Ứng dụng khoa học công nghệ nâng chất sản phẩm OCOP Hậu Giang

Tới nay, hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đều được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp như: ISO, VietGap, GlobalGap, GMP, HACCP…, cùng với công nghệ sản xuất, chế biến ngày càng tiến bộ, các chủ thể OCOP đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm...
ocop-hau-giang-01-1714785566.jpg
Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đều được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp. (Ảnh minh họa)

Toàn tỉnh có 266 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao

Thông tin từ Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có 266 sản phẩm chủ lực được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm OCOP 3 sao.

Cụ thể, huyện Phụng Hiệp có 42 sản phẩm, trong đó HTX Kỳ Như có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất tại địa phương, với 11 sản phẩm có nguyên liệu từ cá thát lát; thành phố Vị Thanh có 44 sản phẩm; huyện Châu Thành có 38 sản phẩm; huyện Châu Thành A có 33 sản phẩm; huyện Vị Thủy có 28 sản phẩm; thị xã Long Mỹ có 36 sản phẩm; huyện Long Mỹ 26 sản phẩm và thành phố Ngã Bảy có 19 sản phẩm.

Từ khi tham gia Chương trình OCOP, anh Trương Đắc Nguyện – Chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức (TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) đã đưa sản phẩm của mình tiếp cận đến với nhiều khách hàng trong và cả ngoài tỉnh.

Anh Nguyện cho biết khi tham gia và được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP, người tiêu dùng có lòng tin và an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm. Nhờ đó, lượng hàng bán ra cũng nhiều lên và lợi nhuận thu về cũng cao hơn.

ocop-hau-giang-02-1714785620.jpg
Từ khi được công nhân đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm bún khô đã có mặt tại hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. (Ảnh minh họa)

Hiện cơ sở có 8 sản phẩm, trong đó có sản phẩm bún tươi sấy khô và các loại bún khô rau ngót, khoai lang, gấc đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Để sản phẩm đạt chất lượng, cơ sở sử dụng dây chuyền sản xuất khép kín, liên kết với đại lý, nông dân trong tỉnh cung cấp gạo được sản xuất theo hướng sản xuất hữu cơ để làm bún.

Đồng thời áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý và sản xuất để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở cung cấp ra thị trường 100 tấn bún tươi sấy khô. Các sản phẩm bún khô cũng đã có mặt tại hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự kiến cuối năm nay, cơ sở sẽ xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường châu Âu.

Là tỉnh có lợi thế về ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm sinh thái đặc thù, Hậu Giang có điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn loại nông sản mang tính đặc trưng riêng để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Hiện nay, hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đều được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp như: ISO, VietGap, GlobalGap, GMP, HACCP…, cùng với công nghệ sản xuất, chế biến ngày càng tiến bộ, các chủ thể OCOP đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm..., từ đó tạo ra các sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng vừa mang tính thẩm mỹ cao, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Nâng chất OCOP kích cầu thị trường

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở Công Thương Hậu Giang cũng đã xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tại thành phố Vị Thanh, nhằm đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Hiện sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn, như Bách hóa xanh, Co.opMart, Vincom,… Ngoài ra, một số sản phẩm trái cây đã và đang xuất qua thị trường quốc tế như EU, Hong Kong (Trung Quốc) và sản phẩm từ cá thát lát cũng gián tiếp xuất qua thị trường một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung quốc)...

ocop-hau-giang-04-1714785656.jpg
Hậu Giang đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. (Ảnh minh họa)

Theo kế hoạch về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024, đối với sản phẩm huyện, thị xã, thành phố thì mỗi đơn vị cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3-4 sao sản phẩm OCOP cấp huyện. Trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Đối với sản phẩm cấp tỉnh, công nhận ít nhất 8 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh. Tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận (36 tháng) trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.

Để đạt được mục tiêu này, Ban Chỉ đạo sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất ở nông thôn. Triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành sản xuất tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường nhất là sản phẩm OCOP... nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân./.

Bình Nguyên