Sàn giao dịch hàng hóa có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thị trường nông sản

Theo chuyên gia đánh giá, sàn giao dịch hàng hóa có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, thị trường tài chính. Đặc biệt là thị trường nông sản.
anh-ong-dinh-the-hien-phat-bieu-talkshow-1705132119.jpg
Sàn giao dịch hàng hóa có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, thị trường tài chính và thị trường nông sản.

Mới đây, ngày 12/1, tại TP.HCM, diễn ra Hội thảo “Mua bán qua sở giao dịch hàng hóa – Giải pháp kinh doanh bền vững, nhân bội lợi nhuận”. Tại Hội thảo, các chuyên gia cho biết, mua bán hàng hóa qua sàn là một hình thức kinh doanh mang lại nhiều lợi thế cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Hải Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) được Bộ Công Thương thành lập năm 2010. Hành lang pháp lý cho các hoạt động mua bán theo hình thức này đã thực sự thông thoáng như các sàn giao dịch quốc tế. Do vậy, hoạt động giao dịch thông qua Sở Giao dịch dịch hàng hóa trong những năm gần đây đã có nhiều biến chuyển.

Hiện nay, MXV đã có 45 mặt hàng thuộc 4 nhóm hàng hóa (nông sản, năng lượng, kim loại, nguyên liệu công nghiệp) được giao dịch và kết nối 8 Sở Giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới. Tính đến hết tháng 8/2023 đã có hơn 30.000 tài khoản đăng ký và thực hiện giao dịch. Theo thống kê 8 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 4.000 tỷ đồng, phiên cao điểm đạt 9.500 tỷ đồng.

Tại hội thảo, TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết, giao dịch qua các sàn giao dịch hàng hóa luôn sôi động và tăng trưởng cao, có giai đoạn vượt qua thị trường chứng khoán. Hiện nay, giao dịch hàng hóa chiếm gần 30% tổng khối lượng giao dịch phái sinh trên thế giới. Qua đó, cho thấy sàn giao dịch hàng hóa có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, thị trường tài chính và thị trường nông sản.

imgl4039-1705132162.jpg
TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng phát biểu tại hội thảo.

“Khi tham gia sàn giao dịch hàng hóa, người nông dân có thể bán trước hợp đồng tương lai để bảo đảm giá mùa vụ cho nông sản của mình. Nhà sản xuất có thể mua trước nguyên liệu để đảm bảo giá đầu vào trong tương lai, tiết kiệm phí lưu trữ hàng. Nhà xuất khẩu có thể mua trước để thực hiện cam kết giá với khách nước ngoài. Nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận thông qua việc sử dụng đòn bẩy”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, việc tham gia sàn giao dịch hàng hóa sẽ giúp tạo giá cả cạnh tranh công bằng cho nông sản Việt Nam, thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và thị trường; hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, còn chống hiện tượng ép giá của thương lái, giúp nông dân tiếp cận trực tiếp với thị trường, kết nối với thị trường nông sản thế giới.

Theo ban tổ chức, sàn giao dịch hàng hóa được khai sinh từ thế kỷ XVIII và đến nay đã trở thành một kênh thương mại phổ biến trên thế giới. Theo thống kê, giá trị giao dịch hàng hóa qua sàn chiếm 24% tổng khối lượng giao dịch của các sản phẩm trên thế giới, riêng khu vực châu Á chiếm 56%. Chỉ số tại một số sàn giao dịch hàng hóa nổi tiếng đã trở thành kim chỉ nam cho thị trường thế giới.

Hội thảo cũng ghi nhận thêm nhiều đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp để có thể thúc đẩy hơn nữa hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá nhất là với những nhóm hàng hoá chuyên biệt mà Việt Nam có thế mạnh./.

Quốc Cường