Thương mại điện tử góp phần tạo kỳ tích xuất khẩu những hàng hóa chủ lực

Thương mại điện tử (TMĐT) thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa trở thành điểm nhấn nổi bật trong trong bức tranh thương mại Việt Nam năm 2023. Đặc biệt, TMĐT xuyên biên giới đang ngày càng phát triển và được coi là hướng đi hữu hiệu cho DN để thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các nhóm hàng chủ lực.
thuong-mai-dien-tu-03-1703988665.jpg
Lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến đang dần trở thành một xu hướng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

Hàng Việt Nam chinh phục toàn cầu qua thương mại điện tử

Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2023, các DN Việt Nam đã bán ra hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon, mang đến cho khách hàng trên khắp thế giới những sản phẩm Made in Vietnam độc đáo, từ hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nhà cửa, đồ nội thất, hạt điều hữu cơ đến đa dạng các sản phẩm có yếu tố bền vững. Danh mục các ngành hàng Việt bán chạy nhất trên Amazon tiếp tục ghi nhận các sản phẩm lợi thế và vốn được yêu thích, cùng sự xuất hiện của những ngành hàng mới như nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe và chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp.

Có thể thấy, tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua TMĐT cho DN còn rất lớn. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam có thể đạt đến gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027 nếu DN trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT. Các DN sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này, nếu tiếp cận một cách bài bản và xây dựng một chiến lược dài hạn.

Đánh giá về lợi thế xuất khẩu của sản phẩm Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam cho biết, những sản phẩm Việt Nam xuất khẩu luôn có giá cạnh tranh. Các DN Việt Nam bắt đầu tiếp cận, học hỏi, ứng dụng nhiều xu hướng mới vào thiết kế, tạo ra những sản phẩm đa dạng, chất lượng, không hề kém cạnh so với các nhà cung cấp khác. Các DN đã biết tận dụng lợi thế từ các FTA, từ đó tự tin đẩy mạnh xuất khẩu qua TMĐT.

thuong-mai-dien-tu-05-1703988700.jpg
Nhiều nông sản được bà con nông dân trực tiếp bán trên sàn thương mại điện tử kết nối toàn cầu.

Tuy nhiên bà Uyên cũng chỉ ra một số hạn chế là trở ngại cho hoạt động xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới của DN Việt Nam. Đặc biệt là các DN còn thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài. DN chưa được chuẩn bị để đáp ứng sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài. Cùng với đó, DN xuất khẩu thường gặp khó khăn về ngôn ngữ; thiếu kỹ năng marketing và logistics...

“Đôi khi sản phẩm không bảo đảm về thời gian giao hàng dẫn đến giao dịch bị ảnh hưởng, DN mất cơ hội giao thương, xa hơn là mất bạn hàng. Đây là điểm yếu buộc DN Việt Nam phải sớm cải thiện”, bà Nguyễn Thị Phương Uyên nêu.

Là DN đang có hoạt động xuất khẩu qua TMĐT, bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương cho biết, thông qua TMĐT, DN và sản phẩm được tiếp cận nhanh hơn với khách hàng tới từ tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, khi đưa sản phẩm ra thế giới, DN gặp khó khăn về niềm tin với khách hàng; thanh toán, bảo mật thông tin; logistics và chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, những vấn đề khác như lệch múi giờ, ngôn ngữ, thị hiếu khách hàng... cũng là trở ngại.

"Sân chơi" dành cho mọi doanh nhân biết nắm bắt cơ hội

Các chuyên gia thương mại cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, TMĐT là đường đi ngắn nhất để hàng hóa đi ra thị trường nước ngoài. Quan trọng hơn, TMĐT là sân chơi bình đẳng mang đến cơ hội kinh doanh cho tất cả, nếu tiếp cận đúng cách những nhà bán hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng có thể nắm bắt cơ hội để đưa sản phẩm nội địa vươn ra thế giới.

Đánh giá về quá trình thích ứng chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử. Xuất nhập khẩu trực tuyến cũng được đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Từ kinh nghiệm của DN, bà Hoàng Thị Thanh Tâm cho rằng, bán hàng qua TMĐT đồng nghĩa khách hàng không gặp mặt, không tiếp xúc trực tiếp với hàng, cho nên việc xây dựng niềm tin với khách hàng là điều đặc biệt quan trọng. Khi khách hàng không nhìn được trực tiếp sản phẩm, cần phải thể hiện qua hình ảnh để khách hàng hiểu về chất lượng sản phẩm; khách hàng yên tâm là doanh nghiệp có đầy đủ năng lực sản xuất, đầy đủ chứng chỉ, chứng nhận liên quan.

Mặt khác, bộ phận kinh doanh cũng cần phải được trau dồi kinh nghiệm qua các buổi huấn luyện, các buổi đào tạo về kỹ năng bán hàng và marketing. Ngoài ra, DN cần tập trung xây dựng hình ảnh thương hiệu, hình ảnh sản phẩm ở trên tất cả các nền tảng để khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm.

thuong-mai-dien-tu-02-1703988767.jpg
Nhiều doanh nghiệp cho biết việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và thương mại điện tử đem lại hiệu quả thực tế ở mức rất cao.

Theo ông Nguyễn Thành Dương, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương), thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các sàn TMĐT trong nước và quốc tế như Alibaba.com, TikTok, Amazon.com, Lazada, Tiki, Foodmap, Postmart, Voso, Shopee, Sendo... triển khai những thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam, nhất là DNVVN, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số nói chung cũng như sàn TMĐT nói riêng.

“Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai được gần 40 khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, tập trung vào nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, nhất là kỹ năng bán hàng (kỹ năng livestream) để có thể hỗ trợ DN kinh doanh hiệu quả trên những sàn TMĐT”, ông Dương cho biết.

Dự đoán về sự tăng trưởng của nền kinh tế số, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, nền kinh tế kỹ thuật số được dự đoán tăng trưởng nhanh chóng và có thể coi là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam.

Cho rằng thương mại điện tử còn nhiều tiềm năng, bà Hà cho hay, xu hướng của người tiêu dùng có ảnh hưởng tới nền kinh tế số, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu sẽ là cơ hội cho thương mại điện tử bởi mua sắm online là một trong những biện pháp giúp người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong thời kì suy thoái kinh tế. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này./.

Bình Châu