Hóa giải những thách thức đưa thương mại điện tử phát triển bứt phá

Để thương mại điện tử (TMĐT) phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, rất cần sự chung tay của các Bộ, ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể. Trong đó hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.
thuong-mai-dien-tu-01-1709196290.jpg
TMĐT sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng và trở thành xu hướng tất yếu trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Cần có thêm những nền tảng tốt cho thương mại điện tử

Nhận định từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS - Bộ Công Thương), thị trường TMĐT tại Việt Nam đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ cho thị trường, bao gồm dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch TMĐT, hệ thống thanh toán trực tuyến an toàn, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ, ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, là những nền tảng tốt để TMĐT có thể tiếp tục phát triển trong năm 2024.

Ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, trong xu hướng của TMĐT, xuất nhập khẩu trực tuyến đang là xu hướng được nhiều DN xuất nhập khẩu quan tâm. Nhiều năm qua, VECOM cũng phối hợp với một số đối tác và hội viên tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ DN xuất nhập khẩu thông qua các chương trình đào tạo tập huấn trực tuyến. Đặc biệt, Diễn đàn xuất nhập khẩu trực tuyến (VOIEF) đã được VECOM tổ chức trong các năm 2017 và 2020 đã thu hút sự quan tâm cao của đông đảo các cơ quan, tổ chức, DN.

Phát huy hiệu quả từ Diễn đàn, dự kiến vào tháng 5/2024, VECOM sẽ đồng hành cùng Liên minh hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến tiếp tục tổ chức sự kiện này. Thông qua Diễn đàn này sẽ đánh giá được các thành tựu và đánh giá xu hướng, công nghệ, giải pháp để chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước tới các DN liên quan tới xuất nhập khẩu.

“VECOM cũng sẽ cố gắng duy trì Diễn đàn tiếp thị trực tuyến (VOMF), nhằm giữ vững thương hiệu là sự kiện chính thống và uy tín nhất về lĩnh vực tiếp thị trực tuyến ở Việt Nam. Diễn đàn sẽ tạo cơ hội để các đơn vị kinh doanh trực tuyến giới thiệu về năng lực và sản phẩm thông qua các hình thức quảng bá đa dạng. Bên cạnh đó, các DN có nhu cầu sử dụng dịch vụ tiếp thị trực tuyến sẽ có cơ hội nắm bắt các giải pháp mới nhất phù hợp với từng thị trường và quy mô, sản phẩm”, ông Trọng thông tin.

thuong-mai-dien-tu-02-1709196269.jpg
Thị trường TMĐT tại Việt Nam đang khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế số. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, những vấn đề liên quan đến đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics TMĐT chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường, niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến,… vẫn là những bài toán cần tìm thêm phương án của TMĐT Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Để từng bước hóa giải những thách thức này đưa TMĐT phát triển bứt phá ngay trong năm 2024, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT&KTS) cho biết, Trung tâm đã và đang triển khai các giải pháp như Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử.

“Trung tâm cũng đang triển khai mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các sàn TMĐT, nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp DNNVV ở các địa phương phân phối các sản phẩm thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Chương trình hỗ trợ DN xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới - Go Export nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công các sản phẩm trong nước qua nền tảng TMĐT lớn trên thế giới… Những giải pháp và chiến lược phù hợp của các cơ quan quản lý cùng sự nỗ lực từ phía DN sẽ tận dụng cơ hội, vượt qua những thử thách của thị trường để TMĐT tiếp tục phát triển nhanh chóng và bền vững trong tương lai”, ông Hoàng tin tưởng.

7 xu hướng TMĐT đáng lưu ý trong năm 2024

Theo nhận định của PGS.TS Lê Trọng Vĩnh (Đại học KHTN), tổng giá trị của TMĐT có thể xấp xỉ 7 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Có 7 xu hướng TMĐT đáng lưu ý trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Ứng dụng thực tế ảo VR, thực tế ảo tăng cường AR: Công nghệ thực tế ảo VR, thực tế ảo tăng cường AR xuất hiện đã giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất khi mua sắm trực tuyến giúp người mua hàng kiểm chứng hàng hóa như thể họ đang ở trong shop. Với những TMĐ bán các mặt hàng cần chú trọng màu sắc, kích thước sản phẩm thì VR, AR chính là sự cứu cánh cùng với sự bùng nổ bán hàng trực tuyến của thị trường Trung Quốc.

PGS.TS Lê Trọng Vĩnh cho biết: việc tích hợp công nghệ AR,VR sẽ giúp tăng khả năng trải nghiệm cho khách hàng, các sàn TMĐT giảm tỷ lệ trả lại sản phẩm, giúp các sàn có thể tăng 10-15% doanh thu. Nhưng với số chi phí đầu tư 15-20 triệu USD để có một sàn TMĐT có tính năng này thì liệu trong năm 2024, có sàn thương mại nào của Việt Nam “trình làng” hay VR, AR không vẫn là vấn đề đang bỏ ngỏ.

Chatbot và tự động hóa tiếp thị: Đang có xu hướng giảm lao động bán hàng trực tiếp và thay thế bằng chatbot để các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải đầu tư dài hạn. Chatbots hoạt động 24/7 và phản hồi khách hàng ngay lập tức. Nó cũng có thể thực hiện nhiều cuộc trò chuyện cùng một lúc, đó là điều mà một người bán hàng không thể làm được.Chatbots cũng dựa trên trí tuệ nhân tạo, nghĩa là chúng cũng cần thời gian thực để “học việc” trả lời tốt hơn các vấn đề khách hàng đòi hỏi. Mọi thứ trong tay AI chưa phải là một lựa chọn tốt nhất trong năm 2024, bạn vẫn sẽ cần người quản lý hệ thống để đảm bảo mọi thứ đều ổn.

Chatbot giúp việc hỗ trợ tự động tiếp thị khách hàng của các doanh nghiệp thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp có thể tự động tạo các chiến dịch gửi email đến danh sách khách hàng của mình thay vì làm thủ công.

thuong-mai-dien-tu-03-1709196352.jpg
Kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử đang phát triển nhanh và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. (Ảnh minh họa)

Mua sắm trên thiết bị di động: Theo Statista, ngày nay phần lớn người dùng Internet sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng thay vì thiết bị máy tính để bàn. Đối với nhiều người, không cần đầu tư vào máy tính khi bạn có thể làm hầu hết mọi thứ bạn cần trên điện thoại di động, bao gồm cả mua sắm. Điều này bắt buộc các chủ doanh nghiệp thương mại điện tử phải đảm bảo rằng trang web của mình phải tối ưu hóa cho thiết bị di động.

Chính sách bán hàng xanh: Các sàn TMĐT có chính sách kinh doanh xanh, thân thiện với môi trường sẽ nhận được điểm thưởng từ khách hàng của mình. Ngày nay, người ta chú trọng nhiều đến tuổi thọ của hành tinh chúng ta và cách chúng ta có thể bảo vệ nó. Theo đó, chúng ta cần quan tâm: Phương thức giao hàng thân thiện với môi trường;Bao bì thân thiện với môi trường; Truyền bá nhận thức cho người bán, người mua;Đóng góp bảo vệ môi trường.

Thương mại xã hội: Kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội đang phát triển nhanh, rất nhiều người sử dụng Facebook, Instagram và các mạng phổ biến khác cũng như cách các thương hiệu khác nhau sử dụng mạng xã hội để quảng cáo hàng hóa và dịch vụ. Facebook là công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ mua sắm trực tiếp trên mạng xã hội. Thay vì đặt URL vào bài đăng và yêu cầu người mua hàng truy cập trang đích, giờ đây doanh nghiệp có thể bán hàng trực tiếp trên mạng xã hội, loại bỏ đơn vị quảng cáo trung gian.

Tiếp thị người ảnh hưởng KOLs: Dùng người nổi tiếng để tiếp thị sản phẩm là một phương pháp quảng cáo phù hợp cho các doanh nghiệp TMĐT đang tìm cách thu hút khách hàng mới. Hiện có rất nhiều nền tảng khác nhau, từ Facebook và Instagram đến YouTube và Twitch TV nên việc tìm kiếm người có ảnh hưởng phù hợp không phải là vấn đề.

TMĐT những năm qua đã đang khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế số tại Việt Nam. Bằng những giải pháp, chiến lược phù hợp của các cơ quan quản lý, cùng sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp để tận dụng cơ hội, vượt qua những thử thách của thị trường, thương mại điện tử hứa hẹn không chỉ tiếp tục phát triển nhanh chóng mà còn hướng tới phát triển bền vững trong tương lai./.

Trọng Bình