Chi phí tăng cao, nhiều trại chăn nuôi "treo" chuồng vì thua lỗ

Nhiều hộ nông dân hiện đang rơi vào cảnh khó khăn khi không biết nên tiếp tục chăn nuôi hay là dừng lại do chi phí đầu vào tăng, trong khi thành phẩm bán ra lại thấp.

Một điều chưa từng xảy ra trong ngành chăn nuôi đó là 3 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh 15 lần theo chiều hướng tăng. Việc điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi khiến chi phí đầu vào tăng, trong khi thành phẩm bán ra lại thấp. Nhiều nông dân rơi vào cảnh khó khăn khi không biết nên tiếp tục chăn nuôi hay là dừng lại, bởi tiếp tục chăn nuôi sẽ rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.

Trang trại với quy mô hơn 20.000 con gà đã ngừng chăn nuôi được hơn 1 tháng. Thua lỗ cả tỷ đồng nên treo chuồng là giải pháp cắt lỗ. "1 kg gà, trang trại sẽ lỗ 5.000 - 6.000 đồng. Trang trại với quy mô 320.000 con thì lỗ khoảng hơn 2 tỷ", anh Nguyễn Xuân Hùng, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, cho biết.

Trang trại gà của ông Nguyễn Văn Ngọc (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) thay vì đóng cửa với bảo vệ canh nghiêm ngặt thì nay, cửa mở tan hoang. Bên trong trại cũng không có tiếng động cơ từ các máy làm mát cho trại, máy trộn thức ăn.

Sau 2 năm dài giá gà xuống thấp, đã hơn 1 tháng nay, trại buộc phải tạm dừng tái đàn do không còn kinh phí để gồng gánh. Nhiều công nhân cũng cho về quê, tạm thời chỉ giữ lại một người quản lý để trông coi tài sản.

Trang trại ông Ngọc có tổng cộng 16 trại, trung bình mỗi trại nuôi được 20.000 con gà. Tính thời điểm hiện tại, giá cám đang dao động khoảng 13.000 đồng/kg; trung bình mỗi con gà nuôi cho đến khi xuất chuồng phải tốn 1,6kg cám. Bên cạnh đó, chi phí vaccine, người lao động, khấu hao tài sản, điện, nước nhưng giá gà bán ra chỉ 30.000 đồng/kg. Mỗi năm, trại gà nuôi hơn 3 lứa, mỗi con gà lỗ khoảng 7.000 đồng; tính ra 16 trại lỗ hơn 2,2 tỷ đồng.

chan-nuoi-thua-lo-0620230326105943-1679890978.jpg

Dù đầu tư hàng chục tỉ đồng vào trại gà, nhưng hơn 2 tháng qua, ông Nguyễn Văn Ngọc (Đồng Nai) đã quyết định "treo chuồng" để cắt lỗ.

Cũng nằm trong địa bàn huyện Vĩnh Cửu, trại heo Hoa Phượng (huyện Vĩnh Cửu) cũng chỉ còn 500 nái, 4.000 con heo nuôi để bán lấy thịt, giảm hơn 30% số lượng so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trại heo Hoa Phượng tính toán, hiện nay, heo con cai sữa với trọng lượng 6kg có giá thành 1,5 triệu đồng/con. Để xuất chuồng với trọng lượng 100kg, con heo phải tốn khoảng 4 triệu đồng cám. Tuy nhiên, giá bán heo hơi chỉ 48.000 đồng/kg. Chưa tính các chi phí thuốc, nhân công, điện, người nuôi đang lỗ khoảng 1 triệu đồng/heo.

"Do con heo với chu kỳ nuôi cũng 5 tháng nên người nuôi không thể treo chuồng mà chỉ cố gắng cầm cự. Bên cạnh đó, so với thời điểm năm 2017 thì đợt này rất khó khăn, bởi người dân trải qua dịch tả heo châu Phi, dịch bệnh Covid-19, khiến tài sản kiệt quệ", ông Thắng cho hay.

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện có khoảng 45-50% trang trại lớn treo chuồng, khoảng 70-75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán thấp hơn nhiều so với giá thành chăn nuôi.

chan-nuoi-thua-lo-0520230326105659-1679890978.jpg

Giá thành chăn nuôi tăng cao nhưng giá bán ở mức thấp kéo dài khiến hàng loạt người dân cho đến doanh nghiệp chăn nuôi, điêu đứng, thua lỗ nặng.

Để ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để giữ chuồng tái đàn. Thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70-85% giá thành. Khô đậu tương chiếm khoảng 20% trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong thời điểm này, nhà nước cần có chính sách giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống còn 0% để hỗ trợ một phần cho người chăn nuôi.

"Nó phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực. Thứ hai là thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với ngành chăn nuôi. Thứ bà là một phần nào đó giúp cho chuỗi chăn nuôi giảm bớt chi phí đi", ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đánh giá.

Trước mắt nông dân đang tận dụng những nguyên liệu sẵn có để pha trộn làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên với trang tại quy mô lớn và vừa từ 1.000 lợn trở lên gặp nhiều khó khăn do số lượng nhập thức ăn chăn nuôi rất lớn, có khi lên tới cả tỷ đồng./.

Thi Nguyên (t/h)