TP.HCM: Còn dư địa cải thiện tốc độ tăng trưởng vào 6 tháng cuối năm

TP.HCM vừa chính thức công bố tình hình kinh tế nửa đầu năm 2023. GRDP 6 tháng đầu năm tăng 3,55% so với cùng kỳ. Giới chuyên gia đánh giá, Thành phố vẫn còn dư địa để cải thiện tốc độ tăng trưởng.

Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn 6 tháng đầu năm. Theo đó, kinh tế Thành phố tuy còn gặp nhiều khó khăn khi hoạt động kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu giảm, ảnh hưởng đến thu ngân sách (giảm 6,8%) nhưng nhiều hoạt động khác có chuyển biến tích cực.

Khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng kinh tế của Thành phố khi tăng 4,96% so với cùng kỳ và đóng góp 89% vào tốc độ tăng GRDP. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của Thành phố chỉ tăng 4,92% (do ngành kinh doanh bất động sản giảm 11,58%).

Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) quý II tăng 5,87%, cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 0,7% của quý I/2023. Ước tính, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ. Giới chuyên gia đánh giá, thành phố vẫn còn dư địa để cải thiện tốc độ tăng trưởng. Đáng chú ý, khách du lịch quốc tế đến Thành phố tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ đã góp phần thúc đẩy tăng cầu nội địa và tăng trưởng kinh tế.

Lượng khách du lịch tăng mạnh, đặc biệt là khách quốc tế trong 6 tháng qua đã giúp doanh thu của công ty du lịch này phục hồi đến 90% so với 6 tháng năm 2019. Đơn vị cho biết sẽ tận dụng các chính sách hỗ trợ mới từ nới lỏng điều kiện visa, giảm 2 điểm % thuế giá trị gia tăng để đẩy mạnh khai thác các mùa du lịch cao điểm sắp tới.

33-1670654376-tam-dung-thuc-hien-17-du-an-cham-trien-khai-giup-giam-1400-ti-dong-ngan-sach-anh-minh-hoa-1688143534.jpg

Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) quý II tăng 5,87%, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,7% của quý I/2023. Ước tính, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ.

"Đã có sự đa dạng, dòng khách đến với mình đến từ rất nhiều nước trên thế giới. Độ phủ của thị trường, việc tìm kiếm điểm đến du lịch Việt Nam cũng đã có chuyển biến tích cực. Với việc Quốc hội thông qua chính sách nới lỏng visa, chúng tôi gần như đã hoàn thành kế hoạch của mình trong năm 2023", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, cho biết.

Du lịch là điểm sáng của kinh tế Thành phố trong nửa đầu năm khi tổng doanh thu tăng đến hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượt khách quốc tế tăng nhiều gấp 4 lần, đưa khu vực dịch vụ thành bệ đỡ cho tăng trưởng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nửa đầu năm tăng hơn 7% so với cùng kỳ.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: "Trước đây, mình chỉ tổ chức mỗi năm 2 lần khuyến mãi tập trung, mỗi lần kéo dài 1 tháng. Bây giờ Sở Công Thương tổ chức luôn 3 tháng liền để kích cầu".

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố cũng tăng mạnh trong quý 2. Ước tính đến hết tháng 6, giá trị giải ngân đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 23%, kỳ vọng trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng vào nửa cuối năm, đặc biệt khi thành phố Hồ Chí Minh được trao một số cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 mà Quốc hội vừa thông qua.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết: "Nghị quyết 98 có 44 cơ chế chính sách, liên quan đến từ đầu tư công cho đến đầu tư tư nhân, tạo cơ chế, bộ máy, vấn đề sắp xếp về nhân sự, cơ chế tiền lương như thế nào để làm sao bộ máy của thành phố hoạt động thực sự hiệu quả".

Giới chuyên gia nhận định, mặc dù còn nhiều dư địa cho tăng trưởng nhưng thị trường thế giới còn nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, thương mại hàng hóa của TP.HCM. Do đó, mục tiêu tăng trưởng cả năm 7,5 - 8% vẫn còn gặp nhiều thách thức.

Thi Nguyên (t/h)