Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023): Những tư tưởng lớn về Báo chí cách mạng của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ là một lãnh tụ thiên tài mà còn là một nhà báo vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
nha-bao-vi-dai-ho-chi-minh-1687255984.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ là một lãnh tụ thiên tài mà còn là một nhà báo vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Sau những năm tháng bôn ba ở các nước Anh, Mỹ, vào năm 1917, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lại trở về đất Pháp để sống và hoạt động cách mạng. Tại đây, Người hiểu rằng, muốn tiếng nói chống đế quốc, giải phóng các dân tộc bị áp bức được các tầng lớp nhân dân Pháp và nhân dân các nước thuộc địa hiểu và biết nhanh hơn, hiệu quả hơn thì không có gì bằng sử dụng phương tiện báo chí. Nhưng khi mới đặt chân lên đất Pháp, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) chưa thông thạo tiếng Pháp.

Song với ý chí của một nhà cách mạng trẻ, Nguyễn Tất Thành đã tìm mọi cách tranh thủ mọi nơi, mọi lúc để học và sử dụng thành thạo tiếng Pháp. Thế rồi, Người vừa học vừa tự viết báo và được một số nhà hoạt động xã hội, nhà báo có uy tín tận tình giúp đỡ, trong đó có Chủ bút các báo PoPulaire (Dân chúng), L’Humanite’ (Nhân đạo), Lavie Ouvriers (Đời sống thợ thuyền). Nguyễn Tất Thành bắt đầu viết một số tin vắn rồi đến một số bài báo gây được tiếng vang lớn như “Tâm địa thực dân”, “Vấn đề dân bản xứ”, “Yêu sách của nhân dân An Nam” đăng trên các báo: L’Humanite’ và LePoPulaire Pari số ra ngày 18/6/1919 và 02/8/1919.

Để mở rộng tuyên truyền ra các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc báo chí là vũ khí sắc bén, nên Người nung nấu quyết tâm phải ra một tờ báo riêng của mình. Năm 1921, Người vận động thành lập “Hội liên hiệp thuộc địa”. Ngày 01/4/1922, Hội xuất bản tờ báo LeParia (Người cùng khổ), do Nguyễn Ái Quốc làm Chủ bút. Đây là tờ báo đầu tiên nêu nhiệm vụ đoàn kết các dân tộc thuộc địa, đoàn kết các dân tộc thuộc địa với nhân dân chính quốc để chống kẻ thù chung.

Làm báo đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ là hoạt động nghề nghiệp thuần túy mà là phương tiện để làm cách mạng. Chính Người đã mở ra dòng Báo chí cách mạng Việt Nam bằng việc sáng lập tờ báo Thanh niên. Từ ngày Báo Thanh niên ra số đầu tiên 21/6/1925 đến tháng 8/1945, báo chí nước ta luôn gắn liền với cuộc vận động cách mạng của nhân dân. Sau bao năm bôn ba ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước và sáng lập tờ báo “Việt Nam độc lập”, nhằm kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp.

Suốt hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn lấy báo chí là vũ khí tiến công kẻ thù và là một phương tiện hoạt động có hiệu quả để xây dựng phong trào cách mạng.

Là tác giả của hàng nghìn bài báo được viết ra suốt hơn 50 năm hoạt động cách mạng, nhà báo Hồ Chí Minh luôn luôn chú ý đến đối tượng phục vụ. Những bài báo viết bằng tiếng Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX cho độc giả chủ yếu là người Pháp, những bài báo trên tờ “Việt Nam độc lập” nhằm vào đối tượng quần chúng công nông ở một địa bàn rừng núi chiến khu, rồi hàng trăm bài cho đông đảo độc giả trong cả nước tất cả đều được viết ra cho phù hợp với trình độ đối tượng. Người chỉ rõ: Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng nhiều chữ.

Tại Đại hội lần thứ 2 Hội Nhà báo Việt Nam, Người đã kể lại: “Năm 1941, bí mật về nước. Theo lời dạy của Lênin: Tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo. Cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay và phải làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò. Điều kiện sinh hoạt thì bữa đói, bữa no... Báo “Việt Nam độc lập” bắt đầu ra mắt từ ngày 01/8/1941, lúc đầu là cơ quan của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng sau mở rộng ra toàn khu Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn”.

Báo “Việt Nam độc lập” cốt làm cho dân tộc ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do. Lúc này, mục tiêu của cách mạng là hô hào nhân dân tham gia vào Mặt trận Việt Minh.

Trong thư gửi báo “Quân du kích” vào tháng 4/1949, Người cũng chỉ rõ: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”. Nội dung của báo “Quân du kích” phải thể hiện cho phù hợp với đối tượng của tờ báo. Người đã thâu tóm cách viết trong những ý cô đúc: Vì ai mình viết? Mục đích viết làm cái gì? Viết cái gì? Những câu trả lời của tác giả cũng gọn gàng: Viết cho đại đa số. Viết để phục vụ quần chúng. Viết để nêu lên những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, bộ đội, cán bộ ta và phê phán kẻ thù.

Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của người làm báo: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi”.

nghe-lam-bao-1687256023.jpg

Người dạy những người làm báo rằng: “Viết báo phải có căn cứ, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ”; “Viết phải sát đối tượng”, bao giờ cũng phải tự hỏi viết cho ai xem, nói cho ai nghe, nếu không như vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem. Theo quan điểm của Người, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Một tờ báo không được đa số dân chúng ưa chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo, phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem.

Bác cũng yêu cầu cán bộ báo chí phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó “là vũ khí cần thiết và sắc bén giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ.

Bác cho rằng, làm báo phải thực sự đi vào nhân dân, làm báo phải dễ hiểu. Bác luôn dặn người làm báo không nên viết những gì cao siêu mà phải mang tính quần chúng.

Đối với người cầm bút bao giờ Bác cũng nhắc: Một là phải tinh thông nghề nghiệp, thứ hai là phải có đạo đức nghề nghiệp. Hai việc đó là song hành. Tinh thông tức là phải hiểu đúng, thấy đối tượng tuyên truyền cần gì để mình viết bài phục vụ cho điều đó và có những bài phục vụ cho chủ đề đó, có cách viết để đi vào lòng người. Đạo đức thì đã rõ. Nếu không có đạo đức thì bất cứ việc gì cũng không làm được. Báo chí phải là vũ khí phê bình nhưng phải có cách phê bình, biết phê bình để nâng niu con người trở thành người tốt chứ không phải để vùi dập con người. Báo chí là phương tiện hết sức quan trọng, phương tiện tuyên truyền, phương tiện tổ chức và phương tiện hướng dẫn dư luận.

Lê Hữu