Bài nghiên cứu khoa học

Mô hình kinh tế GIG - Cơ hội hay "bẫy" cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam

Nghiên cứu "Mô hình kinh tế GIG - Cơ hội hay "bẫy" cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam" do ThS. Nguyễn Thị Thanh Lam, Ngô Mai Huyền, Lê Kim Ngọc, Thái Thị Tâm (Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao) thực hiện.
Tóm tắt: Kinh tế số đã tạo ra sự biến đổi nhanh chóng trong mọi mặt đời sống, dần dần trở thành một thành phần kinh tế, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Trong số đó, mô hình kinh tế GIG đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mô hình này mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tự tổ chức và làm việc độc lập. Tuy nhiên, mô hình kinh tế GIG cũng tồn tại nhiều rủi ro, thách thức, có thể dẫn đến “bẫy” việc làm cho người lao động. Bài nghiên cứu “Mô hình kinh tế GIG - Cơ hội hay “bẫy” việc làm cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam?” sẽ cung cấp cái nhìn khái quát về mô hình kinh tế GIG, phân tích những cơ hội và thách thức của mô hình kinh tế này đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 5 năm (từ 2019-2023), đồng thời đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Bẫy việc làm, cơ hội, kinh tế GIG, sự phát triển, Việt Nam

1. Giới thiệu
Mô hình kinh tế GIG (GIG Economy) là một mô hình kinh tế mới đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu, trong đó người lao động tự do làm việc cho các công ty hoặc cá nhân khác dựa trên hợp đồng ngắn hạn hoặc theo dự án. Mô hình này mang lại nhiều cơ hội linh hoạt cho người lao động, nhưng cũng tồn tại nhiều rủi ro và thách thức, chẳng hạn như thu nhập không ổn định và khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội. Việc nghiên cứu về mô hình kinh tế GIG là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với Việt Nam, một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về mô hình kinh tế GIG, đánh giá được những cơ hội và thách thức của mô hình này đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, từ đó có những chính sách và giải pháp phù hợp để phát huy các cơ hội và hạn chế các thách thức, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
2.1 Cơ sở lý thuyết
2.1.1 Khái niệm về nền kinh tế GIG
Kinh tế GIG trở thành đề tài đáng được quan tâm, thu hút sự tìm hiểu của rất nhiều nhà nghiên cứu. Tuy vậy, hiện chưa có bất kì một định nghĩa chính thức nào cho mô hình kinh tế này. Dưới đây là một vài định nghĩa khác nhau về kinh tế GIG.
Mô hình kinh tế GIG còn được gọi là gắn kết lỏng (hoặc kinh tế tạm thời). Mô hình này cũng có một số tên gọi khác, kể đến như: kinh tế chia sẻ (sharing economy), kinh tế tự do (freelance economy), kinh tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế theo nhu cầu (on-demand economy) hay kinh tế nền tảng (platform economy)... (A. Kalleberg và M. Dunn, 2016). Nền kinh tế GIG là tập hợp các thị trường kết nối các nhà cung cấp dịch vụ hay lao động tự do với người tiêu dùng trên cơ sở hợp đồng thuê (hoặc công việc) để hỗ trợ thương mại theo yêu cầu (ondemand commerce) (Vụ khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ, 2016). Nền kinh tế GIG (hay nền kinh tế GIG) được hiểu là nền kinh tế trong đó các nền tảng số được sử dụng để kết nối các dự án với từng người lao động hoặc một nhóm người lao động. (Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO, 2019). Nền kinh tế GIG là mô hình kinh tế sử dụng các nền tảng số để kết nối các lao động tự do/nhà thầu độc lập với khách hàng để cung cấp các dịch vụ ngắn hạn hoặc chia sẻ tài sản (Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF, 2021).
Như vậy, từ các định nghĩa trên cho thấy “Nền kinh tế GIG” được xác định ở hai khía cạnh: (1) tính chất việc làm tự do, linh hoạt, tạm thời, trong khoảng thời gian ngắn hoặc không xác định và (2) sử dụng nền tảng kỹ thuật số để kết nối các lao động tự do với khách hàng.
Trong số các định nghĩa được công bố, BEIS thuộc Chính phủ Vương quốc Anh đã đưa ra định nghĩa phản ánh đầy đủ nhất về 2 khía cạnh quan trọng của nền kinh tế GIG. BEIS cho rằng “Nền kinh tế GIG liên quan đến việc trao đổi lao động lấy tiền giữa các cá nhân hoặc các công ty thông qua các nền tảng kỹ thuật số, nhằm tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các nhà cung cấp và khách hàng, theo phương thức ngắn hạn và thanh toán theo nhiệm vụ”.
2.1.2 Khái niệm về phát triển kinh tế
Phát triển kinh tế (Economic development) là quá trình thay đổi theo hướng tiến bộ về mọi mặt của nền kinh tế, bao gồm sự thay đổi cả về lượng và về chất, là quá trình hoàn thiện cả về kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia (Vietnambiz, 2019). Phát triển kinh tế bao gồm hai nội dung cơ bản. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế như thể hiện sự gia tăng tổng thu nhập của nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người trong dài hạn (GDP). Thứ hai, các vấn đề xã hội được giải quyết theo hướng tốt hơn ví dụ thay đổi cơ cấu xã hội theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội. Điều này được đánh giá qua chỉ số HDI.
2.2 Các công trình nghiên cứu liên quan
Hiện nay, Việt Nam đã có khá nhiều các nghiên cứu liên quan đến mô hình kinh tế GIG như Nghiên cứu của Quỹ Hanns Seidel Việt Nam và Viện Khoa học Lao động và Xã hội của Bộ Lao Động Thương binh xã hội. Nghiên cứu này đề cập đến một số vấn đề về việc làm trong nền kinh tế việc làm tự do (nền kinh tế GIG) tại Việt Nam và phân tích trường hợp lái xe, giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình. Nghiên cứu về nền kinh tế GIG và cơ hội việc làm của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM. Nghiên cứu này có thể nghiên cứu các khía cạnh của nền kinh tế GIG ở Việt Nam, bao gồm tác động của nó đối với việc làm và kinh tế quốc gia. Nghiên cứu về công nhân tự do và việc làm tự do của Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Quốc tế (I-CEFI). Nghiên cứu này có thể tập trung vào hiểu rõ mô hình nền kinh tế GIG ở Việt Nam và tác động của nó đối với việc làm và nguồn lực nhân lực.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại một số khoảng trống nghiên cứu như Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa hay khái niệm cụ thể để xác định nhóm lao động này. Vì vậy, chưa có thống kê quốc gia, cũng như chưa có các nghiên cứu liên quan đến vấn đề việc làm và an sinh xã hội của họ nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời. Các nghiên cứu hiện nay chủ yếu tập trung vào phân tích tác động của mô hình GIG đến thị trường lao động. Song, vẫn còn thiếu các nghiên cứu về các tác động cụ thể của mô hình này đến người lao động, chẳng hạn như tác động đến thu nhập, mức sống, sức khỏe, an sinh xã hội,... Bài nghiên cứu sẽ tập trung giải quyết những vấn đề này.
2.3 Phương pháp nghiên cứu
Bài nghiên cứu sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính, tổng quan tài liệu thứ cấp, phân tích thống kê… Cụ thể, bài viết đã tổng hợp và khái quát các công trình, báo cáo nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, các bài báo, các văn bản pháp lý và các quy định liên quan đến mô hình kinh tế GIG, thực hiện khảo sát với đối tượng là người đang làm việc trong mô hình kinh tế này. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu cũng phân tích số liệu sơ cấp thông qua phương pháp thống kê mô tả nhằm xử lý kết quả khảo sát.

3. Kết quả và thảo luận
3.1 Thực trạng chung và đặc điểm người lao động tham gia nền kinh tế GIG
Nền kinh tế GIG tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 năm 2020-2021. Công nghệ số đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế GIG, cho phép mọi người chuyển từ việc sử dụng thời gian nhàn rỗi sang thời gian làm việc hiệu quả. Người lao động đã có thói quen không cần phải đến văn phòng để làm việc, thay vào đó, người lao động và công ty chủ yếu trao đổi công việc thông qua phương tiện kỹ thuật số, kết nối qua các trang mạng nhờ có sự phát triển bùng nổ của công nghệ. Vì vậy, họ được linh động về thời gian, môi trường cũng như số lượng công việc họ đảm nhận để tối đa hóa nguồn thu nhập. Điều này đã tạo nên sự phát triển của nền kinh tế GIG - nền kinh tế với các công việc phù hợp hơn với nhu cầu của thời điểm hiện tại và lối sống linh hoạt hiện nay. Do đó, nền kinh tế GIG tại Việt Nam đang có sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người lao động tham gia và các lĩnh vực hoạt động.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong diễn đàn khoa học được tổ chức vào 9/2023 với chủ đề “Nền kinh tế GIG, thực trạng và xu hướng phát triển” đã chỉ ra, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu lao động tham gia nền kinh tế GIG (Hiểu Anh, 2022). Theo dữ liệu vào tháng 12/2021 của Anphabe – một trang web cung cấp giải pháp tuyển dụng và tổ chức sự kiện nhân sự cho các công ty và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, có khoảng 53% người lao động trí thức tham gia vào nền kinh tế GIG (Vietnamnet, 2021). Các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế GIG rất đa dạng, bao gồm nhưng không giới hạn ở các ngành như truyền thông, giáo dục, vận chuyển, du lịch, giao hàng, và mua sắm trực tuyến,... Những người làm việc cho các công ty cung cấp dịch vụ này là một phần của nền kinh tế GIG (Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 2021). Tại Việt Nam, hiện nay chưa có số liệu điều tra chính thống và bao quát, toàn diện về những khía cạnh trong nền kinh tế GIG của các cơ quan, Chính phủ, do đó, Nhóm có thực hiện một khảo sát về những người hiện đang làm việc trong nền kinh tế GIG tại mọi lĩnh vực ở Hà Nội. Khảo sát chỉ ra, có 89% người lao động trong độ tuổi từ 18-35. Và 48% thuộc số đó coi thu nhập từ các công việc trong nền kinh tế GIG chiếm tới hơn một nửa và tổng mức thu nhập chính của họ. Ngoài ra, mô hình kinh tế GIG tại Việt Nam cũng có sự góp mặt của tất cả lao động thuộc nhiều giới tính, không phân biệt giữa nam và nữ. Tuy nhiên, mức độ tham gia của từng nhóm có sự khác biệt theo lĩnh vực, ngành nghề. Nữ giới chiếm đa số trong các nhóm ngành truyền thông (68%) và giáo dục (62%), thương mại (57%) và chiếm thiểu số trong nhóm ngành vận tải (10%), và ngược lại đối với nam giới.
Tuy nhiên, trở thành một phần của nền kinh tế GIG và theo đuổi con đường lao động tự do (Freelance) đi kèm với các thách thức như sự thay đổi trong chính sách Chính phủ, doanh nghiệp liên quan đến việc điều tiết, thuế, quyền lợi lao động, và bảo hiểm xã hội của người lao động làm việc trong nền kinh tế này. Liệu tính linh hoạt của nền kinh tế GIG có là “con hai lưỡi” đối với các chủ thể tham gia nền kinh tế GIG nói riêng và sự phát triển kinh tế tại Việt Nam nói chung? Nhóm sẽ phân tích cụ thể hơn trong các phần dưới đây.
3.2 Tác động của nền kinh tế GIG với sự phát triển kinh tế tại Việt Nam
3.2.1 Các khía cạnh đo lường sự tăng trưởng kinh tế
Thứ nhất, mô hình kinh tế GIG góp phần quan trọng trong việc cung cấp cơ hội việc làm giúp giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp cho nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế GIG ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của nền tảng điện toán đám mây, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong ASEAN cho phép thí điểm mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ kết nối vận tải từ năm 2014. Các nền tảng lao động số cũng đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ và các nhóm yếu thế. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển của kinh tế GIG, khi nhiều người lao động bị thất nghiệp hoặc mất việc làm đã chuyển sang làm việc tự do thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Kinh tế GIG tạo ra những tác động tích cực cho thị trường lao động, cụ thể giúp kết nối người lao động và người sử dụng lao động một cách nhanh chóng và hiệu quả, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, đặc biệt là các công việc bán thời gian, ngắn hạn. Bên cạnh đó, yêu cầu và thủ tục gia nhập thị trường lao động kinh tế GIG tương đối đơn giản, giúp các nhóm lao động yếu thế, như người có trình độ học vấn thấp, lý lịch không tốt, hoặc gặp khó khăn về sức khỏe, dễ dàng tiếp cận việc làm như các công việc liên quan đến vận tải (Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 2021). Khảo sát vào đầu năm 2022 của một công ty về giải pháp thương hiệu (với hơn 500.000 thành viên) cho thấy, có 14% nguồn nhân lực trí thức Việt Nam hiện là lao động tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian bên ngoài. Như vậy, hiện có tới 53% nguồn nhân lực trí thức tham gia vào nền kinh tế GIG (Phương Quỳnh, 2022).
Thứ hai, tần suất thu nhập của người lao động GIG ổn định ở mức vừa phải tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố liên quan như tuổi tác, ngành nghề, số lượng công việc, và các yếu tố khác nếu xét trong một thời gian dài. Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian trung bình người lao động GIG gắn bó với một công việc tại Việt Nam là 18 tháng. Trong đó, 30% người lao động GIG chỉ gắn bó với công việc dưới 12 tháng (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, 2022). Tuy nhiên ngược lại so với thời gian gắn bó công việc thì mức độ ổn định thu nhập nhìn chung khá tốt. Theo khảo sát của Nhóm nghiên cứu, cho thấy 55,3% người lao động GIG cho biết thu nhập của họ duy trì ổn định một cách đều đặn. Trong đó, 33,2% người lao động cho biết thu nhập của họ không thường xuyên, và 11,6% người lao động cho biết thu nhập của họ luôn luôn ổn định. Kết quả này cho thấy mức độ ổn định thu nhập của người lao động GIG có sự khác nhau rõ rệt. Xuất phát từ việc thu nhập của lao động GIG phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ phức tạp/trình độ yêu cầu của nhiệm vụ/công việc, phụ thuộc vào số lượng công việc hay phụ thuộc vào thời gian làm các nhiệm vụ, hơn nữa khối lượng công việc và tính chất công việc của họ cũng không giống nhau dẫn đến việc thu nhập họ có thể không ổn định trong nhiều thời điểm. Tuy nhiên, vì được tự do làm nhiều việc cùng một lúc, thu nhập của người lao động GIG vẫn luôn đảm bảo các khoản chi tiêu cơ bản của họ.
Thứ ba, nền kinh tế GIG giúp người lao động tối đa hoá nguồn thu nhập của mình, nhưng có sự phân hoá khá lớn. Theo khảo sát của Nhóm, thu nhập trung bình của người lao động GIG tại Việt Nam là từ 5 triệu - 10 triệu đồng/tháng, chiếm 45,5% trong số lượng người khảo sát, có khoảng 26% người lao động có thu nhập trung bình trên 20 triệu/tháng, 27,5% có thu nhập trong mức từ 10 triệu - 20 triệu/tháng. Có thể thấy rằng, thu nhập của người lao động GIG hiện có sự phân hóa khá lớn. Những người lao động có thu nhập thấp thường là những người mới tham gia nền kinh tế GIG, hoặc làm việc trong các lĩnh vực có yêu cầu đầu vào thấp, trung bình, như vận tải,... Những người lao động có thu nhập cao thường là những người có kỹ năng và kinh nghiệm, hoặc là những người làm việc trong các lĩnh vực có nhu cầu cao, như công nghệ, truyền thông và thương mại. Hiện tại, Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức về nền kinh tế GIG nên khó lượng hóa đóng góp của kinh tế GIG tới tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, có thể nhận thấy các nền kinh kinh tế GIG giúp người lao động gia tăng thu nhập và đa dạng nguồn thu nhập.
Thứ tư, về dài hạn thu nhập dài hạn và lương hưu, người lao động GIG không chắc chắn và bất ổn định. Theo Khảo sát của Nhóm nghiên cứu đối với vấn đề lương hưu chỉ ra rằng người lao động GIG có nhiều nguồn có thể là lương hưu sau này của họ. Theo đó, có khoảng 80% người lao động GIG có thể đa dạng hóa nguồn lương hưu của mình bằng nhiều cách như từ tiền tiết kiệm, đầu tư vào các mảng khác hay từ thu nhập của một công việc ổn định hơn. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 20% trong tổng số người lao động chưa nghĩ đến vấn đề này. Điều này cho thấy người lao động GIG chấp nhận việc có thu nhập không ổn định và không chắc chắn về tương lai nhưng họ vẫn có thể tích luỹ dựa trên những nguồn thu nhập họ có. Do tính chất các công việc GIG dựa vào thị trường và yếu tố bên ngoài như sự biến động của nhu cầu và cạnh tranh trong ngành, làm cho thu nhập của người lao động GIG trở nên không chắc chắn. Hơn thế nữa, người lao động GIG thường không có quyền lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hoặc kế hoạch tiết kiệm hưu trí do công ty cung cấp. Điều này dẫn đến sự khó khăn về tài chính trong trường hợp khẩn cấp hoặc khi họ cần hỗ trợ. Mặt khác, nhiều người lao động xem các công việc nền kinh tế GIG như một công cụ để kiếm thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi bên cạnh công việc chính thức.
3.2.2 Các khía cạnh đo lường chỉ số phát triển con người (HDI)
Thứ nhất, về khía cạnh sức khoẻ, người lao động GIG có mức độ hài lòng và hạnh phúc cao khi làm việc. Lợi ích kinh tế chính của nền kinh tế GIG là sự linh hoạt đối với những bên tham gia vào mô hình này, đặc biệt người lao động. Họ có thể tận dụng sự linh hoạt từ thời gian, địa điểm làm việc và số lượng công việc được làm đồng thời để tối đa hoá nguồn thu nhập của mình. Nghiên cứu của Cisco đã chỉ ra, 89% người lao động tại Việt Nam cho biết họ hạnh phúc hơn khi có thể làm việc từ bất cứ đâu và thời gian làm việc tự do đã cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho 88% người lao động tại Việt Nam (VTV, 2022). Bên cạnh đó, người lao động sẽ không phải chịu sự bóc lột có thể “mang tính chủ đích” từ các doanh nghiệp như hình thức của các công việc truyền thống, đặc biệt là đối tượng sinh viên muốn đi làm thêm hoặc mới ra trường. Họ có thể tránh được các vấn đề phát sinh trong môi trường làm việc có dấu hiệu “độc hại”, được biểu hiện bởi: tỷ lệ thôi việc trong doanh nghiệp cao, lãnh đạo bảo thủ và không ủng hộ nhân viên phát triển, thường cảm thấy bị thao túng tâm lý để bóc lột sức lao động và phải làm thêm giờ OT không công thường xuyên,...(Huy Phương, 2023).
Theo khảo sát của Nhóm nghiên cứu, người lao động trong nền kinh tế GIG cũng có mức độ hài lòng khá cao về các khía cạnh trong công việc:

hinh-1-1699606402.png

Mức độ hài lòng, hạnh phúc trong công việc của người lao động GIG có thể giúp người lao động giảm mức độ căng thẳng khi làm việc xuống thấp hơn, điều này có thể việc đảm bảo cả sự ổn định trong sức khoẻ tinh thần cho người lao động.
Tuy nhiên, sự linh hoạt từ môi trường, thời gian làm việc, khối lượng công việc và các khía cạnh khác trong nền kinh tế GIG có thể phá vỡ cân bằng giữa cuộc sống và công việc của người lao động và ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe thể chất. Theo khảo sát của Nhóm nghiên cứu, có khoảng 70% người lao động cảm thấy gặp khó khăn khi cân bằng giữa công việc và cuộc sống do 84,3% trong số đó thường phải thức khuya làm việc và khoảng 79,7% có chế độ ăn uống không lành mạnh khi làm việc trong nền kinh tế GIG. Với đặc trưng của sự linh hoạt của hợp đồng ngắn hạn, người lao động trong nền kinh tế GIG có thể phá vỡ sự cân bằng giữa cuộc sống - công việc giống như những người lao động truyền thống. Người lao động GIG thường phải làm việc theo ca, không theo giờ giấc cố định khiến họ khó ngủ nghỉ và ăn uống điều độ theo đúng chế độ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và các hoạt động hàng ngày. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức thể chất của họ.
Thứ hai, về khía cạnh tri thức, nền kinh tế GIG là một bước đột phá để người lao động có thể thoải mái kiếm tiền từ niềm đam mê và tài năng của họ, chủ động học hỏi, phát triển tri thức cá nhân. Các công việc trong nền kinh tế GIG thường dành cho những ai đam mê sự thử thách, không thích ổn định và bị giới hạn. Để làm được điều đó, những người lao động GIG phải chủ động trau dồi kiến thức, kỹ năng cũng như trình độ của mình thường xuyên. Với những người sáng tạo nghệ thuật hay làm trong lĩnh vực đề cao sự sáng tạo như Marketing, đảm nhiệm các vị trí cần sự đổi mới không ngừng nghỉ như Creative, Content Creators, Designers,... thường kiếm tiền dựa trên số thành phẩm họ có thể tạo ra mà đạt được các yêu cầu mà các doanh nghiệp bên ngoài cần. Do đó, người lao động thường tự chủ động theo học các khóa học qua mạng hoặc qua các nền tảng khác như BrandVietnam, Coursera, Udemy,... để nâng cao khả năng của mình, giúp bản thân trở thành các nhân sự chất lượng cao. Theo bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc Công ty Tư vấn Nhân sự Talentnet, có 2 nhóm freelancer chất lượng cao hiện nay mà các doanh nghiệp có thể chú ý: Nhóm “freelancer cố vấn”, thường bao gồm những nhân sự thuộc nhóm nhân khẩu Gen X. Họ có thể là các chuyên gia sắp hoặc đang bước vào giai đoạn nghỉ hưu nhưng vẫn muốn cống hiến. Với kinh nghiệm, kỹ năng được tích lũy trong nhiều năm làm việc, nhóm nhân sự cấp cao này có thể trở thành nhóm tư vấn cấp cao dài hạn, giúp doanh nghiệp hoạch định chính sách và đào tạo chuyên sâu. Nhóm “freelancer chuyên môn”, phần lớn thuộc nhóm nhân khẩu Gen Y, Gen Z - thế hệ khá trẻ hiện nay. Đây là nhóm freelancer có năng lực chuyên môn cao, có thể xử lý khối lượng công việc phức tạp và chuyên môn hóa cao, là “ngôi sao” được nhiều doanh nghiệp săn đón cho các dự án lớn, cần tính linh hoạt khi làm việc (Hoàng Kim, 2023).
Vì tính linh hoạt, người lao động trong nền kinh tế GIG còn được tự do thử các công việc mới nên họ sẽ có thể nâng cao các kỹ năng sẵn có và trải nghiệm các kỹ năng mới khi làm việc trong nhiều lĩnh vực đồng thời. Theo khảo sát của Nhóm nghiên cứu, các kỹ năng mà người lao động có thể nâng cao khi làm việc trong nền kinh tế GIG bao gồm: các kỹ năng mềm, kỹ năng tra cứu thông tin, kỹ năng sử dụng công nghệ thành thạo, kỹ năng quản lý thời gian,... và các kỹ năng khác.

hinh-2-1699606546.png

Dựa trên các phân tích phía trên, nền kinh tế GIG là cơ hội làm việc mới và là xu hướng tất yếu cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Kinh tế GIG đã và đang mang lại nhiều các cơ hội việc làm mới, với các ưu điểm được thừa nhận là phù hợp với bối cảnh hiện đại: là tính linh hoạt, độc lập, đa dạng, dễ tiếp cận… Tuy nhiên, dưới góc độ thực tiễn, nhiều rủi ro liên quan đến tính minh bạch trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, khách hàng, công ty sở hữu nền tảng cũng như những tác động lâu dài đối với các chủ thể liên quan trong nền kinh tế GIG và đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung. Cùng với sự phát triển của công nghệ số, khả năng làm việc trực tuyến ngày càng thuận tiện hơn chắc chắn cũng sẽ dẫn đến nhiều người tham gia làm việc theo phương thức này, đồng nghĩa với việc kinh tế GIG sẽ góp phần không nhỏ vào nền kinh tế chung của Việt Nam.
4. Kết luận và một số kiến nghị giải pháp
Từ các phân tích trên, có thể thấy mô hình kinh tế GIG đang phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mô hình này mang lại nhiều cơ hội cho các bên tham gia. Tuy nhiên, mô hình kinh tế GIG cũng tồn tại nhiều rủi ro và thách thức, có thể dẫn đến “bẫy” việc làm cho người lao động cũng như một số khó khăn dành cho các doanh nghiệp, Nhà nước trong việc quản lý và đảm bảo lợi ích cho các bên. Để phát triển hiệu quả mô hình này, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, khuyến khích những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực đang tồn đọng, cụ thể:
Đối với các doanh nghiệp và người lao động, cần xây dựng chính sách và quy trình việc làm rõ ràng, minh bạch bao gồm các vấn đề như trách nhiệm, quyền lợi, thù lao, và cách thức đánh giá hiệu quả công việc cũng như tạo môi trường làm việc hấp dẫn bao gồm các yếu tố như cơ hội phát triển nghề nghiệp và các sự hỗ trợ khác. Mặt khác, người lao động cũng cần chủ động tìm hiểu và nắm vững các quy định về lao động, lưu giữ các bằng chứng liên quan đến công việc. Bên cạnh đó, cần quản lý thời gian hiệu quả, chú trọng chăm sóc sức khỏe và cân bằng cuộc sống. Ngoài ra, cần đầu tư vào việc học hỏi và phát triển kỹ năng cá nhân để trở thành một ứng viên GIG có năng lực cao.
Đối với Nhà nước, để nâng cao quản lý thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế theo mô hình GIG, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như điều chỉnh các quy định liên quan đến thuế và quản lý thuế trong khuôn khổ kinh tế GIG. Tiếp đến, cần định rõ các loại hình kinh doanh thuộc kinh tế GIG và thiết lập quy định pháp lý để đảm bảo tính công bằng về các nghĩa vụ tài chính khác đối với những người cung cấp dịch vụ kết nối. Thứ hai, cần thu thập thông tin về người nộp thuế tham gia vào kinh tế GIG và tăng cường giám sát các trang web cung cấp dịch vụ, cũng như cần thúc đẩy trao đổi thông tin thuế với các nước khác để quản lý các giao dịch quốc tế. Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế đối với các chủ thể tham gia nền kinh tế GIG. Ngoài ra, cần xem xét đến nhóm giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động như: thiết lập quan hệ làm việc giữa các chủ thể tham gia nền kinh tế GIG; tăng cường sự tham gia của tổ chức đại diện của lao động GIG và khuyến khích công đoàn và hiệp hội hỗ trợ họ trong việc đàm phán tập thể, cung cấp dịch vụ pháp lý, và đại diện trong các vụ kiện có thể xảy ra; tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của lao động GIG, đặc biệt về việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và nhân thọ để đảm bảo tài chính cho tuổi già.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Arnel, K. and Michael, D. (2016). Good Jobs, Bad Jobs in the GIG Economy. Perspectives on work, The University of North Carolina at Chapel Hill.

2. Report of Department for Business, Energy and Industrial Strategy (2018). The characteristics of those in the GIG economy.

3. Sarah, A. Donovan, Bradley and Shimabukuro (2016). ‘What Does the GIG Economy Mean for Workers’. Congressional Research Service, 7-5700.

4. Sprague, R. (2015). ‘Worker (Mis)Classification in the Sharing Economy: Trying to Fit Square Pegs in Round Holes’. Organizations & Markets: Policies & Processes eJournal, n. pag.

A, Pham., Atherton J., Nguyen H., Nguyen P., Tran T., and Hajkowicz, S. (2019). Tương lai nền kinh tế số Việt Nam – Hướng tới năm 2030 và 2045. CSIRO, Brisbane.

5. Báo điện tử VTV (2022). Phần lớn người lao động hạnh phúc hơn khi có thể làm việc từ bất cứ đâu, <https://vtv.vn/cong-nghe/phan-lon-nguoi-lao-dong-hanh-phuc-hon-khi-co-the-lam-viec-tu-bat-cu-dau-20220521135454871.htm>

6. Chu Thị Hoa (2021), Báo cáo chuyên đề “Nền kinh tế GIG – Một số vấn đề pháp lý đặt ra”, Hội thảo “Nền kinh tế GIG – Một số vấn đề pháp lý đặt ra” do HSF và Bộ Tư pháp tổ chức.

7. Đào Trung Thành (2020). Kinh tế GIG là xu hướng tất yếu, <https://viettimes.vn/kinh-te-GIG-la-xu-huong-tat-yeu-post140903.html>

8. Hiếu Anh (2022). Hơn 7 triệu lao động tham gia nền kinh tế GIG, <https://laodong.vn/kinh-doanh/hon-7-trieu-lao-dong-tham-gia-nen-kinh-te-GIG-1092355.ld>

9. Hoàng Kim (2023). Freelancer chất lượng cao: Chìa khóa bổ sung nguồn lực cho doanh nghiệp?, <https://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/freelancer-chat-luong-cao-chia-khoa-bo-sung-nguon-luc-cho-doanh-nghiep-3352176/>

10. Huy Phương (2023). 9 dấu hiệu của môi trường làm việc độc hại, <https://vnexpress.net/9-dau-hieu-cua-moi-truong-lam-viec-doc-hai-4611347.html>

11. ILSSA (2021). MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VIỆC LÀM TRONG NỀN KINH TẾ VIỆC LÀM TỰ DO (NỀN KINH TẾ GIG) TẠI VIỆT NAM: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP LÁI XE/GIAO HÀNG CÔNG NGHỆ VÀ GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH.

12. Luật sư Nguyễn Văn Dương (2023). Nền kinh tế GIG là gì? Phân tích ưu điểm và hạn chế của nền kinh tế GIG, <https://luatduonggia.vn/nen-kinh-te-GIG-la-gi-phan-tich-uu-diem-va-han-che-cua-nen-kinh-te-GIG/#2_Phan_tich_nhung_uu_diem_va_han_che_cua_nen_kinh_te_GIG>

13. Marion McGovern (2017). Nền kinh tế tự do, NXB Lao động.

14. Nguyễn Thị Hằng (2022). ‘Tác động của nền kinh tế GIG đối với người lao động Việt Nam’. Tạp chí nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông số 12 (208) tháng 12 năm 2022.

15. Phạm Hoài Nhân (2020). Nền kinh tế GIG Phải chăng là xu thế làm việc mới?, <http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202002/nen-kinh-te-GIG-phai-chang-la-xu-the-lam-viec-moi-2988275/>

16. Phương An (2023). Gia tăng xu hướng việc làm theo yêu cầu trên nền tảng trực tuyến, <https://bnews.vn/gia-tang-xu-huong-viec-lam-theo-yeu-cau-tren-nen-tang-truc-tuyen/305814.html>

17. Phương Quỳnh (2022). Freelancer: xu hướng việc làm hay trào lưu?, <https://tuoitre.vn/freelancer-xu-huong-viec-lam-hay-trao-luu-20220924084724085.htm>

18. PGS. TS. HÀ QUANG THỤY, PGS. TS. PHAN XUÂN HIẾU, PGS. TS. NGUYỄN TRÍ THÀNH, TS. TRẦN TRỌNG HIẾU, TS. TRẦN MAI VŨ (2020). Kinh tế số: Bối cảnh thế giới và liên hệ với Việt Nam”, <https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/kinh-te-so-boi-canh-the-gioi-va-lien-he-voi-viet-nam-70275.htm>

19. Saigon Office (2022). GIG ECONOMY LÀ GÌ? NGÀNH NGHỀ TRONG NỀN KINH TẾ TỰ DO, <https://saigonoffice.com.vn/GIG-economy-nen-kinh-te-lam-viec-tu-do.html>

20. Tạp chí Kinh tế và Dự báo (2021). Bàn về vấn đề việc làm và người lao động trong nền kinh tế GIG, <https://kinhtevadubao.vn/ba-n-ve-va-n-de-vie-c-la-m-va-nguo-i-lao-do-ng-trong-ne-n-kinh-te-GIG-19314.html>

21. Vĩnh Hà (2022). Nền kinh tế GIG: Thực trạng và xu hướng phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, <https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Nen-kinh-te-GIG-Thuc-trang-va-xu-huong-phat-trien-1379>

22. VnExpress (2019). Freelancer tháng kiếm trăm triệu đồng chỉ dành cho ai đam mê không giới hạn, <https://vnexpress.net/freelancer-thang-kiem-tram-trieu-dong-chi-danh-cho-ai-dam-me-khong-gioi-han-3958301.html>