Người đưa bánh đa vừng Hà Tĩnh xuất ngoại

Sau gần 10 năm lao động ở nước ngoài, anh Lê Văn Duẩn, ở xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, quyết định về quê khởi nghiệp với sản phẩm truyền thống bánh đa vừng.
banh-da-1-1698892275.jpg
Công đoạn đóng gói hàng để đưa đến khách hàng.

Sau gần 10 năm lao động ở nước ngoài, anh Lê Văn Duẩn, ở xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, quyết định về quê khởi nghiệp với sản phẩm truyền thống bánh đa vừng. Hiện sản phẩm của anh đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và xuất khẩu đến nhiều nước trên trế giới.

Trăn trở với sản phẩm truyền thống

Chia sẻ với phòng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, anh Lê Văn Duẩn cho hay, Kỳ Giang vốn là vùng quê nghèo của tỉnh Hà Tĩnh. Những năm trước đây, nhiều thanh niên trong xã - trong đó có anh, với mong muốn thay đổi cuộc sống nên đã xuất khẩu lao động. Sang Đài Loan làm việc được gần 10 năm, thu nhập cũng khá, nhưng anh luôn mong ngóng trở về quê hương để lập nghiệp.

“Làm việc ở nước ngoài nhưng trong đầu mình luôn suy nghĩ đến việc về quê để sản xuất sản phẩm truyền thống quê hương là bánh đa vừng. Thời điểm đó, trên thị trường Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung đã có nhiều loại bánh đa vừng nhưng mình vẫn quyết tâm làm loại bánh này vì đây là sản phẩm truyền thống, hơn nữa nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương”, anh Duẩn tâm sự.

banh-da-4-1698892357.jpg
Anh Lê Văn Duẩn và sản phẩm bánh đa được xuất đi nước ngoài.

Theo anh Duẩn, khi biết được ý định của anh sẽ về quê sản xuất bánh đa vừng thì bố mẹ, anh em, bạn bè ai cũng ngăn cản. Nhưng anh vẫn quyết tâm làm. Sau khi thuyết phục được người thân, bố mẹ cho mượn mảnh đất, anh bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, cơ sở xản xuất bánh đa vừng truyền thống. Anh dùng hết vốn liếng sau 10 năm đi lao động tại Đài Loan để đầu tư máy móc, nhà xưởng.

“Thời điểm đó, ngoài sự ngăn cản của bố mẹ, tôi còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn khác. Bởi bánh đa là sản phẩm có từ lâu ở địa phương nhưng chưa ai phát triển lớn được. Sản xuất được bánh, nhưng tiêu thụ được không? Và tiêu thụ như thế nào là cả một vấn đề lúc đó”, anh Duẩn tâm sự.

Kể về hành trình lập nghiệp của mình, anh Duẩn bảo, ban đầu, khi những mẻ bánh đầu tiên ra đời, ngày ngày một chiếc xe máy cùng với hai chiếc sọt chở bánh đa hai bên, anh đi vào các nhà hàng, quán ăn để tiếp thị bánh. Thời điểm đó, mời được khách hàng thử bánh tại quán ăn đã là một thành công. Để hoàn thiện sản phẩm, anh để lại phiếu thăm dò ý kiến của khách hàng và chủ động liên hệ để nhận phản hồi. Từ chỗ dùng thử, khách hàng đã sử dụng sản phẩm của anh nhiều hơn.

Cứ thế, bánh đa vừng của anh Duẩn ngày càng được hoàn thiện về hình thức và chất lượng. Năm 2018, anh Duẩn đầu tư nhà xưởng và đi vào sản xuất sản phẩm bánh đa vừng với số lượng lớn. Đến năm 2020, anh đăng ký tham gia Chương trình OCOP và sản phẩm bánh đa vừng của anh đạt tiêu chuẩn 3 sao. Sau khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm bánh đa vừng của anh được nhiều người biết đến hơn.

banh-da-5-1698892236.jpg
Anh Lê Văn Duẩn và sản phẩm bánh đa được xuất đi nước ngoài.

Được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm… anh Duẩn đã lên lộ trình sản xuất hiệu quả hơn. Năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Nguyên Lâm do anh làm Giám đốc được ra đời với 15 thành viên. Ngoài sản xuất bánh đa, HTX còn sản xuất bún, miến, kẹo cu đơ và thu mua lúa gạo cho bà con trên địa bàn. Doanh thu mỗi năm của HTX hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho các thành viên với mức lương ổn định từ 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lê Văn Duẩn là một công dân, một đảng viên trẻ ở địa phương dám nghĩ dám làm. Từ một sản phẩm truyền thống của địa phương, anh đã xây dựng và phát triển để xuất khẩu ra nước ngoài. Đây cũng là một mô hình tạo động lực cho nhiều bạn trẻ, nhiều cơ sở học tập tìm kiếm cơ hội để phát triển sản phẩm của địa phương, đưa sản phẩm của quê hương vươn ra thế giới”.
(Ông Hoàng Hậu Hải - Chủ tịch UBND xã Kỳ Giang)

Đưa sản phẩm quê hương xuất ngoại

Trong thời gian đi lao động ở nước ngoài, anh Duẩn có cơ hội được tiếp xúc, nghiên cứu thị trường. Anh nhận thấy, ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… có đông người Việt Nam làm việc và sinh sống, do đó anh muốn mang hương vị quê hương sang để phục vụ bà con. Anh bắt đầu tìm đối tác và hướng đưa bánh đa vừng xuất ngoại.

Sau nhiều lần liên hệ, anh đã tìm được đối tác đến từ Nhật Bản. Vượt qua quy trình kiểm định gắt gao của đối tác, sản phẩm của anh đã chinh phục được đối tác ở thị trường khó tính này. Đơn hàng đầu tiên được ký kết; năm 2021, HTX Nguyên Lâm xuất khẩu lô hàng bánh đa đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Đến tháng 10/2023, HTX Nguyên Lâm đã xuất lô bánh đa vừng sang thị trường Nga.

banh-da-6-1698892446.jpg
Bánh đa của HTX Nguyên Lâm tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng trong và ngoài nước.

Chia sẻ về chặng đường đã qua, anh Duẩn cho biết, thành công mà anh đã đạt được trước hết là nhờ sự kiên định mục tiêu, biết tìm kiếm cơ hội phát triển. Nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm sẽ quyết định hiệu quả sản xuất. Do vậy, người sản xuất phải biết và hiểu được nhu cầu của khách hàng, không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm; đẩy mạnh khâu giới thiệu và quảng bá sản phẩm để khai thác, tìm kiếm thị trường, tạo hướng đi và chỗ đứng cho sản phẩm của mình.

“Khi thời đại công nghệ thông tin đang phát triển, cũng nhờ biết cách nắm bắt và vận dụng công nghệ số vào sản xuất, quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm và kết nối đối tác. Còn vẫn làm cách làm truyền thống thì sẽ khó có những kết quả khả quan”, anh Duẩn chia sẻ.

Nói về dự định thời gian tới, anh Duẩn cho biết, đơn hàng của HTX ngày càng tăng nên anh đang mở rộng nhà xưởng để sản xuất và quyết tâm nâng hạng OCOP cho sản phẩm bánh đa. Tháng 9/2023, anh tham gia lớp tập huấn bán hàng, quảng bá giới thiệu sản phẩm từ những người bán hàng nổi tiếng do Trung ương Đoàn tổ chức, là cơ hội để anh tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ.

banh-da-7-1698892519.jpg
Hiện sản phẩm của anh đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và xuất khẩu đến nhiều nước trên trế giới.

“Tại đây, mình được các nhà sáng tạo nội dung số hướng dẫn cụ thể từng bước, từng việc để bắt đầu kinh doanh trên TikTok và làm thế nào để đạt hiệu quả trong kinh doanh. Mình cũng được trang bị kỹ năng livestream bán hàng, đưa bánh đa vừng Nguyên Lâm đến tay người tiêu dùng. Việc quảng bá sản phẩm trên TikTok sẽ tạo cơ hội cho HTX tìm kiếm đối tác, mở rộng kênh phân phối”, anh Duẩn chia sẻ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, HTX Nguyên Lâm đã tiêu thụ hơn 3 triệu bánh với doanh thu 6 tỷ đồng; trong đó 20% sản phẩm được xuất đi Nhật Bản và Nga, mang về nguồn thu 1,3 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, HTX tập trung tiêu thụ nội địa với sản lượng 0,5 triệu bánh. Với cách quảng bá sản phẩm trên nền tảng TikTok, dự kiến doanh số của HTX Nguyên Lâm sẽ tăng trưởng so với mục tiêu đề ra.”
Nguyễn Duyên