Mục tiêu kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 55% GDP vào năm 2025

Ngày 12/4 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết số 54/NQ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%.
1-1649904880.jpg
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%.

Cụ thể, mục tiêu của Nghị quyết số 54/NQ là: Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 05 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước.

Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, chú trọng đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Giai đoạn 2021 – 2025 tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân là 3,7% GDP. Giảm tối thiểu 10% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP.

Tỷ trọng chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt không dưới 1% GDP; số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm giai đoạn 2021 - 2025.

Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu có 05 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.

Hiện nay, Doanh nghiệp tư nhân cũng đang tạo ra khoảng 43% GDP, 15,4% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% tổng số lao động đang làm việc, đóng góp 8,9% vào tốc độ tăng GDP và 49% vốn đầu tư xã hội. Có thể thấy vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Từ thúc đẩy đầu tư đến tạo công ăn việc làm và tăng trưởng, khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế có thu nhập trung bình. Việt Nam cần tiếp tục cải cách cơ cấu và pháp luật mạnh mẽ hơn nữa để tạo nền tảng vững chắc hơn cho cạnh tranh và đổi mới trong nền kinh tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của khu vực tư nhân để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Tạ Nhị (t/h)