Vì sao kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp nhất cả nước?

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vừa chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Thành phố, các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội doanh nghiệp để nhìn lại nguyên nhân khiến khiến tốc độ tăng trưởng của Thành phố giảm sút mạnh, quý I/2023, tìm giải pháp thúc đẩy phát triển.

Cụ thể, sau khi công bố dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn quý I/2023, TP.HCM tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ - mức thấp nhất trong 5 Thành phố trực thuộc Trung ương, và xếp hạng 56/63 địa phương, ngày 01/4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo thành phố và các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội doanh nghiệp để tìm giải pháp phục hồi tăng trưởng.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, sự thật là tình hình kinh tế- xã hội của Thành phố 3 năm qua diễn biến đúng như dư báo của các chuyên gia, đó là biến động, bất định, phức tạp, tăng trưởng kinh tế quý I thấp, phải tập trung quyết tâm hành động để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh 3 quý còn lại.

"Năm nay chúng ta có thể hoàn thành được nhiệm vụ đề ra không? Chúng ta có niềm tin để tạo nên được những chiến thắng thu lại cho số điểm cho quý I? Cần nói thẳng, nói thật những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng quý I thấp?" – Bí thư Nên đặt vấn đề tại phiên họp.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 ước đạt hơn 360.622 tỷ đồng. GRDP tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng hơn 2%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,6%, công nghiệp giảm 0,85%, xây dựng giảm gần 20%; khu vực thương mại dịch vụ tăng hơn 2%; thuế sản phẩm tăng hơn 1%.

Có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm: Vận tải kho bãi giảm 0,63%, thông tin và truyền thông giảm 2,7%, kinh doanh bất động sản giảm 16,2%, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%. 5/9 ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá: Bán buôn, bán lẻ tăng gần 3,9%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng hơn 8,5%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng gần 7%; giáo dục và đào tạo tăng hơn 7%; ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất hơn 24% so với cùng kỳ. 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm hơn 60% trong GRDP, chiếm hơn 91% trong khu vực dịch vụ.

anh-20-cau-thu-thiem-1588211192589-2-1680362415.jpg

Ảnh minh họa.

Dù đã dự báo tình hình sẽ khó khăn, nhưng lãnh đạo TP.HCM không ngờ tăng trưởng kinh tế quý I của đơn vị "đầu tầu kinh tế" này lại xuống sâu như vậy, do đó từ nay đến cuối năm, phải lấy lại những gì đã mất.

Nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế chỉ ra, đó là 3 động lực để kéo nền kinh tế phục hồi, phát triển đều chưa được thành phố tận dụng. Cụ thể, đầu tư công quý I, Thành phố chỉ giải ngân được 2%, khoảng hơn 951 tỷ đồng trong tổng số vốn giao là hơn 43.000 tỷ đồng. Hấp thụ vốn cả ở đầu tư công và đầu tư tư nhân đều không hiệu quả, hàng trăm dự án tắc nghẽn. Bên cạnh đó, chưa bao giờ tăng trưởng tổng thu dịch vụ bán hàng của thành phố thấp hơn cả nước như quý I vừa qua.

Các chuyên gia cho rằng, Thành phố cần công khai, minh bạch toàn bộ dự án tồn đọng; đồng thời sử dụng đầu tư công như một công cụ để kích cầu. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản... đang chờ Thành phố có những giải pháp đẩy mạnh, đồng thời, mong muốn được hỗ trợ vay tín chấp, với lãi suất dưới 10%.

Phân tích nguyên nhân còn tồn tại nhiều hạn chế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng, kinh tế TP.HCM bị tác động bởi đà suy giảm của thế giới; thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu nhiều ngân hàng; doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh.../.

Thi Nguyên (t/h)