp thứ 73/245 quốc gia và thứ 16/50 quốc gia ở châu Á, với điểm chỉ số là 56,44.

Việt Nam đã thực hiện tốt các khía cạnh bảo vệ vốn tự nhiên và hòa nhập xã hội nhưng phải đối mặt với những thách thức về khía cạnh hiệu quả tài nguyên và các cơ hội kinh tế xanh. Theo ấn bản năm 2023 của Chỉ số Tương lai Xanh, Việt Nam xếp thứ 53/76 nền kinh tế và thứ 9/16 nền kinh tế ở châu Á, đạt 4,13. Việt Nam xếp ở giữa trong các hạng mục chuyển đổi năng lượng nhưng lại xếp hạng thấp trong các hạng mục về phát thải carbon và chính sách khí hậu.

Kinh tế xanh ở Việt Nam tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020 (2% tổng GDP) với đà tăng trưởng vững chắc (10-13%/năm trong giai đoạn 2018-2020). Trong đó, 41% là từ ngành năng lượng, 28% là từ hoạt động nông lâm nghiệp, 14% là từ hoạt động công nghiệp và 17% là từ các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xử lý rác thải và xây dựng.

Theo ước tính, năm 2020, nền kinh tế xanh góp phần tạo ra hơn 400 nghìn việc làm, trong đó hơn một nửa đến từ các hoạt động nông, lâm nghiệp xanh và công nghệ cao (33%) và hoạt động công nghiệp (28%) – chủ yếu là sản xuất thiết bị, máy móc, phụ tùng phục vụ sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Tuy nhiên, số lượng việc làm được tạo ra từ các hoạt động kinh tế xanh của Việt Nam vẫn còn tương đối khiêm tốn (1,1% tổng số việc làm quốc gia) so với các nước dẫn đầu (3,3% ở Pháp vào năm 2020 và 6,7% ở Trung Quốc vào năm 2022).

cong-nghe-kinh-te-xanh-02-1713410643.jpg
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại Diễn đàn.

Theo ông Thọ, một số giải pháp phát triển kinh tế xanh có thể được kể đến như:

Tăng cường phối hợp liên cơ quan để đảm bảo tính nhất quán và sức mạnh tổng hợp trong các chính sách tăng trưởng xanh, từ đó giảm xung đột và hợp lý hóa các nỗ lực, cả ở cấp trung ương và cấp tỉnh.

Phát triển các cơ chế tài chính đổi mới như trái phiếu xanh, ưu đãi đầu tư và quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án xanh. Tăng cường đầu tư công và tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh, như nhà máy điện mặt trời, trang trại gió, hệ thống quản lý chất thải và sáng kiến phủ xanh đô thị. Tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho các sáng kiến tăng trưởng xanh, như tiếp cận tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức và trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất.

Tăng cường các cơ chế quản lý và hệ thống giám sát để đảm bảo tuân thủ các chính sách tăng trưởng xanh và buộc các đơn vị không tuân thủ phải chịu trách nhiệm. Xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, mạch lạc cho tăng trưởng xanh, đặc biệt là hệ thống phân loại xanh hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng và theo đó có các cơ chế chính sách hỗ trợ như khuyến khích đầu tư xanh, chương trình thí điểm xanh.

Tăng cường nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường và thực hành bền vững thông qua các tuyên truyền, giáo dục (năng lượng sạch, giảm chất thải) và sự tham gia của cộng đồng (thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng).

Theo ông Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH-CN cho rằng, đổi mới công nghệ có vai trò quan trong để phát triển kinh tế số và kinh tế xanh thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng trong sản xuất.

"Kinh tế số và kinh tế xanh là xu hướng tất yếu và con đường để Việt Nam đột phá, hướng tới phát triển bền vững. Kinh tế số và kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045. Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia để hiện thực hóa tầm nhìn. Cần có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh với mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể, đồng bộ. Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trường đại học, viện nghiên cứu cần đổi mới đào tạo, liên kết với doanh nghiệp, ươm mầm ý tưởng sáng tạo", ông Chử Đức Hoàng nhấn mạnh./.

Trọng Bình