Bắc Kạn: Sản xuất nông nghiệp năm 2022: Bài học vượt lên trong gian khó

Năm 2022, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giá cả vật tư nông nghiệp leo thang… nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt và các giải pháp cụ thể, toàn ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đã có những bước tăng trưởng đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2022 tăng 3,83% so với năm 2021, đạt 109% kế hoạch (KH).

Xác định năm 2022 có nhiều khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo, xây dựng kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Nhờ vậy, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, gắn với nhu cầu thị trường.

Các địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời tăng cường sử dụng giống chất lượng cao với cây lúa và các đối tượng cây rau màu khác; đẩy mạnh áp dụng sản xuất tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương. Tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi tiềm năng thuộc nhóm đặc sản, đặc hữu của tỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế và định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa của mỗi địa phương.

bb-1674733027.jpg
Mô hình trồng lúa nếp nương theo tiêu chuẩn hữu cơ được triển khai trong vụ mùa 2022 tại xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể

Năm 2022, tổng diện tích các cây trồng chính thực hiện được 52.831 ha, đạt 98% KH, giảm 358 ha so với cùng kỳ năm 2021 do chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, toàn tỉnh thực hiện được 36.945 ha cây lương thực có hạt, đạt 101% KH; sản lượng lương thực đạt 178.411 tấn, 100% KH; lương thực bình quân đầu người đạt 546 kg/năm; diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao vào sản xuất đạt 4.737 ha. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa mới thực hiện được 173 ha, đạt 182% KH; duy trì diện tích đã chuyển đổi 1.820 ha, đạt 98% KH.

Diện tích cây chất bột thực hiện được 1.322 ha, đạt 80% KH. Cây rau, đậu các loại thực hiện được 3.929 ha, tổng sản lượng 46.037 tấn, đạt 104% KH, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021. Cây công nghiệp mặc dù chỉ thực hiện được 4.125 ha, đạt 94% KH nhưng tổng sản lượng đạt 25.645 tấn, đạt 110% KH. Diện tích cây ăn quả cho thu hoạch gần 5.000 ha với tổng sản lượng 48.083 tấn, đạt 102% KH, tăng 04% so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích đạt 100 triệu đồng trở lên thực hiện được 3.582 ha, đạt 103% KH.

Trong năm 2022, phương thức chăn nuôi đã được cơ cấu lại theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ nhưng áp dụng khoa học công nghệ, chăn nuôi an toàn sinh học; phát triển đàn lợn, gia súc ăn cỏ, đàn gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường. Toàn tỉnh đã thực hiện được 3 trang trại chăn nuôi trâu bò và 8 trang trại chăn nuôi lợn; 6 dự án liên kết sản xuất chăn nuôi. Tổng đàn đại gia súc (trâu, bò ngựa) có 85.762 con đạt 99% KH, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021; đàn lợn có 388.971 con, đạt 105% KH, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021; đàn gia cầm có 4.427.981 con, đạt 98% KH, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 23.870 tấn, tăng 2.259 tấn so với cùng kỳ năm 2021, góp phần tăng trưởng lớn cho ngành trong năm 2022.

Công tác phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng. Diện tích rừng trồng được nghiệm thu 4.814/4.000 ha, đạt 120% KH. Sản lượng khai thác gỗ đạt 305.330 m3 gỗ các loại, đạt 100% KH. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,4%. Thành tích đó sẽ là động lực cho các năm về sau phát triển./.

Hà sỹ Sơn