Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV):

Kết nối lưu thông hàng hóa nâng tầm vị thế người bán và người mua

Sau hơn 13 năm xây dựng và phát triển, MXV đã góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ thị trường giao dịch hàng hóa thế giới.Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trên sàn này còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) hiện đang là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung cấp quốc gia đầu tiên và duy nhất hiện nay được Bộ Công Thương cấp phép.

giao-dich-hang-hoa-02-2-1705366906.jpg
Sau hơn 13 năm xây dựng và phát triển, MXV đã góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ thị trường giao dịch hàng hóa thế giới.

Giao dịch tăng trưởng ổn định giúp người tham gia hưởng lợi

Kể từ năm 2018, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam chính thức được liên thông giao dịch với các Sở Giao dịch trên thế giới theo Nghị định số 51/2018/NĐ-CP. Từ đó đến nay, hoạt động giao dịch tại MXV liên tục ghi nhận những bước tăng trưởng đột phá.

Theo số liệu từ MXV, khối lượng giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị giao dịch trung bình đạt 4.000 tỷ đồng/ngày, trong đó ngày giao dịch nhiều nhất đạt 9.600 tỷ đồng.

Trong số 42 mặt hàng đang niêm yết giao dịch tại MXV, nhóm năng lượng vẫn thu hút nhiều dòng tiền đầu tư nhất trong thời gian qua. Cụ thể, riêng hai mặt hàng dầu thô WTI và dầu thô WTI micro liên thông với Sở NYMEX đã chiếm khoảng 25% tổng khối lượng giao dịch tại MXV.

Tính đến cuối năm 2023, toàn thị trường đang có hơn 30.000 tài khoản giao dịch, với hơn 5.000 tài khoản mở mới. Hoạt động giao dịch liên thông với thế giới diễn ra thông suốt 24 giờ mỗi ngày từ sáng thứ hai đến sáng thứ bảy hàng tuần mà không gặp bất kỳ sự cố gián đoạn nào.

Theo ông Phạm Hải Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa sẽ tạo ra nhiều lợi thế như: giao dịch nhanh chóng bằng điện tử; chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể buôn bán với toàn thế giới; giảm thiểu rủi ro cho cả người bán lẫn người mua do có vai trò trung gian của Sở. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh mà không lo sự biến động giá cả của thị trường…

Còn ông Gia Cát Đoàn - Chủ tịch Công ty Cổ phần Gia Cát Consumer nhận định, vấn đề đầu ra và thiếu hụt nguyên liệu của doanh nghiệp có thể được giải quyết khi tham gia vào Sở Giao dịch hàng hóa. Sở có rất nhiều người bán, người mua, nhà cung cấp và thông tin, từ đó giúp các đơn vị chuẩn bị kỹ hơn và có thêm nhiều lựa chọn mới.

“Nếu trước đây người nông dân, doanh nghiệp mua bán theo kiểu thông thường thì giờ đây thương mại điện tử phát triển thì việc mua bán qua sàn sẽ thuận lợi, minh bạch hơn, được sự quản trị tốt hơn và nắm được xu hướng toàn cầu hơn. Khi đó, những người nông dân và doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nhanh nhất với thế giới và phát triển tốt hơn” - ông Gia Cát Đoàn cho biết thêm.

giao-dich-hang-hoa-03-1705366982.jpg
Việt Nam có nhiều lợi thế về các mặt hàng nông sản, nếu có thể giao dịch trên sàn sẽ giúp nông dân có thêm lợi ích.

Hợp tác quốc tế giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế của đất nước, MXV đã tích cực đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế, góp phần đáng kể vào việc nâng cao trình độ, kinh nghiệm và đặc biệt là nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường giao dịch hàng hóa thế giới.

Các đối tác thường xuyên tới thăm và làm việc tại Bộ Công Thương và MXV, để cùng thảo luận các chiến lược hợp tác phát triển thị trường giao dịch hàng hóa. Các đối tác đều bày tỏ ấn tượng trước tốc độ phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam nói chung và MXV nói riêng, đồng thời khẳng định rằng sự tăng trưởng là hệ quả tất yếu của quá trình tổ chức hoạt động một cách bài bản, chuyên nghiệp. Những kinh nghiệm, bài học quý báu cũng được các đối tác chia sẻ trực tiếp tới MXV.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2022-2023, MXV đã phối hợp với CME Group liên tục tổ chức các hội thảo chuyên biệt cho thị trường Việt Nam. Đáng chú ý nhất là Hội thảo “Góc nhìn toàn cầu và triển vọng thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam 2023” đã được tổ chức thành công rực rỡ vào tháng 05/2023, với sự tham dự của hàng trăm khách mời, chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

CME Group cũng khẳng định sẽ tích cực hợp tác chiến lược với MXV để phát triển, niêm yết các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, hồ tiêu, điều, cà phê… trên thị trường giao dịch quốc tế; đồng thời sẽ tiếp tục cử các chuyên gia hàng đầu tới Việt Nam để chia sẻ, cung cấp các kiến thức và kinh nghiệm cho thị trường hàng hóa tại Việt Nam.

Cần hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp tham gia

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, kết quả đạt được tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) còn thấp so với tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp trong nước chưa mặn mà tham gia, trong khi thế giới hoạt động tại các sở giao dịch hàng hóa đã tấp nập từ rất lâu.

TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học ứng dụng và Quản lý kinh tế cho rằng, trong khi Việt Nam có thế mạnh về nhiều sản phẩm từ cây công nghiệp, nông nghiệp và thủy hải sản, nhưng MXV chưa có sản phẩm nội địa nào được niêm yết và giao dịch mà chủ yếu là của các sở giao dịch hàng hoá nước ngoài. MXV chưa quy định mã ngành, nghề riêng, gây khó khăn cho nhà đầu tư nên chưa thực sự hoàn chỉnh như ở nhiều quốc gia khác.

Ông Đinh Thế Hiển nêu ý kiến: “Để MXV trở thành một sở giao dịch đúng nghĩa thì phải có ít nhất 5% giá trị giao dịch là giao ngay. Mô hình của sở phải có 2 trung tâm bao gồm trung tâm thanh toán bù trừ và trung tâm giao nhận, trung tâm giao nhận phải có tổng kho. Ví dụ, một nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam giao hàng ra nước ngoài thì cần có lịch giao hàng và chi phí phải thấp hơn bình thường, muốn vậy phải có kho ngoại quan”.

Để tham gia lâu dài trên thị trường hàng hóa thông qua Sở Giao dịch, doanh nghiệp cần được hỗ trợ lâu dài về vốn. Ví dụ, đối với mặt hàng cà phê của Việt Nam, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết, khối lượng giao hàng thực tế chỉ chiếm 0,5%, còn 99,5% là buôn bán giấy tờ, cụ thể là hợp đồng mua đi bán lại.

“Tôi nghĩ rằng nếu muốn làm được giao dịch hàng hóa thật và giao ngay, giao dịch hàng hóa phái sinh thì cần vốn lớn. Không có doanh nghiệp nào có đủ vốn đâu. Bởi vậy cần ngân hàng vào cuộc” - ông Lương Văn Tự nói.

giao-dich-hang-hoa-01-1705367015.jpg
Hàng hóa tập kết tại cảng Cát Lái. (Ảnh minh họa).

"Mong muốn của sở giao dịch là ngoài doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng quan tâm đến thị trường để coi đây là kênh đầu tư mới, nhưng cũng cần thời gian và sự hỗ trợ của các trường trong đào tạo sẽ giúp nâng cao nhận thức của nhà đầu tư đối với thị trường giao dịch hàng hóa", PGS. TS. Mai Thanh Quế, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, nhận định.

Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, trong 3 năm tới, Việt Nam ước tính sẽ cần có khoảng 20.000 nhà môi giới hàng hóa chuyên nghiệp. Chính vì vậy, các trường đại học, học viện đang nghiên cứu để đưa giao dịch hàng hóa trở thành một môn học, hoặc một nội dung được giảng dạy cho các bạn sinh viên, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường trong tương lai.

Theo ông Vũ Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh, cần có cơ chế đảm bảo minh bạch thông tin cho người mua trong tương lai, hỗ trợ các doanh nghiệp bán thiếu nợ trên thị trường. Bởi trên thực tế hiện nay, nhiều nông dân vẫn còn lo ngại khi tiếp cận qua Sở Giao dịch hàng hóa do chưa hiểu biết nhiều, sợ bị lừa đảo hoặc chưa biết các thủ tục pháp lý.

Ông Vũ Khắc Hiệp kiến nghị: “Độ minh bạch là quan trọng, ở đây là thông tin. Ngoài thông tin báo đài còn chưa đủ thì tôi kiến nghị cần có cách gì đó để cung cấp thông tin chuẩn chỉ, khách quan hơn cho các nhà đầu tư. Người ta thấy được thì sẽ đầu tư vào sở mạnh hơn”./.

Trọng Bình