Huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi):

Nâng tầm giá trị nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm thế mạnh mang tính đặc trưng của miền núi. Qua đó, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm, tạo thương hiệu, tăng thu nhập cho người dân.

1f3ea78494393a676328-1714636978.jpg

Sau nhiều năm kiền trì, huyện Ba Tơ nâng tầm giá trị nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng.

Sau 7 năm thực hiện Chương trình, đến nay huyện Ba Tơ đã có 6 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Trong đó, có 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao là Cà Vạt thổ cẩm Y Hòa của Hộ kinh doanh Phạm Thị Y Hòa, Khăn quàng cổ Thị Sung của Hộ kinh doanh Thổ cẩm Hre Thị Sung. 4 sản phẩn đạt chuẩn 3 sao là: Dầu phụng Đồng Tâm của Hợp tác xã Đồng Tâm xã Ba Vì, Gạo rãy Phát Huy của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Ba Tô, Thịt trâu khô Tường Vy của Hộ kinh doanh Tường Vy, Thịt heo thảo dược của Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm thủy sản Trường An.

Thời gian qua, huyện Ba Tơ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các chủ thể tham gia, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Công tác truyền thông, quảng bá và xúc tiến thương mại được huyện quan tâm đúng mức. Huyện cũng hỗ trợ xây dựng điểm bán các mặt hàng sản phẩm OCOP tại Thị trấn Ba Tơ. Bên cạnh đó, huyện Ba Tơ đã tiến hành đăng ký bảo hộ sản phẩm, xác lập sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm địa phương như: Thịt trâu Ba Tơ, Tiêu Ba Lế, Mật ong Ba Điền, Dệt thổ cẩm Làng Teng, Heo thảo dược Hợp An, Du lịch Ba Tơ, sim Bùi Hui.

532492aca4110a4f5300-1714636963.jpg
Doanh nghiệp tại huyện Ba Tơ từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thực tiễn các năm qua cho thấy, Chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả tích cực và thiết thực, đó là làm thay đổi tư duy nhận thức về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn cho người dân. Các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, tự phát được hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất để phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường rộng lớn trong và ngoài tỉnh.

Từ đó, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo động lực góp phần đưa huyện Ba Tơ sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội quan trọng.

Ông Phạm Giang Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: Năm 2024, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ phát triển thêm 13 sản phẩm tiềm năng thành sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Cá kho quẹt bà Quyên, Nhung hươu ngâm mật ong Kni, Bộ váy áo thổ cẩm, Khăn trải bàn thổ cẩm, Măng muối chua, Rượu cần, Gạo rẫy, Ớt sim rừng ngâm mắm, Cá mè một nắng…Ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc sản, chủ lực tại địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

87f065225a9ff4c1ad8e-1714636963.jpg
Nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP của huyện được tin dùng không chỉ chất lượng, mà mẫu mã cũng đa dạng, bắt mắt.

"Ngay từ ban đầu, huyện đã nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình OCOP là thúc đẩy nền kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng phát triển của địa phương. Cụ thể là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc trưng của từng xã. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tạo công ăn việc làm góp phần vào công cuộc xây dựng thành công nông thôn mới” ông Phạm Giang Nam cho hay./.

Thành Chung - Văn Thuyết