Những nguyên tắc trong chăn nuôi hữu cơ

Chăn nuôi hữu cơ được hiểu là việc chăn nuôi sử dụng các nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thức ăn tăng trọng, chất kích thích trong chăn nuôi, đồng thời đảm bảo quyền lợi động vật và giảm thiểu điều trị bằng thuốc thú y. Kinh tế Việt Nam ngày càng cải thiện, đời sống người dân nâng cao thì chăn nuôi hữu cơ ở Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ để phát triển, nhưng cũng nhiều “chông gai” đòi hỏi sự lỗ lực để chăn nuôi hữu cơ thực sự có chỗ đứng trong ngành.

Chăn nuôi hữu cơ là một phần trong nông nghiệp hữu cơ, đây là hình thức chăn nuôi chủ yếu sử dụng các nguồn thức ăn tự nhiên, thức ăn hữu cơ không ít hơn 90% (tính theo khối lượng chất khô) đối với các loài nhai lại và không ít hơn 80% (tính theo khối lượng chất khô) đối với các loài không nhai lại.

chan-nuoi-1675934533.jpg
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những hướng đi hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, giảm nguy hại đến môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. (Ảnh: Nông nghiệp hữu cơ VN)

Dưới đây là một số nguyên tắc chung của chăn nuôi hữu cơ:

- Khu vực chăn nuôi hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.

- Cơ sở chăn nuôi phải có diện tích chuồng trại, phải có nơi để chứa, ủ phân, chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.

- Giống vật nuôi phải thích nghi với điều kiện địa phương và với hệ thống chăn nuôi hữu cơ, ưu tiên sử dụng các nguồn giống bản địa.

- Con giống phải khỏe mạnh và có khả năng kháng bệnh.

- Không có các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc các vấn đề về sức khỏe liên quan đến một số giống vật nuôi như: hội chứng căng thẳng ở lợn, tự sẩy thai,…

- Nên sử dụng các phương pháp sinh sản tự nhiên hơn là phương pháp thụ tinh nhân tạo.

- Không được dùng kỹ thuật ghép phôi và biện pháp xử lý sinh sản bằng hoóc môn.

- Không dùng kỹ thuật gen trong việc nhân giống..

- Trong quá trình chăn nuôi nên được cung cấp mức tối ưu 100 % thức ăn hữu cơ, kể cả thức ăn trong thời kỳ chuyển đổi.

- Cơ sở chăn nuôi phải tự cung cấp tối thiểu 50% lượng thức ăn chăn nuôi (tính theo chất khô), bao gồm cả thức ăn từ các đồng cỏ tự nhiên lân cận hoặc thức ăn được liên kết sản xuất với cơ sở sản xuất hữu cơ khác trong khu vực.

- Tái chế các chất thải, phụ phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật làm nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi.

- Tính đến cân bằng sinh thái tại khu vực sản xuất.

- Duy trì sức khoẻ động vật, khuyến khích bảo vệ miễn dịch tự nhiên của động vật cũng như lựa chọn giống vật nuôi và phương thức nuôi thích hợp.

- Sử dụng thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu canh tác hữu cơ, nếu sử dụng thành phần không có nguồn gốc nông nghiệp thì phải có nguồn gốc thiên nhiên.

- Áp dụng các kỹ thuật, quản lý trong chăn nuôi theo phương thức đảm bảo điều kiện phù hợp với sinh lý, tập tính tự nhiên, sự sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, đảm bảo các mối quan hệ giữa vật nuôi, con người, tất cả các mối liên quan khác, đặc biệt là môi trường và hệ sinh thái.

Hoạt động quản lý chất thải tại các khu vực nuôi giữ, chăn thả vật nuôi và tại bãi cỏ dùng cho vật nuôi, cần thực hiện như sau:

- Giảm thiểu sự xuống cấp của đất và nước;

- Không làm ô nhiễm nguồn nước bởi nitrat và vi khuẩn gây bệnh;

- Có biện pháp phù hợp để phục hồi các chất dinh dưỡng trong đất;

- Không đốt chất thải hoặc xử lý bằng phương pháp không hữu cơ, ngoại trừ việc đốt xác vật nuôi để kiểm soát bệnh dịch.

Ngành chăn nuôi đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng chăn nuôi hữu cơ an toàn, vừa đảm bảo việc tăng năng suất, sản lượng, vừa giải quyết bài toán hạn chế những yếu tố bất lợi với sức khỏe con người, có hại đến môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trong chăn nuôi.

Ánh Dương (t/h)