Tâm sự của những người trẻ cầm bút 

Thoạt nhìn có thể nghĩ những phóng viên trẻ có lợi thế về sự năng động, nhạy bén, tưởng chừng sẽ gặp nhiều thuận lợi khi dấn thân vào nghề báo. Tuy nhiên, phóng viên trẻ khi mới vào nghề nếu không thật sự nỗ lực sẽ rất dễ bỏ cuộc trước những thách thức của nghề. Những phóng viên tuy tuổi đời trẻ ấy đang ngày đêm cố gắng mang một luồng gió mới mẻ, không ngừng sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội để đưa thêm thật nhiều thông tin hay, chính xác và sinh động hơn tới mọi người.

Với nghề báo: Yêu thôi chưa đủ, phải nghiêm túc

Bốn năm trước, Đậu Nguyễn Tuyết Anh - cô học trò từ miền đất Hà Tĩnh chính thức đặt chân vào giảng đường của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Nghĩ lại khoảng thời gian ấy, Tuyết Anh cảm thấy vô cùng bồi hồi. Điều làm Tuyết Anh vui sướng nhất đó là được đến sống và học tập ở một thành phố hiện đại, được học tập với chuyên ngành báo chí đã từ lâu Tuyết Anh ấp ủ và nuôi dưỡng đam mê.

“Chặng đường từ cô sinh viên miệt mài rèn giũa trên ghế nhà trường cho đến khi trở thành một phóng viên trẻ thật sự đầy thử thách. Nhưng sau tất cả, mình chưa từng hối hận vì đã chọn nghề báo”, Tuyết Anh nói.

Tâm sự cùng Tuyết Anh về những kỉ niệm khó quên, cô phóng viên trẻ chợt nhớ lại câu chuyện thầy giáo chủ nhiệm hỏi cả lớp: “Trong tương lai, có những ai sẵn sàng một lòng theo nghề?”. Kỳ lạ thay, chỉ có 1/3 những cánh tay xuất hiện, trong đó có cả Tuyết Anh. Mãi sau này Tuyết Anh mới hiểu, nghề báo thật sự rất khắc nghiệt, cần rất nhiều yếu tố mới tôi luyện thành "một tay bút sắc, lòng trong".

Giống như bao bạn bè cùng trang lứa, năm nhất năm hai, Tuyết Anh cũng chủ động xin cộng tác với các anh chị đi trước, ai giới thiệu việc làm đều không ngần ngại đảm nhận. Tuy nhiên, khi bắt đầu vào năm ba đại học, Tuyết Anh đã tập trung xác định lại mục tiêu làm nghề, nghiêm túc với bản thân để chọn ra một con đường phù hợp nhất. Từ đó đến nay, Tuyết Anh luôn tìm hiểu, tham khảo các thông tin để nâng cao kĩ năng viết lách của mình hơn.

Vốn rất am hiểu các vấn đề truyền thông cùng sự năng động, nhạy bén nên Tuyết Anh quyết định trở thành phóng viên mảng Giải trí của Chuyên trang Hoa học trò - báo Tiền Phong.

3-1687229689.jpg
Đậu Nguyễn Tuyết Anh - phóng viên báo Tiền Phong.

Khi hỏi về bí quyết nào giúp Tuyết Anh vẫn kiên trì bám trụ với nghề, Tuyết Anh khiêm tốn cho rằng bản thân còn quá trẻ để có thể trả lời. Với Tuyết Anh, lựa chọn nghề nghiệp nào cũng đều đáng quý. Nghề báo cũng là một công việc và cần có những công nhân để “gõ chữ”.
“Nếu chỉ nói yêu, ai cũng dễ dàng nói được. Nhưng bằng sự nghiêm túc, mình đã được nhìn thấy nhiều người anh, chị đi trước lao động báo chí nghiêm túc như thế nào. Mình ngưỡng mộ cách anh chị có nhiều thâm niên nhưng vẫn trau chuốt từng con chữ. Những người đồng nghiệp quên ăn quên ngủ để đưa tin kịp thời hay có những người không ngại gian khổ lên tận miền rẻo cao lấy tin về... Và đâu đó còn rất rất nhiều những anh chị ngày đêm vẫn không cho phép mình dừng lại với dòng chảy tin tức. Nghiêm túc mới là con đường đưa họ đến với sự làm nghề chuyên nghiệp”, Tuyết Anh tâm sự.

Nghề báo cho tôi nhiều đặc ân

Đối với Nông Quỳnh Anh – cô phóng viên trẻ của báo Nông nghiệp Việt Nam đến với nghề báo như một cơ duyên. Càng làm báo Quỳnh Anh thấy càng “say”. Ban đầu, trước khi dấn thân với nghề, Quỳnh Anh lo lắng rất nhiều điều. Nỗi sợ không hoàn thành công việc được giao, tâm lý của “lính mới” khi vào nghề cùng những trăn trở cá nhân khiến Quỳnh Anh có chút hơi nản. Tuy nhiên khi được thực chiến, Quỳnh Anh như “cá gặp nước”. “Tôi được đi nhiều nơi, gặp gỡ và tiếp xúc với các vùng văn hoá khác nhau. Tôi có cơ hội học hỏi, khám phá rất nhiều điều mới mẻ. Được mở rộng mối quan hệ, học được cách lắng nghe và chia sẻ đối với mọi người khiến tôi vô cùng hạnh phúc và biết ơn nghề báo”, Quỳnh Anh chia sẻ.

2-1687229739.jpg
Quỳnh Anh – phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam.

Có những ngày phải dậy từ 5h sáng để chuẩn bị kịch bản, đêm về lại ngồi vào bàn biên tập tin, dựng bài,… nhưng Quỳnh Anh luôn có niềm tin rằng mỗi người đều có sứ mệnh làm tốt công việc của mình. Dù có khó khăn, nản lòng nhưng suy cho cùng nó hoàn toàn xứng đáng với những trải nghiệm mà nghề báo mang lại cho Quỳnh Anh.

“Những trải nghiệm tôi có được từ nghề báo thật sự tuyệt vời. Mục tiêu của tôi là sẽ phải cống hiến nhiều hơn nữa để ghi dấu ấn trong lòng độc giả bằng những sản phẩm chất lượng”, nữ phóng viên trẻ Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết.

Từng bỏ qua rất nhiều lời cảnh báo về nghề này, từng loay hoay trong những lần tập quay, tập dựng và cả tập dẫn hiện trường, hiện tại, Quỳnh Anh đã thuần thục hơn với công việc mình. Hơn hết, Quỳnh Anh luôn tự tin và nói rằng: “Cảm ơn nghề báo đã cho tôi rất nhiều đặc ân”.

Làm báo phải “đầu tư”

Là sinh viên năm cuối hiện đang thực tập tại Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, Phùng Tuấn Anh vô cùng may mắn và vinh dự vì có thể làm việc với các anh chị “gạo cội” trong nghề. Theo chàng trai này chia sẻ, những kiến thức mình được học trên trường sẽ ứng dụng dễ dàng hơn khi mình được tác nghiệp thực tế tại cơ quan báo chí.

Trải lòng về những kỉ niệm ngày đầu tới làm việc. Tuấn Anh cảm thấy rất lo lắng khi chập chững cầm mic cùng với những anh chị quay phim. Tuấn Anh thật sự rất sợ mình sẽ để vô tình làm hỏng thước phim phóng sự hay làm mất thời gian của các anh chị đồng nghiệp. Điều khó khăn thứ hai mà Tuấn Anh băn khoăn chính là trao gửi niềm tin tới các độc giả. Mọi người thường cho rằng những người trẻ thường không có kinh nghiệm nên đa số đều từ chối trước lời mời phỏng vấn.

1-1687229799.jpg
Phùng Tuấn Anh đang nỗ lực trở thành phóng viên Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Để không chùn bước, Tuấn Anh luôn biến những khó khăn thành động lực. Kỉ niệm đáng nhớ nhất là khi Tuấn Anh thấy phóng sự đầu tay của mình được đăng tải trên nên tảng của kênh mang tên “Nhiệt huyết bảo vệ nguồn nước thủ đô của người trẻ”. Để thực hiện được phóng sự này, Tuấn Anh đã phải đầu tư nhiều trang thiết bị từ máy ảnh, mic phỏng vấn, chân máy… kinh phí khá nhiều nhưng khi bản tin được lên sóng thì Tuấn Anh nghĩ nó là điều thực sự cần thiết.

“Thực tế xu hướng hiện nay rất nhiều bạn trẻ làm báo nên việc đầu tư là rất quan trọng vì những thiết bị ấy phục vụ cho ngành nghề của mình. Vì thế tôi nghĩ rằng, làm báo không chỉ đầu tư về “chất xám” mà còn phải đầu tư các trang thiết bị” Tuấn Anh thẳng thắn chia sẻ.

Tâm sự về áp lực của nam giới hiện nay khi tham gia vào công tác báo chí, Tuấn Anh cho rằng ngành nghề nào cũng sẽ có khó khăn không chỉ riêng ngành báo chí. Khi mình yêu nghề thì có lẽ, nghề cũng sẽ yêu lại mình. Tuấn Anh bày tỏ quan điểm: “Theo mình khi nền tảng công việc vững vàng thì việc chăm lo cho gia đình là hoàn toàn dễ dàng. Bởi chúng ta còn trẻ nên chúng ta còn cống hiến được, với những bạn trẻ biết phấn đấu thì không có bất kì trở ngại nào có thể làm ảnh hưởng”.

Có thể thấy, nghề báo là nghề khó khăn, vất vả đôi khi phải đối mặt với những hiểm nguy. Nhưng vượt lên trên tất cả là tình yêu nghề, tinh thần cầu tiến, các phóng viên trẻ luôn sống hết mình với nghề nghiệp cao quý này./.

Hoàng Hà