
Cây ăn quả khẳng định vị thế
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa, tỉnh có khoảng 242.675 ha đất nông nghiệp (chiếm 21,8% diện tích tự nhiên), trong đó 197.007 ha trồng cây hàng năm và 45.668 ha cây lâu năm – vùng đất quan trọng cho phát triển cây ăn quả. Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, cây ăn quả được xác định là ngành mũi nhọn góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới.
Báo cáo của Sở cho biết, đến năm 2024, diện tích cây ăn quả đạt khoảng 25.000 ha, trong đó hơn 12.000 ha trồng tập trung giúp ứng dụng khoa học kỹ thuật và xây dựng chuỗi giá trị. Tổng sản lượng trên 324.000 tấn, giá trị sản xuất khoảng 2.300 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2016. Thu nhập bình quân đạt khoảng 120 triệu đồng/ha/năm.
Các cây chủ lực gồm chuối (5.455 ha), dứa (3.935 ha), bưởi (2.912 ha), nhãn (1.422 ha), vải (1.229 ha), cam (1.148 ha), ổi (1.132 ha), theo thống kê của Sở. Nhiều mô hình công nghệ cao như cam tại Công ty Mía đường Lam Sơn đạt thu nhập trên 650 triệu đồng/ha.

Hay như mô hình trồng cam và bưởi tại huyện Thọ Xuân, Như Xuân đạt 500–550 triệu đồng/ha; chuối tại Cẩm Thủy đạt 350 triệu đồng/ha; dứa ở Thạch Thành, Hà Trung đạt 70–100 triệu đồng/ha; một số vườn ổi ở Thạch Thành thu nhập 200–300 triệu đồng/ha. Những con số này cho thấy cây ăn quả đang trở thành ngành hàng giàu tiềm năng, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Không chỉ dừng lại ở sản lượng và thu nhập, tỉnh Thanh Hóa còn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cây ăn quả. Nhiều phương pháp tiên tiến được áp dụng như ghép cải tiến giống, cưa đốn tạo gốc mới, đốn tỉa tạo tán thông thoáng, kích thích ra hoa đúng vụ, kỹ thuật bọc quả nhằm giảm sâu bệnh.
Cùng với đó là các hệ thống tưới nước tiết kiệm, tưới tự động, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... đang được nhân rộng. Việc trồng thử nghiệm các giống mới như cam V2, bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, nhãn chín muộn Hà Tây tại các huyện Thọ Xuân, Như Thanh bước đầu đạt kết quả khả quan, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.
Vượt thách thức để phát triển bền vững
Tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ngành trồng cây ăn quả của Thanh Hóa vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Quy mô sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún, khiến việc ứng dụng công nghệ đồng bộ gặp nhiều rào cản. Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thiếu khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao từ thị trường.
Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật, logistics, dịch vụ sau thu hoạch vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Đặc biệt, việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” vẫn diễn ra ở một số địa phương. Tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi, dẫn đến giá trị gia tăng hạn chế.

Lường Khắc Phòng, thôn Hải Tân, xã Hải Long (Như Thanh), chủ trang trại trồng bưởi cho biết: “Hiện nay, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thời tiết thất thường, sâu bệnh khó kiểm soát, trong khi đầu ra cho sản phẩm vẫn bấp bênh. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ thêm về kỹ thuật, vốn vay ưu đãi và đặc biệt là có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông với doanh nghiệp để tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá như những năm trước”.
Ông Lương Hồng Sỹ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Như Thanh cho biết: “Như Thanh là địa phương có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu để phát triển cây ăn quả, đặc biệt là các loại cây như cam, bưởi, vú sữa... Những năm gần đây, huyện đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch vùng sản xuất tập trung và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác. Tuy nhiên, để cây ăn quả phát triển ổn định, huyện rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, đặc biệt là trong việc xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ, hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch và đào tạo kỹ thuật cho người dân. Có như vậy, cây ăn quả mới thực sự trở thành sinh kế bền vững cho nông dân địa phương.”
Cũng theo ông Sỹ, để tập trung tháo gỡ những khó khăn trên, tỉnh Thanh Hóa rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển cây ăn quả gắn với lợi thế vùng miền và phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh. Ưu tiên phát triển các vùng trồng tập trung, có tiềm năng liên kết với doanh nghiệp, chế biến, tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ từ khâu giống, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản sau thu hoạch. Khuyến khích phát triển mô hình sản xuất hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của cây ăn quả, vai trò của sản xuất bền vững, đổi mới sáng tạo trong canh tác cũng sẽ tiếp tục được chú trọng. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để quản lý chặt chẽ quy hoạch, hỗ trợ kỹ thuật, kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực dự báo thị trường và dịch vụ nông nghiệp.
Việc phát triển cây ăn quả không chỉ là giải pháp mang tính thời điểm, mà là chiến lược lâu dài để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiệu quả, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu. Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tin tưởng rằng ngành cây ăn quả tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp cả nước.