Gia tăng giá trị từ mô hình cà phê cảnh quan

Mô hình cà phê cảnh quan mang lại bền vững cho sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Mô hình này cũng thích ứng với những quy định mới trong nhập khẩu cà phê của Liên minh Châu Âu.
a4-1694060318.jpg
Mô hình mẫu cà phê cảnh quan ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Cà phê cảnh quan là mô hình còn mới nên sự tiếp cận của người dân còn chưa nhiều. Tuy nhiên, khi hiệu quả được khẳng định, mô hình sẽ được nhân rộng bởi vì canh tác theo mô hình cà phê cảnh quan mang lại bền vững cho sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Mô hình này cũng thích ứng với những quy định mới trong nhập khẩu cà phê của Liên minh Châu Âu.

Tạo vườn cà phê đa tầng

Cà phê cảnh quan là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, mang lại giá trị cao cho cây cà phê, có thể phát triển du lịch. Ở mô hình này, để tránh nắng gió cho cà phê và giúp vườn xanh mát, nông dân trồng thêm các cây lâu năm như cây ăn quả, hồ tiêu, mắc ca... Thảm cỏ, cây bụi và cả hệ động thực vật cũng được giữ lại.

Theo TS. Phạm Công Trí (Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên), cảnh quan cà phê là mô hình vườn cà phê đa canh, đa tầng, lấy cà phê làm cây trồng chủ đạo, phối hợp theo không gian và thời gian với các loại cây trồng xen canh. Trong đó, tầng cao là hồ tiêu, cây ăn quả, cây chắn gió,…; tầng thứ 2 là cà phê và tầng cuối cùng là thảm thực vật.

Thảm cỏ thực vật là tầng rất quan trọng của mô hình cà phê cảnh quan, phù hợp với mô hình sinh thái. Nếu áp dụng biện pháp quản lý cỏ dại sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Tạo thảm phủ mặt đất chống xói mòn, giữ ẩm, bổ sung hữu cơ cho đất và tạo môi trường cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp cây trồng phát triển tốt hơn. Việc áp dụng quản lý thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ giúp tiết kiệm nước tưới do đã giảm bốc hơi nước và giữ ẩm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng phát triển khỏe mạnh, chất lượng cà phê được cải thiện, không có tồn dư hoạt chất Glyphosate trong sản phẩm.

a3-1694060409.jpg
Ngành hàng cà phê đang phải ứng phó với quy định mới của EU, trong đó phát triển mô hình cà phê cảnh quan là một giải pháp.

Trong báo cáo tại hội nghị đánh giá chương trình cà phê cảnh quan mới đây, mô hình đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng và giảm 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà phê; giảm 11% chi phí sản xuất và giảm 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. Đến nay, 100% lượng cà phê sản xuất trong vùng thí điểm được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường.

“Hiện nay, thị trường cà phê nói riêng, nông sản nói chung đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm khi các hiệp định thương mại tự do đang bắt đầu có hiệu lực, song các rào cản về kỹ thuật, các chứng nhận liên quan đang đặt ra nhiều thách thức. Việc phát triển cà phê cảnh quan là hướng đi tất yếu” TS. Phạm Công Trí cho biết.

Hướng đi tất yếu

Theo các chuyên gia về nông, lâm nghiệp, việc phát triển mô hình cà phê cà phê cảnh quan là hướng đi tất yếu, bền vững cho vùng đất Tây Nguyên trên cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Mô hình này giúp nông dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và sự tác động tiêu cực của thị trường bằng cách duy trì, phát triển hệ thống nông lâm kết hợp trên vườn cà phê bền vững, với sự tương hỗ của các loại cây trồng có lợi thế khác trong sinh cảnh thuận tự nhiên.

Việc áp dụng quản lý thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ sẽ giúp nông dân tiết kiệm nước tưới, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, vườn cà phê trở thành môi trường sống của nhiều loại côn trùng, đặc biệt là kiến vàng. Khi loại côn trùng này làm tổ trên cây trong quá trình đậu trái, quả cà phê sẽ có hương vị thơm ngon đặc biệt, khác với những loại cà phê truyền thống bình thường.

a2-1694060229.jpg
Việc áp dụng quản lý thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ sẽ giúp tiết kiệm nước tưới, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường và tăng chất lượng cà phê. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, mô hình cà phê cảnh quan đang là hướng đi tất yếu để đáp ứng yêu cầu mới của Liên minh Châu Âu (EU). Gần 2 năm trước, ngày 17/11/2021, Uỷ ban Châu Âu đề xuất dự luật ngăn chặn nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng, suy thoái rừng với tên gọi là Quy định Chống phá rừng của EU. Cụ thể, EU cấm nhập khẩu mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng, suy thoái rừng; gồm các lĩnh vực, mặt hàng: chăn nuôi gia súc, cà phê, cao su, đậu nành, gỗ… Dự luật trên được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua vào tháng 5/2023, dự kiến bắt đầu có hiệu lực chính thức từ tháng 12/2024. Như vậy, ngành gỗ và sản phẩm gỗ, cao su và cà phê của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng khi quy định này áp dụng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 20 tỉnh trồng cà phê với tổng diện tích 710.590 ha, trong đó có 647.600 ha cho thu hoạch. Cây cà phê đã mang lại sinh kế ổn định cho hơn 600 ngàn hộ dân các khu vực trồng cà phê, đồng thời mang lại việc làm cho hơn 2 triệu lao động toàn ngành. Niên vụ 2021 -2022 với 1,7 triệu tấn cà phê xuất khẩu đã mang lại 3,9 tỷ USD, đạt mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc, yêu cầu của phía EU là 100% sản phẩm cà phê xuất khẩu vào thị trường này phải có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn; quy định mới của EU đòi hỏi ngành cà phê phải tuyệt đối tuân thủ tiêu chuẩn bền vững, đảm bảo khả năng truy xuất và minh bạch. Quy định của EU đặt ra bài toán cho ngành hàng cà phê là không chỉ sản xuất các sản phẩm an toàn, giảm phát thải khí nhà kính, mà còn nâng cao sinh kế cho các nông hộ, đặc biệt là các nông hộ cà phê tại những khu vực rủi ro cao.

Mô hình cà phê cảnh quan - một trong những mô hình được cho là đáp ứng với những quy định của EU, đã được triển khai. Đây là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, giúp giảm 17% lượng nước tưới và 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. Đó cũng chính là hướng đi bền vững giúp nông dân trồng cà phê Việt Nam thích ứng với xu thế thị trường.

Phạm Nghị