Bài nghiên cứu khoa học

Cần Thơ: Phát triển du lịch sông nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Nghiên cứu "Cần Thơ: Phát triển du lịch sông nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu" Đinh Tấn Phong (Nghiên cứu viên Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ) thực hiện.
Tóm tắt: Du lịch sông nước là một sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu của thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp ngày càng lớn cho phát kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động ngày càng mạnh mẽ, các hoạt động du lịch sông nước tại thành phố Cần Thơ đã, đang và sẽ chịu nhiều tác động mạnh mẽ.
Từ khóa: Du lịch sông nước, biến đổi khí hậu, thành phố Cần Thơ.

1. Thực trạng phát triển du lịch sông nước tại thành phố Cần Thơ trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Cần Thơ sở hữu hệ sinh thái đặc trưng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, những vườn trái cây lớn là những điểm đến rất thu hút du khách. Theo đó, một trong những loại hình du lịch đặc trưng, được ưa chuộng nhất là du lịch sinh thái, miệt vườn và du lịch sông nước. Số liệu thống kê cho thấy, trung bình mỗi cuối tuần, tại các điểm du lịch sinh thái ở Cần Thơ đón từ 500 - 1.000 lượt khách. Đặc biệt, một số cồn, cù lao như cồn Ấu, cồn Sơn và cù lao Tân Lộc là những điểm tham quan nổi bật, hấp dẫn du khách và mang những đặc trưng miệt vườn, sông nước của miền Tây Nam Bộ. Tạp chí Departures của Mỹ từng công bố Cần Thơ là 01 trong 09 thành phố có hệ thống kênh, sông ngòi tuyệt vời nhất thế giới dành cho du lịch. Đồng thời, Cần Thơ còn có Chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là một nét văn hóa sông nước rất đặc trưng của Cần Thơ, góp phần rất lớn trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến với thành phố. Tóm lại, tài nguyên du lịch sông nước đóng vai trò quan trọng trong tổng doanh thu du lịch của thành phố, đóng góp lớn vào tổng doanh thu của dịch vụ du lịch hơn 4.000 tỷ đồng (năm 2022). Các hoạt động du lịch sông nước bên cạnh những tác động to lớn về kinh tế còn mang lại sự phát triển xã hội:
Thứ nhất, các hoạt động kinh tế sông, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch sông nước đã từng bước cải thiện thu nhập, tạo lập sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân ở Cần Thơ. Cụ thể, hình thức du lịch cộng đồng được tổ chức tại một số điểm đến nổi tiếng như Cồn Sơn, cù lao Tân Lộc,… đã mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế cho người dân bản địa, giúp họ cải thiện thu nhập và cuộc sống bền vững hơn.
Thứ hai, các hoạt động du lịch sông nước không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế mà còn góp phần phát huy giữ gìn giá trị di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Điển hình, việc phát triển du lịch gắn với Chợ nổi Cái Răng đã góp phần quảng bá rộng rãi về một nét văn hóa đặc trưng sông nước của thành phố.
Tuy nhiên, trước những tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hoạt động du lịch sông nước tại Cần Thơ cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể, hiện tượng sạt lở bờ sông, sụt lún làm phá vỡ hệ thống thủy lợi, làm mất cảnh quan hai bên bờ, phá hủy hệ sinh thái gây thiệt hại cho du lịch sông nước; gây nguy hiểm đối với hoạt động di chuyển và tham quan du khách trên sông. Theo thống kê, từ năm 2010-2022, tình hình sạt lở ở Cần Thơ đã làm 94 căn nhà hư hại hoàn toàn, 4 người chết và 5 người bị thương, thiệt hại mỗi lần sạt lở lên đến hàng chục tỷ đồng. Trước tình trạng gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, Cần Thơ đã triển khai xây dựng nhiều đoạn bờ kè dọc các tuyến sông nhằm giảm thiểu rủi ro do sạt lở gây ra, giúp thành phố thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều đoạn bờ kè dọc các tuyến sông đã làm mất đi nét văn hóa sông nước đặc trưng của Cần Thơ. Minh chứng là, hệ thống kè sông chạy dọc chợ nổi Cái Răng được cho xây quá cao, thiếu bến bãi, cầu tàu lên xuống, đã làm phá vỡ cấu trúc “trên bến dưới thuyền”, làm mất sinh kế của tiểu thương trên bến dẫn đến phân tán thương hồ, khiến cho hoạt động du lịch tại chợ nổi Cái Răng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc gia tăng các đợt mưa bão lớn, trên diện rộng cũng gây nhiều nguy hiểm cho các hoạt động du lịch đường sông; phá hủy hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên hai bên bờ, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên du lịch sông nước.
Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch sông nước mặc dù mang lại lợi ích kinh tế lớn cho một bộ phận, nhưng vẫn còn có những bộ phận bị bỏ lại phía sau. Ví dụ, đối với Chợ nổi Cái Răng mặc dù là một điểm đến được ưa thích nhưng do những hạn chế trong công tác quản lý và phát triển du lịch đã làm cho ngày càng nhiều thương hồ và tàu ghe bỏ đi nơi khác để tìm sinh kế. Điều này đã làm mất dần giá trị văn hóa sông nước đặc trưng của Chợ nổi Cái Răng.
Mặt khác, hoạt động du lịch phát triển đi kèm theo đó là tình trạng gia tăng rác thải. Hiện nay, các điểm du lịch Cần Thơ nói chung và du lịch sông nước nói riêng đều đang đối mặt với thách thức lớn – vấn đề xử lý rác thải. Điển hình hai điểm du lịch sông nước nổi tiếng của Cần Thơ là Chợ nổi Cái Răng và Cồn Sơn đều tồn tại nhiều bất cập trong công tác xử lý rác với hàng tấn rác thải mỗi ngày. Những nguyên nhân được xác định là ý thức của người dân và du khách trong bảo vệ môi trường còn hạn chế, công tác xử lý và phân loại rác của đơn vị quản lý còn kém hiệu quả,… Rác thải từ hoạt động du lịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm nguồn nước, làm mất vẻ mỹ quan du lịch và tác động tiêu cực đến hiệu quả phát triển kinh tế sông ở Cần Thơ.
2. Giải pháp tiếp tục phát triển du lịch sông nước ở thành phố Cần Thơ trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Thứ nhất, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về “Phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” đã xác định, việc phát triển du lịch của Cần Thơ và ĐBSCL cần dựa trên đặc điểm, lợi thế tự nhiên, tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn và đặc biệt là du lịch sông nước. Do đó, trong thời gian tới, Cần Thơ cần nghiên cứu cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển du lịch sông nước của thành phố. Theo đó, chú trọng phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu như du lịch cộng đồng, du lịch xanh,…
Thứ hai, tại các địa điểm, tuyến sông quan trọng đối với hoạt động giao thương đường thủy, có ý nghĩa phát triển du lịch sông nước như khu vực chợ nổi Cái Răng, việc xây dựng bờ kè cần gắn với đầu tư cải tạo, khôi phục không gian “trên bến dưới thuyền”, xây dựng cầu tàu, bến bãi hàng hóa phục vụ hoạt động giao thương của thương hồ nhằm duy trì nét văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương, để du lịch sông nước tiếp tục phát triển với những bản sắc vốn có.
Thứ ba, trước những nguy cơ mai một văn hóa sông nước đặc trưng do những tác động của biến đổi khí hậu, chính quyền địa phương ở Cần Thơ cần tích cực triển khai công tác đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến việc duy trì những bản sắc văn hóa sông nước truyền thống, đặc trưng. Điển hình như việc xây dựng hệ thống kè sông tại chợ nổi Cái Răng – đây là một việc cần thiết để phòng ngừa rủi ro do sạt lở nhưng lại làm mất bản sắc đặc trưng của hoạt động giao thương sông nước. Vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tác động, chính quyền địa phương xây dựng các đề án, dự án cụ thể nhằm duy trì, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc bản địa đóp góp vào quá trình phát triển bền vững kinh tế sông nước.
Thứ tư, đối với vấn đề rác thải trong du lịch sông nước, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường của người dân, các chủ ghe tàu vận chuyển và du khách trên sông. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần quan tâm thúc đẩy thay đổi tư duy tiêu dùng về việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, túi ni-lon tự phân hủy thay cho túi ni-lon sản xuất từ nhựa; cân đối, bổ sung kinh phí để tăng cường thêm thùng rác và tàu thuyền thu gom rác thải trên sông. Đồng thời, tại các điểm du lịch trên các cồn, cù lao, chính quyền địa phương nên hỗ trợ hướng dân người dân thực hiện tái chế rác thải nhựa thay vì vận chuyển vào bờ gây khó khăn, bất tiện./.

Đinh Tấn Phong