Kinh tế tư nhân vùng Đông Nam Bộ: Cơ hội, thách thức và xu hướng vận động phát triển

 

TÓM TẮT:

Những năm qua, Đông Nam Bộ (ĐNB) là vùng luôn đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, như: tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho GDP quốc gia, đóng góp vào ngân sách nhà nước,… Để đạt được các thành tựu này, bên cạnh việc thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của các cấp chính quyền vùng ĐNB, thì vai trò của cộng đồng doanh nghiệp (DN) hết sức to lớn, trong đó nổi bật là vai trò của các DN khu vực kinh tế tư nhân (KTTN). Bài viết phân tích một số khó khăn, thách thức nhất định đối với kinh tế tư nhân vùng ĐNB, từ đó xác định các cơ hội, thách thức và định hướng phát triển cho KTTN trong giai đoạn sắp tới.

Từ khóa: doanh nghiệp, kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tư nhân, vùng Đông Nam Bộ.

1. Đặt vấn đề

Vùng ĐNB nước ta bao gồm các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích 23.564,4 km2, dân số khoảng gần 18.000.000 người (chiếm 18.5% dân số cả nước). Hiện, ĐNB là Vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và là Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước, với 6,28 triệu đồng/tháng (Tổng cục Thống kê, 2020). ĐNB là vùng có tỷ trọng GDP lớn nhất trong các vùng kinh tế của nước ta, đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các DN thuộc khu vực KTTN vùng ĐNB. Tính đến hết ngày 31/12/2020, vùng ĐNB có khoảng 335.000 DN đang hoạt động, chiếm hơn 40% số lượng DN của cả nước (Tổng cục Thống kê, 2020). Sự ra đời và hoạt động của các DN khu vực KTTN vùng ĐNB chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số DN đang hoạt động của Vùng, đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. ĐNB đã từng là cái nôi của các “phá rào” thúc đẩy KTTN phát triển tại giai đoạn trước đổi mới và chính sự phát triển của KTTN đã tạo ra sự phát triển năng động của khu vực này. Tuy nhiên, dường như sự năng động của khu vực KTTN tại khu vực ĐNB đang chững lại khi KTTN ở đây gặp phải một số khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến quá trình phát triển, như môi trường kinh doanh, sự chi phối của các chuỗi giá trị của các tập đoàn xuyên quốc gia, hay các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, các tác động của biến đổi khí hậu,…

Điều đó cho thấy việc nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng phát triển, cũng như các khó khăn thách thức và xu hướng vận động KTTN vùng ĐNB trong thời gian tới là vấn đề hết sức cần thiết, từ đó kịp thời có các giải pháp phát huy những mặt mạnh, hạn chế những tác động tiêu cực, có các cơ chế thúc đẩy khu vực KTTN tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế các địa phương trong Vùng và cả nước.

2. Cơ hội và thách thức đối với kinh tế tư nhân vùng Đông Nam Bộ

2.1. Cơ hội

Phát triển KTTN ở Việt Nam nói chung và vùng ĐNB nói riêng từ lâu đã được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc. Các chủ trương, chính sách của Nhà nước ta luôn xem KTTN là “động lực quan trọng” và KTTN luôn được khuyến khích phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về doanh nghiệp ngày càng được cải thiện phù hợp với các thông lệ luật pháp quốc tế, tạo điều kiện tốt cho phát triển KTTN vùng nói riêng và nước ta nói chung.

Vùng Ðông Nam Bộ có diện tích tự nhiên và dân số lớn so với cả nước. Vùng có cửa ngõ phía Tây tiếp giáp với Cam-pu-chia và các nước Thái-Lan, Ma-lai-xi-a thông qua mạng đường bộ xuyên Á; cửa ngõ phía Đông liên hệ với các nước trên thế giới thông qua hệ thống cảng biển Sài Gòn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thị Vải tạo thành hành lang Ðông - Tây, nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế sôi động, đã và đang có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, Vùng có hệ thống kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, như: hệ thống các trục giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không nối với các vùng trong cả nước, với khu vực Ðông Nam Á và các nước khác.

Vùng ĐNB còn là nơi tập trung trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước, còn 16 vạn ha đất chưa sử dụng. Vùng có lực lượng lao động không chỉ từ nguồn lao động trong Vùng, mà còn từ các tỉnh khác đến, có trình độ chuyên môn cao, năng động, thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường hơn so với các vùng khác. Trong Vùng còn tập trung nhiều trường đại học, dạy nghề; có lực lượng trí thức đông đảo và tâm huyết. Tốc độ đô thị hóa trong Vùng cũng khá cao và nhanh so với cả nước. Đặc biệt, vùng ĐNB có Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất, là nơi hội tụ nền văn hóa của nhiều dân tộc trong nước và là động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước, nhất là khu vực phía Nam.

Những năm gần đây, nhịp độ phát triển kinh tế trong Vùng khá cao; môi trường kinh doanh (MTKD) của Vùng ổn định và có sự quan tâm của chính quyền địa phương; năng lực sản xuất, trình độ công nghệ và khoa học - kỹ thuật của DN có bước phát triển vượt trội hơn các vùng khác và có nhiều đóng góp cho kinh tế - xã hội; thể hiện rõ vai trò là vùng kinh tế động lực ở phía Nam và của cả nước. Về công nghiệp phát triển mạnh nhất so với các vùng, nhiều khu công nghiệp phát triển nhanh, hiệu quả; dịch vụ phát triển mạnh. Ðời sống dân cư ngày được nâng cao. Lĩnh vực văn hóa - xã hội không ngừng phát triển, quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Với điều kiện địa kinh tế thuận lợi, kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, nguồn nhân lực có chất lượng, ĐNB là vùng kinh tế phát triển năng động, đây là những cơ hội cho sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung và KTTN nói riêng của ĐNB.

2.2. Thách thức

Kinh tế tư nhân vùng ĐNB có nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó, các doanh nghiệp KTTN trong Vùng cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức nhất định, đó là:

Thứ nhất, ở nước ta nói chung và vùng ĐNB nói riêng không có quá trình tích sản lâu đời của tư nhân như ở các nước, do trải qua các cuộc cải tạo tư bản tư nhân và cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Do đó, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp khu vực tư nhân rất yếu, vốn tự có thấp, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, kể cả vốn cố định và vốn lưu động. Vì vậy, chi phí tài chính trong sản phẩm rất lớn, do đó lợi nhuận rất thấp.

Thứ hai, do tài chính tích lũy rất yếu, nên hầu như ít có doanh nghiệp có chi phí thỏa đáng cho nghiên cứu và phát triển, hoặc đầu tư công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý. Vì vậy, doanh nghiệp khu vực KTTN vùng ĐNB ít có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại, cả về khía cạnh tài chính và nhân lực. Một số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để đầu tư công nghệ và nhân lực thì chi phí tài chính cho đầu tư cũng quá lớn và hiệu quả thực tế không còn nhiều, chưa đủ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, do nền tảng tài chính yếu kém mà các hoạt động phụ trợ cho sản xuất - kinh doanh như thiết kế sản phẩm, quảng bá, truyền thông, quảng cáo và triển lãm hàng hóa đều rất hạn chế. Trong đó, truyền thông có vai trò quyết định của kinh doanh hiện đại lại là điểm yếu cơ bản của doanh nghiệp tư nhân.

Thứ tư, KTTN vùng ĐNB còn bị thua thiệt bởi các rào cản về thương mại, kinh doanh và đầu tư, kể cả các rào cản tiếp cận đất đai và các cơ hội kinh doanh. Điều này khiến cho chi phí bằng tiền và bằng thời gian về các thủ tục hành chính, pháp lý vượt trội so với doanh nghiệp nước ngoài. Loại chi phí này chưa được gỡ bỏ thỏa đáng.

Thứ năm, các doanh nghiệp khu vực KTTN vùng ĐNB còn chịu tác động rất lớn bởi tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu và hoạt động hạn chế cạnh tranh công bằng đến từ nước ngoài và trong nước. Với thể trạng tài chính yếu kém, khả năng chống chịu rủi ro thấp, đây sẽ là những thảm họa trực tiếp đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Thứ sáu, các doanh nghiệp khu vực KTTN Vùng nói riêng và ở nước ta nói chung chịu sự “chèn ép” của khu vực doanh nghiệp nhà nước cả về nguồn vốn, tài nguyên, nhân lực và cơ hội phát triển. DNNN cũng là yếu tố hạn chế cạnh tranh công bằng, hạn chế quyền tiếp cận của doanh nghiệp khu vực KTTN đến nhiều nguồn lực như mua sắm của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, khai thác tài nguyên quan trọng, nhân lực cấp cao và nhiều lợi thế cạnh tranh, cũng như cơ hội kinh doanh khác.

3. Xu hướng vận động của kinh tế tư nhân vùng Đông Nam Bộ

KTTN vùng ĐNB trong quá trình phát triển đã có những cơ hội và thách thức nhất định. Tuy nhiên, dưới tác động của các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Đảng bộ, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng ĐNB, những tác động chính sách hiện nay sẽ tạo ra những xu hướng vận động phát triển cho KTTN Vùng trong những năm tới. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, KTTN sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn so với trước đây. Hiện nay, mức tăng trưởng kinh tế của các địa phương trong vùng ĐNB tăng cao, sự tích lũy vốn của hộ cá thể, của DN khu vực KTTN ngày càng gia tăng, cho nên sẽ tăng số lượng các DN khu vực KTTN, cũng như trang trại, nông trại. Đồng thời, trong những năm tới với những chủ trương chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước, những chủ trương, chính sách phù hợp của Đảng bộ chính quyền tỉnh, thành phố vùng ĐNB sẽ thúc đẩy KTTN phát triển nhanh hơn.

Thứ hai, KTTN sẽ tăng quy mô, mở rộng sản xuất hình thành những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn KTTN. Hiện nay, vùng ĐNB có nhiều DN khu vực KTTN phát triển khá mạnh, với quy mô lớn cả về vốn, số lượng sản phẩm, doanh thu, lực lượng lao động. Mặt khác, sau khủng hoảng kinh tế, để tăng sức cạnh tranh với thị trường trong nước, thị trường nước ngoài, nhiều doanh nghiệp nhỏ muốn tồn tại, phát triển đã có xu hướng liên doanh, liên kết mở rộng quy mô, tăng vốn đầu tư, thu hút thêm lực lượng lao động, xây dựng chiến lược kinh doanh mới nhằm tồn tại và phát triển.

Thứ ba, KTTN trong vùng ĐNB sẽ tham gia hội nhập kinh tế thế giới mạnh hơn nữa trong những năm tới. Vùng ĐNB có nhiều khu công nghiệp, nên sẽ thu hút nhiều DN nước tham gia đầu tư. Sự tác động ấy, cũng như nhu cầu phát triển thị trường nên các DN khu vực KTTN sẽ tìm hướng đầu tư, tìm thị trường với nước ngoài.

Thứ tư, KTTN sẽ có xu hướng phát triển lĩnh vực dịch vụ như du lịch, tư vấn, hỗ trợ pháp lý, vốn, vận tải, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông tin. Với tình hình phát triển kinh tế khá năng động hiện nay, những lĩnh vực như dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển. Trong khi lĩnh vực sản xuất sản phẩm hàng hóa dễ bị thua lỗ, khó tìm kiếm thị trường, cũng như mức đầu tư vốn khá lớn thì lĩnh vực dịch vụ lại không cần nhiều vốn, xác suất thua lỗ, rủi ro ít hơn, thường không phụ thuộc nhiều vào thị trường mà phụ thuộc vào mức tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐNB.

4. Kết luận

ĐNB là vùng kinh tế năng động và giàu tiềm lực của nước ta, là vùng kinh tế luôn đi đầu trong ổn định và tăng trưởng, trong đó có sự đóng góp to lớn của thành phần KTTN. Trong những năm qua, mặc dù đã và đang gặp phải những khó khăn nhất định từ các yếu tố cả khách quan và chủ quan như dịch bệnh, cạnh tranh toàn cầu,... nhưng KTTN ĐNB đã phục hồi nhanh chóng do đã xác định được các cơ hội và khó khăn, từng bước phát huy và tìm cách tháo gỡ để hướng đến một kết quả tốt hơn trong giai đoạn tới. Để thực hiện được điều đó, ngoài việc tuân thủ thực hiện đúng đắn các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, vai trò của chính quyền các cấp tỉnh, thành phố của Vùng cũng hết sức quan trọng. Từ những chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, cũng như của Đảng bộ, chính quyền thành phố, tỉnh trong vùng ĐNB, những tác động hiện nay sẽ tạo ra những xu hướng vận động phát triển cho KTTN Vùng trong những năm tới, đó là: KTTN ĐNB sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn so với trước đây; KTTN sẽ tăng quy mô, mở rộng sản xuất, hình thành những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn KTTN; KTTN trong vùng ĐNB sẽ tham gia hội nhập kinh tế thế giới mạnh hơn nữa trong những năm tới và KTTN sẽ có xu hướng phát triển lĩnh vực dịch vụ như du lịch, tư vấn, hỗ trợ pháp lý, vốn, vận tải, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông tin.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban kinh tế Trung ương (2017). Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Điều tra doanh nghiệp. Nxb Thống kê, Hà Nội.
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam. Nxb Thống kê, Hà Nội.
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam. Nxb Thống kê, Hà Nội.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (1986). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  7. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

PRIVATE ENTERPRISES IN THE SOUTHEAST REGION: OPPORTUNITIES, CHALLENGES, AND DEVELOPMENT ORIENTATIONS

Ph.D NGUYEN HUU TRINH

Vietnam National University - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

In recent years, the Southeast region has always been at the forefront of achieving socio-economic goals such as creating jobs, contributing to the national GDP growth rate, contributing to the state budget, etc. Besides the correct implementation of guidelines and policies of the Communist Party of Vietnam, the Government of Vietnam, and the Southeast region’s authorities, the business community, especially private sector enterprises, play a key role in helping the region achieve these goals. This paper analyzes some difficulties and challenges for private enterprises in the Southeast region, and identifies opportunities, challenges, and development orientations for private enterprises in the Southeast region in the coming time.

Keywords: business, private economy, private economic development, Southeast region.