Kiên Giang: Ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân

Tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 98/NQ-CP, ngày 03/10/2017 của Chính phủ về vấn đề này.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, tỉnh thực hiện về cải cách hành chính và cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho kinh tế tư nhân phát triển; trong đó, chú trọng thực hiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân, đảm bảo hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường, mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân, hỗ trợ xúc tiến thương mại và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng.

Kiên Giang đã chủ động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Tỉnh cũng thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp…

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 1.318 doanh nghiệp, số vốn đăng ký hơn 52.333 tỷ đồng, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 10.666 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 148.333 tỷ đồng. Các ngành chức năng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, tuần lễ tư vấn, giới thiệu việc làm với hàng trăm doanh nghiệp tham gia để tuyển dụng lao động, phỏng vấn lao động làm việc, xuất khẩu lao động.

Mặt khác, tỉnh phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực vững mạnh, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, đặc biệt là trong ngành, lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh. Năm 2021, tỉnh đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 20 dự án, quy mô hơn 93 ha, tổng vốn đầu tư 2.770 tỷ đồng.

Lũy kế đến nay, tỉnh có 823 dự án, quy mô khoảng 40.770 ha, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 544.487 tỷ đồng; trong đó, có 375 dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động, chiếm 45,8% tổng số dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 67.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp đến, tỉnh tạo điều kiện phát triển đồng bộ các thị trường, hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Cụ thể là xã hội hóa, đầu tư phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hiện đại…; nâng cấp trang thông tin điện tử cho nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả…

kien-giang-1646116003.jpeg
Ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân tại Kiên Giang. Ảnh minh hoạ

Phó giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Lâm Huỳnh Nhân cho biết, tỉnh tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân trao đổi, buôn bán, mở rộng thị trường và hoạt động trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên; mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn. Thị trường xuất khẩu mở rộng qua từng năm và tỉnh hiện có 42 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu qua 43 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngoài ra, ngành chức năng phát hành bản tin thị trường trên địa bàn tỉnh 10 ngày/lần để cung cấp thông tin thị trường trong, ngoài tỉnh và quốc tế, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân áp dụng phương thức bán hàng tiên tiến, đưa sản phẩm tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh;hình thành mạng lưới hệ thống thông tin về thị trường, thông tin xúc tiến thương mại, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tận dụng những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO, hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, tỉnh huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ về đường giao thông, lưới điện, nước, xử lý nước thải, thông tin liên lạc… đáp ứng đầy đủ yêu cầu của doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất kinh doanh, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ, chi phí hợp lý…

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có 5 khu công nghiệp trên địa bàn với tổng diện tích hơn 760 ha gồm: Khu công nghiệp Thạnh Lộc và Tắc Cậu (Châu Thành), Khu công nghiệp Thuận Yên (thành phố Hà Tiên), Khu công nghiệp Xẻo Rô (An Biên) và Khu công nghiệp Kiên Lương II (Kiên Lương).

Đối với Khu công nghiệp Thạnh Lộc, hiện có 23 dự án đầu tư với diện tích đăng ký hơn 72 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng; trong đó có 16 dự án đi vào hoạt động trên các lĩnh vực ngành nghề như: bia, gỗ MDF, giày thể thao, cấp nước, dịch vụ viễn thông, vật liệu xây dựng, thủy sản đông lạnh, ống nhựa và điện, may mặc…; có 7 dự án đang thực hiện thủ tục triển khai xây dựng gồm: dược phẩm, vật liệu xây dựng, nước giải khát… với tổng giá trị đầu tư lũy kế đến nay hơn 5.000 tỷ đồng.

Cùng đó, Khu công nghiệp Thuận Yên mới chỉ thu hút được 1 dự án sản xuất gạch tuynel đang hoạt động, còn lại 3 khu công nghiệp đang kêu gọi nhà đầu tư. Các khu công nghiệp phát huy được lợi thế, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của địa phương gắn với vùng nguyên liệu và nguồn lao động, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân nâng cao khả năng huy động và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, thực hiện đồng bộ các giải pháp về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tiếp cận và thụ hưởng các gói tín dụng hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.

Năm 2021 khu vực kinh tế tư nhân đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 24%; tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp vào vốn đầu tư toàn xã hội trên 53,7%; đầu tư của tổ chức doanh nghiệp gần 19.500 tỷ đồng./.