
Tại Việt Nam, ESG đang ngày càng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như trong nước, nhờ những tiềm năng về kinh tế, địa lý, đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ. Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá mang lại triển vọng kinh tế sâu rộng về năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, quản lý chất thải và du lịch sinh thái.
Chiều ngày 13/5, tại phiên họp báo Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2025, ông Craig Martin, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dynam Capital khẳng định ESG là "chiếc la bàn" giúp DN điều hướng và lựa chọn các cơ hội đầu tư một cách bền vững.
Tuy vậy, tại phiên họp, các nhà đầu tư cho rằng, để thực sự tận dụng được cơ hội này, Việt Nam cần định hướng rõ ràng, bền bỉ, và nhất quán trong thực thi chính sách và quản trị DN.
Ông Craig Martin cho biết, Dynam Capital hiện đang quản lý danh mục đầu tư gồm khoảng 25 doanh nghiệp tại Việt Nam, chủ yếu là các công ty đã niêm yết. Theo ông, mặc dù ESG không phải là yếu tố quyết định duy nhất trong quá trình lựa chọn đầu tư, nhưng lại là tiêu chí không thể thiếu. Thay vì chỉ nhắm tới các doanh nghiệp hoạt động thuần theo mô hình ESG, quỹ sử dụng bộ tiêu chí ESG như một công cụ đánh giá toàn diện. Việc đánh giá bao gồm các yếu tố như tác động môi trường, mối quan hệ với người lao động và nhà cung cấp, chất lượng quản trị doanh nghiệp cũng như mức độ cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
“Chúng tôi không kỳ vọng các DN đạt điểm ESG tuyệt đối. Mức đánh giá hiện tại của các công ty trong danh mục chỉ dao động từ 50 đến 65%, và điều đó hoàn toàn bình thường. ESG là một quá trình dài hạn, cần sự kiên định và tiến bộ theo thời gian”, ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Craig Martin cũng cảnh báo về những DN có vẻ ngoài hấp dẫn: lợi nhuận cao, tỷ suất sinh lời tốt, nhưng lại thiếu nền tảng bền vững. Nếu nhà đầu tư chỉ dựa vào cảm xúc hoặc ấn tượng ban đầu, rất dễ bị cuốn theo và mất định hướng. Điều quan trọng là DN có thực sự giữ vững cam kết, biến đam mê thành hành động cụ thể hay không.
Đồng tình ý kiến, bà Mimi Vu, đồng sáng lập Hội nghị Nhà đầu tư ESG Việt Nam cho rằng, ESG hiện không còn là yếu tố phụ thuộc vào trách nhiệm xã hội DN (CSR) hay đơn thuần là một chiến lược tiếp thị nhằm nâng cao hình ảnh thương hiệu.
Theo bà, ESG đã trở thành một phần cốt lõi trong hoạt động vận hành của DN, gắn chặt với các hợp tác pháp lý, quy trình chứng nhận và đặc biệt là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư.
Bà Mimi Vu cũng nhấn mạnh rằng, với DN Việt Nam, việc xây dựng và thực thi chính sách ESG cần được định hướng theo chiến lược phát triển quốc gia, đồng thời đáp ứng các yêu cầu pháp lý quốc tế liên quan đến thẩm định và minh bạch.
Theo TS Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển DN - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, ESG trong cộng đồng DN với nhiều điểm sáng đang hình thành. Tuy nhiên cũng có nhiều nút thắt lớn, như mới chỉ có 4,5% tín dụng xanh được giải ngân. Bằng chứng là Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội gặp khó khi tiếp cận các gói tín dụng này vì thiếu tài sản thế chấp, lãi suất chưa ưu đãi và tiêu chuẩn ESG còn xa lạ. Có đến 60% DN nhỏ không biết đăng ký nhận hỗ trợ ở đâu. Thậm chí, nhiều DN không biết ESG là gì và càng khó giữ chân nhân sự có chuyên môn về lĩnh vực này.
Do đó, theo bà Phạm Minh Hương - Giám đốc Dịch vụ Phát triển bền vững Deloitte Việt Nam, DN phải nhận thức rõ những tác động từ từng hoạt động kinh doanh của mình để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp.
Chia sẻ ở góc độ DN, ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, để cân bằng hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh áp lực ESG và chuyển đổi xanh ngày càng gia tăng, Việt Nam cần ưu tiên một số giải pháp chiến lược mang tính hệ thống.
Trước tiên, cần định hình lại mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo và bền vững thay vì chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và xuất khẩu gia công. Trong đó, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch cần được xác định là động lực trọng tâm.
Cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ, tạo nền tảng cho DN thực hiện, báo cáo và được hỗ trợ theo lộ trình cụ thể. Một giải pháp quan trọng nữa là phát triển nguồn nhân lực xanh, thông qua đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho lao động hiện có và tích hợp nội dung phát triển bền vững vào giáo dục. Với những giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, vừa chuyển dịch sang một mô hình phát triển thực sự bền vững và có khả năng thích ứng cao trong tương lai.