TP.HCM: Hội thảo chuyên đề “Quy hoạch giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh”

TP.HCM tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến chuyên gia, viện, trường, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các tỉnh chỉ ra điểm nghẽn, điểm cần sửa đổi sẽ tháo gỡ được nút thắt giao thông, mở được liên kết vùng, khu vực thúc đẩy kinh tế - xã hội lớn hơn.

Tham dự hội thảo có các đại diện Bộ Giao thông vận tải, Long An, Đồng Nai cùng các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị tư vấn... Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM - Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM quy hoạch giao thông từ năm 2013 từ đó phát triển giao thông, kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn rất lớn, không chỉ phạm vi ngành giao thông mà còn ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Không chỉ riêng TP.HCM mà các khu vực và vùng đều bị ảnh hưởng. Cho nên, TP.HCM tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến chuyên gia, viện, trường, lãnh đạo Bộ GTVT, các tỉnh chỉ ra điểm nghẽn, điểm cần sửa đổi sẽ tháo gỡ được nút thắt giao thông, mở được liên kết vùng, khu vực thúc đẩy kinh tế - xã hội lớn hơn.

2a9621dd4ef48baad2e57-vbmf-0a9d7adf-68a2feb1-1661134629.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với lãnh đạo các tỉnh, viện, trường.

Giao thông TP.HCM không chỉ nằm riêng địa giới Thành phố mà cần kết nối với các vùng. Hiện, trong quá trình thực hiện giao thông rất cần nhiều vốn, giải phóng rất nhiều mặt bằng. Nếu chỉ dựa vào ngân sách trung ương, địa phương sẽ rất lâu. Các chuyên gia, viện, trường có thể nêu ý kiến về Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) vừa khai thác kinh tế giao thông, rộng hơn là kinh tế đất đai, có quyền lợi của nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh được tiến độ.

Vì vậy, việc tìm kiếm các mô hình, các cơ chế tài chính kinh tế phù hợp là rất cần để thực hiện quy hoạch giao thông vận tải, cần đầu tư các dự án giao thông trên tinh thần “Kinh tế giao thông” chứ không phải là dự án giao thông.

Trong khi đó, theo TS Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức phân tích, hiện TP.HCM chưa có quy hoạch và thiết kế đô thị phù hợp với quan điểm phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn như mô hình TOD. Đặc biệt, ở các khu vực ngoại ô và nông thôn, người dân hoàn toàn không có khả năng tiếp cận đường sắt đô thị. Chiến lược TOD sẽ góp phần nâng tỷ lệ dân cư có khả năng tiếp cận giao thông công cộng mức cao từ 10% lên 50%.

Hơn nữa, quy hoạch đường sắt đô thị cần điều chỉnh theo hướng kéo dài các tuyến đã quy hoạch và bổ sung các tuyến mới, bao gồm BRT để tăng cường kết nối về các khu vực ngoại ô, khu vực giáp ranh với các tỉnh thành xung quanh. Đặc biệt là mạng lưới tuyến buýt gom, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, kết nối với mạng lưới đường sắt đô thị.

Thành phố cần đề xuất cơ chế đặc thù để có thể lấy một phần lợi nhuận từ phát triển đô thị để chi trả vốn vay đầu tư xây dựng và trợ giá vận hành các tuyến vận tải hành khách công cộng lớn. Để triển khai TOD trong thực tế, Thành phố cần điều chỉnh và bổ sung công cụ, thể chế quản lý quy hoạch tích hợp phát triển đô thị và giao thông, bổ sung cơ sở pháp lý quan trọng cho phép phát triển tích hợp giữa nhà ga và khu vực xung quanh.

6a4038195730926ecb213-atgy-a6534059-48bac6b1-1661134629.jpg
Hội thảo có nhiều chuyên gia, lãnh đạo của viện, trường tham gia.

Tạị Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT - Lê Anh Tuấn, hoan nghênh TP.HCM tổ chức hội thảo để lắng nghe đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch và để cập nhật hoàn thiện của Bộ GTVT tích hợp vào quy hoạch của Thành phố. Công tác quy hoạch giao thông vận tải của TP.HCM bên cạnh việc bám sát Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia, cần có những ý tưởng đột phá, sáng tạo và nâng cao chất lượng quy hoạch cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thành phố trong tương lai với tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, tình hình triển khai đầu tư theo quy hoạch chưa đáp ứng được kế hoạch, chỉ đạt 35%.

Bộ GTVT đánh giá, công tác dự báo phức tạp, số liệu thống kê thiếu, khó lường, đặc biệt trước bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp. Việc lựa chọn các tư vấn chuyên nghiệp, chất lượng, đủ tầm, đủ kinh nghiệm là vấn đề khó do hầu hết nguồn lực tư vấn trong nước và quốc tế đều đã được huy động xây dựng quy hoạch. Mấu chốt nhất là giữa quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực chưa tương xứng, TP.HCM đang gặp phải tình trạng nhu cầu vận tải, nhu cầu đi lại người dân đang vượt và sẽ vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống, ùn tắc giao thông không chỉ xuất hiện trong đô thị mà trên các tuyến quốc lộ, hàng không, đường biển…

Ngoài ra, liên quan vấn đề lộn xộn tại sân bay Tân Sơn Nhất thời gian vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Vừa qua, có những việc TP.HCM và các đơn vị liên quan ngồi lại với nhau, cải thiện giải quyết được như vấn đề xe buýt, taxi, việc đưa đón hành khách, sắp xếp luồng tuyến bên trong, kết nối bên trong ra bên ngoài phối hợp với nhau.

Chúng tôi đã chủ động, đã làm việc với các cơ quan nhưng cái này tôi đề nghị Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với TP.HCM làm tốt hơn.

Chúng tôi không đặt nặng vấn đề sân bay của Bộ GTVT hay của TP.HCM mà tinh thần phục vụ cho người dân đi qua sân bay này. Nếu còn nhiều lời phàn nàn, nhiều lời góp ý thì rõ ràng công việc làm chưa tốt. Do đó, chúng ta phải nỗ lực hơn để làm tốt. Với tinh thần đó, Thành phố rất mong Bộ GTVT chỉ đạo Thành phố và các cơ quan cùng giải quyết…”

Văn Cương – Lê Thuận