Người lính già và ký ức không quên về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong ký ức về cuộc chiến đấu gian khổ và hào hùng để dành lại độc lập cho dân tộc vẫn in hằn trong trái tim những của người lính. Họ là những người đã hy sinh xương máu của mình để non sông Đất nước gắn liền một dải.
bo-3-1714112309.jpg
Cựu chiến binh Hà Văn Khương bên những kỷ vật theo ông trong những năm chiến đấu.

Tháng tư nắng vàng trải khắp trên các con đường ngõ xóm, màu của nắng hòa với màu cờ tươi thắm như để tô hồng lên khuôn mặt rạng ngời của những người lính già đang hân hoan chào mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024).

Để có được đất nước như ngày hôm nay, chúng ta đã phải trải qua biết bao cuộc chiến đấu gian khổ. Thậm chí nhiều người đã phải nằm lại mãi mãi nơi chiến tuyến, chưa một lần hội ngộ với mảnh đất quê hương yêu dấu. Những người may mắn trở về từ bom đạn hiện vẫn đang phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày để mưu sinh. Nhưng những ký ức về thời máu lửa vẫn cháy mãi trong trái tim họ.

Để hiểu thêm về cuộc chiến tranh ác liệt dành độc lập cho dân tộc, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ cựu chiến binh Hà Văn Khương (70 tuổi) trú tại thôn Tân Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh (Thanh Hóa). Ông là một trong những người đã dành hơn nửa cuộc đời gắn bó với súng đạn nơi chiến trường.

Viết đơn tình nguyện nhập ngũ lúc 17 tuổi

Cựu chiến binh Hà Văn Khương sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em. Khi ông cất tiếng khóc trào đời cũng là lúc Đất nước tạm thời bị chia cắt, là quãng thời gian triệu con tim đang hướng về miền Nam ruột thịt. Chính vì vậy mà tuổi thơ của ông đã phải chứng kiến sự hy sinh mất mát của quê hương trước bom đạn của kẻ thù.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, năm 1972 chàng thanh niên Hà Văn Khương lúc đấy mới tròn 17 tuổi đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trải qua 1 năm huấn huyện gian khổ, đơn vị ông nhận được lệnh đi B (vào chiến trường miền Nam chiến đấu), để chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Trước lúc lên tàu, ông chỉ kịp ghi vội vài nét chữ để thông báo với gia đình về chuyến đi chưa biết ngày đoàn tụ.

Ông Khương nhớ lại: Khi nhận được tin đi B, trong lòng những người lính chúng tôi hào hứng phấn khởi kèm với nỗi buồn khó tả. Đặc biệt là lúc nghĩ đến cha mẹ tuổi già cần người phụng dưỡng, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Nhưng nghĩ đến lời dạy của cha trước khi nhập ngũ, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. “Con đi, một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực, đừng lo lắng cho gia đình, hãy cố gắng vì non sông Đất nước, làm vẻ vang cho gia đình và xóm riềng”. Lời nói của cụ cứ văng vẳng bên tai, theo tôi trong suốt hành trình chiến đấu.

Trải qua những lần chuyển tàu, đổi xe, thay đổi trang phục, băng rừng vượt núi… cuối cùng đơn vị ông đã vào đến Hậu Giang để chiến đấu với địch. Từ mặt trận Tây Nam, kết hợp với lực lượng chiến đấu ở Tây Nguyên, tạo nên thế gọng kìm tại Sài Gòn – Gia Định. Lúc đó, chiến sĩ Hà Văn Khương vừa tròn 18 tuổi, được phân bổ về tiểu đội 17 pháo binh phụ trách súng DKZ 82mm, thuộc Trung đoàn 20, Sư đoàn 4, Quân Khu 9. Với nhiệm vụ đánh chiếm đồn, cứ điểm của địch, từng bước mở rộng vùng giải phóng.

Những ngày chiến đấu gian khổ, chứng kiến đồng chí, đồng đội của mình hy sinh trước nòng súng của kẻ thù càng hun đúc nên tinh thần thép trong con người ông. Những người đã cùng nhau kề vai sát cánh, hẹn thề khi Đất nước giải phóng sẽ về quê hương đoàn tụ cùng gia đình, thăm người vợ mới cưới mà giờ đã phải nằm xuống, mắt vẫn hướng về Thủ đô yêu dấu. Nghĩ đến đây những giọt nước mắt đã cạn khô theo năm tháng trên khuôn mặt ông Khương bỗng tuôn trào.

“Trong đơn vị, tôi và anh Việt rất thân với nhau. Anh ấy từng là giáo viên nên lúc rảnh anh hay dạy thêm cho tôi, chúng tôi hẹn nhau khi nào giải phóng anh Việt sẽ đưa tôi ra Hà Nội chơi. Vậy mà, trước lúc giải phóng khoảng mấy tiếng đồng hồ, anh ấy đã ra đi sau trận tập kích của kẻ thù”. Ông Khương nhớ lại.

Lần theo những mảnh ký ức, ông Khương nhớ lại: Rạng sáng 29/4, quân ta đến lộ Vòng Cung và triển khai đội hình chiến đấu. Bị tấn công, địch sử dụng pháo binh bắn phá và máy bay ném bom dữ dội vào trận địa của ta. Máy bay trực thăng vũ trang UH-1 của địch bay thấp, quần thảo, phóng rốc két và bắn đại liên như mưa. Xe bọc thép M113 dàn hàng ngang bắn yểm trợ cho bộ binh địch. Mặt đất bom đạn cày xới, cây bị mảnh pháo, đạn nhọn phạt gãy, đổ ngổn ngang, nhà dân cháy ngùn ngụt, mùi thuốc súng nồng nặc. Một khẩu đội cối 120mm của ta bị trúng đạn, hư hỏng nặng phải rút lui về sửa chữa.

huan-chuong-3-1714112881.jpg
Những tấm Huân, huy chương được ông Khương gìn giữ, treo ở một góc trang trọng trong căn nhà.

Từ những công sự chiến đấu, quân ta bình tĩnh bắn từng loạt đạn chính xác vào các tốp địch ở cự ly gần, những hỏa lực của ta như B40, B41, cối 60mm, DKZ 82mm và đại liên M6... bắt đầu đáp trả lại những đợt tấn công của địch.

Rạng sáng 30/4, trong sự tuyệt vọng, địch điên cuồng bắn pháo dữ dội vào đội hình ta, tiếng động cơ máy bay gầm rú. Địch cho máy bay A37 và AD6 ném bom liên tục, dùng trực thăng vũ trang và xe lội nước yểm trợ bộ binh đánh chặn phía trước, phía sau. Tuy nhiên, bằng sự chiến đấu ngoan cường, không sợ hy sinh, bộ đội ta vẫn bám sát trận địa, cơ động tiến công, phòng thủ linh hoạt.

Xin giữ trọn niềm vui chung của Đất nước

Với sự tài trí, mưu lược của Đảng, hoạch định đường lối, lãnh đạo và chỉ đạo ở từng chặng đường cụ thể giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn. 11h30’, ngày 30/4/1975, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Nhớ lại những khoảnh khắc thiêng liêng của lịch sử, Cựu chiến binh Hà Văn Khương chia sẻ: “Có lẽ chưa có niềm vui sướng nào hơn thời khắc đó. Lúc mà chúng tôi xác định sống chết cùng địch, giằng từng mét đất, thì khoảng 9h ngày 30/4, thấy rất nhiều máy bay cất cánh, nhưng lại bay đi nơi khác mà không phải tập kích chúng tôi như lần trước.

Thấy địch phản công yếu ớt, đơn vị nhanh chóng cơ động, đồng loạt tiến công, chọc sâu vào sân bay Trà Nóc. Cùng lúc đó nhận được tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thắng lợi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Các anh em chúng tôi, đang trần truồng từ bùn lầy chạy lên trên các tuyến đường hò reo, trông như những đứa trẻ vui mừng khi mẹ đi chợ về”.

Có lẽ khoảnh khắc vui trọn cùng non sông năm ấy đã in sâu vào trong trái tim ông. Dù trong cuộc sống sau này phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng với riêng ông, ông vẫn xin giữ trọn niềm vui chung của đất nước làm niềm hạnh phúc và kiêu hãnh nhất trong đời.

Sau khi Đất nước thống nhất, ông và đơn vị được giao nhiệm vụ ở lại miền Nam để phát triển kinh tế và ổn định tình hình chính trị. Những đôi tay vừa từ giã súng đạn đã phải bắt với cuốc cày và đồng ruộng, để từng bước khắc phục những khó khăn, tổn thất mà cuộc chiến gây ra.

Năm 1976, lực lượng diệt chủng Pol pot tại Campuchia đã tiến sát biên giới Tây Nam, đánh chiếm một số làng mạc của ta. Trước tình hình trên, đơn vị ông Khương lại từ bỏ cánh đồng lúa chưa trổ bông để tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Sau khi dẹp tan quân diệt chủng tại biên giới, đơn vị nhận lệnh sang giúp nước bạn Campuchia chiến đấu dành độc lập.

Dù non sông đã liền một dải, nhưng ông Khương vẫn chưa có dịp trở về quê hương để cùng gia đình hòa chung trong niềm vui của Đất nước. Ông đã dành cả tuổi trẻ làm bạn với súng đạn để trọn lời hứa với người cha trước lúc ra trận. Mãi đến năm 1988, ông được nghỉ chế độ mất sức, trở về quê hương với quân hàm Đại úy.

Giờ đây, dù tuổi đã cao, trí nhớ đã bị bào mòn theo năm tháng. Nhưng khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng trong những ngày đất nước thống nhất vẫn mãi in hằn trong trái tim ông. Như niềm vinh dự tự hào khi được khoác lên trên người bộ quân phục màu xanh áo lính.

Chiến tranh đã lùi vào trong quá khứ, nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội đã từng sát cánh bên nhau trong suốt hành trình chiến đấu gian khổ nhưng cũng rất vinh dự tự hào vẫn in đậm trong trái tim ông. Ông mong muốn trong quãng đời còn lại của mình có dịp gặp lại đồng đội cũ. Mọi thông tin xin liên hệ: Hà Văn Khương, thôn Tân Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Điện thoại: 0329731052./.

Hà Khải