Thương mại điện tử sẽ đưa nông sản Việt chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh việc xuất khẩu trực tiếp qua cửa khẩu, Việt Nam cần tận dụng ưu thế thương mại điện tử để mở rộng thị phần, khẳng định vị thế tại thị trường tỷ dân này.
thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-05-1706087140.jpg
Năm 2023, Trung Quốc chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tăng cường hợp tác để chinh phục thị trường tỷ dân

Để thúc đẩy thương mại và hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc, mới đây, đoàn Bộ NN-PTNT đã có chuyến làm việc với các cơ quan chức năng và khảo sát thị trường tại Bắc Kinh và Quảng Đông. Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản thông qua chợ đầu mối, thương mại điện tử cũng như hợp tác với nhiều địa phương, doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi logistic nông sản… đang là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp Việt Nam nhằm chinh phục thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất này của chúng ta.

Chợ đầu mối rau quả Giang Nam rộng 40 ha là chợ lớn nhất tỉnh Quảng Đông. Từ chợ này mỗi ngày hàng chục ngàn tấn nông sản nội địa và nhập khẩu được tiêu thụ khắp Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau (Trung Quốc) và ASEAN. Cuối năm Âm lịch, chỉ còn sầu riêng tươi Việt Nam đang chiếm lĩnh chợ này cùng với loại trái cây măng cụt, xoài, thanh long. Nông sản tại chợ này minh bạch từ truy xuất nguồn gốc, vùng trồng.

Ông Trần Thanh Lam - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết: "Chúng tôi đã bàn với chợ đầu mối và các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Đông, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh Quảng Đông tạo điều kiện xây dựng các chuỗi logistic nông sản bền vững để làm sao đưa các sản phẩm nông sản của chúng ta, đặc biệt là trái cây vào thị trường Trung Quốc theo con đường chính ngạch".

thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-04-1706087184.jpg
Một trong những giải pháp là các DN Việt cần có sự chuẩn bị sẵn sàng XK sản phẩm sang Trung Quốc theo mô hình TMĐT xuyên biên giới. (Ảnh minh họa)

Làm việc với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, hai bên đã thống nhất tổ chức cuộc họp Ủy ban liên hiệp nông nghiệp Việt Nam - Trung Quốc lần 2 trong năm nay; hợp tác trong nông nghiệp xanh, nông nghiệp giảm phát thải và nông nghiệp hữu cơ.

Phía Hải quan Trung Quốc thống nhất rà soát pháp lý để sớm nhất ký 3 nghị định thư cho phép Việt Nam xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên; xuất khẩu cá sấu nuôi; xuất khẩu khỉ nuôi. Thống nhất xử lý vướng mắc trong xuất khẩu cá tầm, tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt.

"Khi làm việc với các bạn thì các bạn đều đặt vấn đề về thương hiệu nông sản và mẫu mã, bao bì của hàng hóa. Tôi nghĩ đây là những chương trình mà chúng tôi tập trung cho năm 2024", ông Trần Thanh Lam - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT thông tin.

Đưa nông sản Việt vào hệ thống siêu thị online tại Trung Quốc

Thông tin từ Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Lam, năm 2023, Trung Quốc chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Chỉ riêng trái cây, mỗi năm Trung Quốc chi hơn 15 tỷ USD để nhập. Quy mô thị trường trái cậy nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến tăng lên 30 tỷ USD.

Nông sản chủ lực sẽ tăng trưởng mạnh, nhất là diện tích sầu riêng cho trái tăng lên đáng kể. Nếu có thêm sầu riêng đông lạnh, dừa tươi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sớm thì xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ lập kỷ lục mới.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho biết, sau những chuyến đi khảo sát ở Trung Quốc thì thấy rằng dư địa cho nông sản của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này là còn rất lớn.

“Nếu như trước đây, 90% nông sản Việt xuất sang Trung Quốc chủ yếu tiêu thụ ở 3 tỉnh là Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam, còn hiện nay khi đi sâu vào các tỉnh, thành phố ở quốc gia này, từ Hà Nam, Thượng Hải cho đến Triết Giang, Hồ Bắc… sẽ thấy nhu cầu tiêu thụ của người dân ở đây đối với nông sản Việt như sầu riêng, xoài cùng những loại trái cây khác còn rất nhiều”, ông Tiến nói.

thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-06-1706087070.jpg
Trong năm 2024 sẽ kết nối để đưa nông sản Việt lên các nền tảng mạng xã hội lớn của Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Qua những cuộc khảo sát, theo chia sẻ của ông Tiến, đã có được những dữ liệu rất tốt để các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam có thể livestream (phát sóng trực tiếp) trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) nhằm bán nông sản vào thị trường Trung Quốc.

Để làm điều này, phía Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp đã thí điểm hướng tới thuê kho ngoại quan ở các địa phương nằm sâu trong nội địa Trung Quốc. Để từ đó đưa các sản phẩm của Việt Nam sang tập kết tại hệ thống kho này, trước hết là tập trung ở các mặt hàng nông sản chế biến như yến, trái cây chế biến, rau củ quả, gạo, cà phê… Sau đó, khi đẩy mạnh được hệ thống logistics tốt hơn thì sẽ mở rộng sang sản phẩm trái cây tươi.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều doanh nghiệp TMĐT ở Trung Quốc ở các tỉnh nằm sâu trong đất liền đều có chính sách hình thành khu ngoại quan. Cho nên, khi DN của Việt Nam đưa nông sản nhập vào kho ngoại quan, tổ chức livestream trên nền tảng TMĐT sẽ rất phù hợp với xu thế tiêu dùng của Trung Quốc. Điều này cũng giúp các DN được hưởng các chính sách của địa phương Trung Quốc trong việc giảm chi phí lưu kho, tạo thuận lợi cho công tác hải quan và các thủ tục kiểm định.

Cho nên, việc hỗ trợ DN Việt đẩy mạnh bán nông sản trên nền tảng TMĐT ở Trung Quốc là rất cần thiết trong lúc này. Nhất là khi 2/3 người dân Trung Quốc đang có xu hướng mua hàng trực tuyến (online).

Cũng theo ông Tiến, để thích ứng với xu thế TMĐT, trong năm 2024 sẽ kết nối để đưa nông sản Việt lên các nền tảng mạng xã hội lớn của Trung Quốc như Tiktok, Douyin…

Để tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng trái cây Việt trước các đối thủ, giới chuyên gia cho rằng ngoài việc tăng thế mạnh thông qua XK trực tiếp theo đường chính ngạch thì một trong những giải pháp là các DN Việt cần có sự chuẩn bị sẵn sàng XK sản phẩm sang Trung Quốc theo mô hình TMĐT xuyên biên giới và phải tuân thủ các quy tắc liên quan của nền tảng TMĐT./.

Các DN Việt cũng cần lưu ý, để nông sản của họ có thể vào các chuỗi hệ thống siêu thị online tại Trung Quốc không dễ. Đầu tiên, họ cần phải làm thương hiệu cho sản phẩm của mình tại thị trường Trung Quốc, cách tốt nhất là làm riêng thương hiệu cho thị trường này. Để kéo người tiêu dùng nội địa Trung Quốc đến gần hơn với nông sản Việt thông qua kênh trực tuyến thì đòi hỏi các DN Việt phải tạo dựng được thị trường trên các sàn TMĐT ở quốc gia này, nghĩa là họ chỉ bán những thứ mà người tiêu dùng Trung Quốc đã biết tới. Nếu các DN làm được điều đó, thì chính các sàn TMĐT ở Trung Quốc sẽ chủ động đặt vấn đề phân phối trực tuyến. (Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit)

Bình Nguyên