Về thăm làng quê Anh hùng Tô Vĩnh Diện

“Thăm lại làng quê ngày anh ra trận/ Nơi mẹ hiền dạy anh biết yêu và biết sống/ biết lấy thân mình nâng bổng những chiến công”… đó là những vần thơ hay bày tỏ sự tôn kính của một thi sĩ khi trở về quê hương người Anh hùng lấy thân mình chèn pháo – Tô Vĩnh Diện.
to-vinh-dien-1-1712465749.jpg
Ông Tô Vĩnh Châu, cháu của Tô Vĩnh Diện là người phụ trách lau dọn và hương khói cho Anh hùng LLVTDN.

Tô Vĩnh Diện (1924 - 1954), là một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em ở thôn Dược Khê, xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Người anh hùng nổi tiếng với giai thoại hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo không bị lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Làng quê có truyền thống cách mạng

Chúng tôi trở lại xã Nông Trường trong những ngày chiều tháng 4 nắng vàng rực rỡ, khắp các con đường, ngõ xóm đều rợp bóng cờ hoa để hướng tới đại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Đây là nơi người Anh hùng lấy thân mình chèn pháo - Tô Vĩnh Diện cất tiếng khóc trào đời.

Tại căn nhà cấp 4 đơn sơ nhưng rất ngăn nắp, nơi thờ tự Anh Hùng LLVTND Tô Vĩnh Diện và phụ thân, phụ mẫu của anh. Thắp lên nén hương thành kính, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Tô Vĩnh Châu người cháu họ phụ trách hương khói.

Qua những lời kể của ông Châu, từng mảng ký ức của làng quê nghèo xã Nông Trường xưa kia bỗng ùa về, bắt nhịp cùng với sự kiện trọng đại của dân tộc để dệt nên một bức tranh Điện Biên Phủ đầy hào quang chói lọi.

Ông Châu cho biết: “Ngày bé, tôi cũng được ông bà và bố kể nhiều câu chuyện về bác Diện. Bác là người có tuổi thơ cơ cực, khi còn nhỏ đã phải đi ở thuê để kiếm sống, lớn lên trong quá trình hoạt động cách mạng lại bị nhiều lần địch vây bắt, tra tấn, chỉ còn cách chiến thắng Điện Biên Phủ vài tháng thì bác lại trút hơi thở cuối cùng, quyết tâm ôm lấy bánh xe pháo để khỏi rơi xuống vực thẳm”.

to-vinh-dien-1712466145.jpg
Căn nhà cấp 4 đơn sơ làm nơi thờ tự được xây trên chính mảnh đất của ngôi nhà Tô Vĩnh Diện

Theo lời kể ông Châu, Tô Vĩnh Diện là người con thứ 3 trong gia đình 8 anh chị em. Do nhà nghèo nên khi lên 8 tuổi, ông Diện đã phải đi ở cho địa chủ để kiếm cơm ăn. Suốt 12 năm đi ở, ông đã phải chịu đựng bao cảnh áp bức bất công. Cách mạng Tháng Tám thành công, Tô Vĩnh Diện thoát cảnh đi ở và bắt đầu tham gia phong trào du kích của địa phương.

Năm 1950, tại Thanh Hóa nổ ra một vụ bạo loạn, ông bị những người nổi loạn bắt giữ. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải cử một đơn vị quân sự xuống hỗ trợ cán bộ trấn an tình hình. Ông được giải cứu và từ đó chính thức nhập ngũ trong lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 3/1953, ông được triệu tập để tham gia lực lượng pháo phòng không, huấn luyện ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), ông được chỉ định là trung đội phó thuộc đại đội 829, tiểu đoàn 394, trung đoàn 367 và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Sau 8 tháng huấn luyện, tháng 12/1953, ông cùng đơn vị về nước và ngay lập tức hành quân lên Điện Biên Phủ. Ông được điều về đại đội 827 làm trung đội phó trực tiếp phụ trách khẩu đội 3, khẩu pháo cao xạ 37 mm số hiệu 510681, thuộc loại pháo phòng không 37 mm một nòng mẫu 61-K kiểu M1939, do Liên Xô sản xuất và viện trợ.

Cũng trong thời gian này, tại quê hương của ông, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, 2 người anh trai của ông là Tô Vĩnh Mạo và Tô Vĩnh Kiện đã tòng quân lên đường nhập ngũ, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng tại Điện Biên.

Không chỉ có vậy, khi cả nước một lòng hướng về Điện Biên, thì bố của ông, Cụ Tô Vĩnh Uy cùng với dân quân địa phương đã tham gia đoàn dân công hỏa tuyến, vận chuyển lương thực lên chiến trường Điện Biên.

Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cả nước lại hướng về miền Nam ruột thịt, khi đấy, bà Tô Thị Hài (em gái của Tô Vĩnh Diện) khi đó mới 18 tuổi đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ, để cùng với các anh góp một phần xương máu cho nền độc lập của dân tộc.

Nhận tin buồn trong niềm vui chiến thắng

Để chiến dịch thắng lợi hoàn toàn, giảm ít thương vong cho quân sĩ của ta. Ngày 26/1, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định đổi phương án tác chiến từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc". Các đơn vị pháo nhận được mệnh lệnh phối hợp với các đơn vị bộ binh kéo pháo trở ra điểm tập kết tại Bắng Hôm để ăn tết Giáp Ngọ và chờ lệnh mới.

Ngày 1/2/1954, trên đường kéo pháo ra, đến một con dốc cao và hẹp ở gần Bản Chuối, ông cùng một pháo thủ phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho một đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo. Ngoài ra còn có 2 chiến sĩ phụ trách chèn bán pháo.

khau-phao-1712466243.jpg
Khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 trưng bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân (Ảnh: Cục Di sản văn hóa)

Bất ngờ quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên. Ngay lúc này, dây tời bị đứt khẩu pháo đã lăn qua chèn. Pháo thủ Lê Văn Chi lái càng phía ngoài bị càng pháo bị hất xuống vực và pháo trôi dần về phía vực sâu. Tô Vĩnh Diện lập tức bỏ càng pháo phía trong, chuyển sang càng pháo phía ngoài, cố gắng đẩy hướng càng pháo đâm vào vách núi. Tuy cản được pháo lăn xuống vực, nhưng ông cũng bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên người trọng thương và hi sinh sau đó.

Với tinh thần đoàn kết của cả dân tộc, kết hợp với tài trí mưu lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng sau 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ. Khi cả nước đang hân hoan trong niềm vui thắng trận, thì gia đình ở quê nhà nhận được tin ông Diện đã hi sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ.

“Khi biết tin ông Diện hi sinh, gia đình và xóm làng đều đau buồn. đặc biệt là bác cả của tôi ông Tô Vĩnh Mạo vừa khóc vừa nói, trong khi chiến đấu, cũng nghe mọi người nói về chiến sĩ pháo binh đã hi sinh thân mình để cứu lấy khẩu pháo, ai ngờ đấy chính là em ruột của mình”. Ông Châu chia sẻ.

Để có được ngày vui chung của Đất nước, chúng ta đã phải đánh đổi biết bao xương máu, nhiều gia đình phải chịu cảnh tang thương mất chồng, mất con… gia đình Tô Vĩnh Diện cũng nằm trong số đó.

Biết tin ông đã hi sinh, cả xóm làng kéo nhau đến chia buồn, cùng nhau lập ban thờ cho ông. Tuy nhiên khi tìm lại những bức ảnh để làm ảnh thờ thì lại không có. May thay, người em gái của ông nhớ đến mối tình của người anh trai với chị cùng xóm nên đã xin lại tấm ảnh kỷ niệm mà Tô Vĩnh Diện gửi cho người yêu lúc đang ở chiến trường.

Bức ảnh làm kỷ vật yêu nhau thời trai trẻ, cùng nhau thề non hẹn biển, giờ lại trở thành di ảnh trên ban thờ khó hương nghi ngút. Không được sống trọn vẹn với tình yêu đôi lứa, nhưng Tô Vĩnh Diện lại sống mãi tuổi 30 cùng tình yêu quê hương đất nước.

Tấm gương hy sinh cứu pháo của Tô Vĩnh Diện được toàn mặt trận học tập noi theo đưa pháo ra an toàn. Ngay tại mặt trận, Tô Vĩnh Diện được truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. Ca ngợi tấm gương chói sáng đã anh dũng hy sinh, trong bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm”

Ngày 7/5/1956, Tô Vĩnh Diện được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và trở thành người anh hùng Pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta. Hiện nay, hài cốt của ông được Đảng và Nhà nước quy tập và an táng tại nghĩa trang Đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ./.

Hà Khải