Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại tại Thanh Hóa - Tiềm năng và Thách thức

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nền nông nghiệp hiện đại đã trở thành xu thế tất yếu. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng một nền nông nghiệp thông minh đang gặp không ít khó khăn, thách thức.
nongnghiephiendai-1725763910.jpg
Mô hình trồng rau củ quả trong nhà màng nhà lưới tại Thanh Hóa đang đem lại hiệu quả kinh tế cao (ảnh minh họa).

Lợi thế lớn về tài nguyên

Tại Thanh Hóa, một trong những tỉnh có diện tích nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đang từng bước chuyển mình để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Với địa hình đa dạng, từ vùng đồng bằng phù sa màu mỡ đến vùng trung du và miền núi, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tạo ra giá trị kinh tế bền vững cho người dân.

Bên cạnh đó, xứ Thanh có khí hậu thuận lợi cho nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa, mía, rau quả và cây ăn quả. Đồng thời, tỉnh cũng sở hữu nguồn nước dồi dào từ sông Mã, sông Chu cùng với hệ thống thủy lợi phong phú. Nhờ đó, Thanh Hóa có điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và ban hành chính sách, cơ chế riêng để khuyến khích, hỗ trợ người dân sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Quyết định 271/2011/QĐ-UBND; cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 151/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015; Quyết định số 5643/QĐ-UBND tỉnh về hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020... Hiện đã có 575 trang trại chăn nuôi được đầu tư xây dựng, hình thành tư duy phát triển cho người dân và mở ra hướng phát triển chăn nuôi hiệu quả hơn; 34 khu trang trại tập trung quy mô lớn được đầu tư. Từ đó, đã tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các khu trang trại tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đã góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp như: Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND ngày 16/10/2019 về chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025; Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025...

Ngay sau khi các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ban hành, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực tuyên truyền các nội dung của các nghị quyết, chính sách thông qua nhiều hình thức để người dân tiếp cận.

Theo đó, chính sách hỗ trợ phát triển vùng rau an toàn tập trung đã hỗ trợ cho 45 tổ chức, cá nhân sản xuất 247,5 ha rau an toàn tập trung; xây dựng 582.349m2 nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn; hỗ trợ làm đường lâm nghiệp cho 4.400 ha vùng trồng rừng sản xuất tập trung; hỗ trợ hạ tầng cho 6 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung; thực hiện hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền, thiết kế bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP...

Nhờ tích tụ tập trung đất đai đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện liên kết sản xuất, hình thành các mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu, dưa lưới... cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm; trồng cây ăn quả tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Vĩnh Lộc... cho thu nhập 500 triệu đồng/ha; chuyển đổi đất muối, đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao đã mang lại thu nhập từ 1 tỷ đồng/ha/năm trở lên...

Nhiều dự án hợp tác công-tư đã được thực hiện, với sự tham gia của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học, tạo nên môi trường thuận lợi để phát triển nông nghiệp thông minh. Đồng thời, việc xây dựng các khu công nghệ cao chuyên về nông nghiệp tại các huyện, xã cũng được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Nhiều khó khăn vướng mắc

Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, việc phát triển nông nghiệp hiện đại tại Thanh Hóa vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khiến cho việc ứng dụng công nghệ và cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của người dân về nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, cần có thêm nhiều chương trình đào tạo, hướng dẫn để nâng cao kiến thức và kỹ năng.

nongnghiephiendai1-1725764071.jpg
Hệ thống tưới nước tự động được áp dụng nhiều tại tỉnh Thanh Hóa.

Thị trường tiêu thụ cũng là một yếu tố cần xem xét. Việc đảm bảo đầu ra ổn định và giá cả hợp lý cho nông sản sạch là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Chính quyền tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu nông sản của Thanh Hóa.

Ngoài ra, hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng, và các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi sự đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống tưới tiêu hiện đại, kho lạnh bảo quản nông sản, và các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư công vào hạ tầng nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn với nhiều ưu thế. Mặt khác, trong quá trình thực hiện định hướng, lộ trình phát triển, tỉnh Thanh Hóa luôn dành cho nông nghiệp sự quan tâm đặc biệt.

Tuy nhiên, việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại ở địa phương vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Chi phí ban đầu để đầu tư vào công nghệ hiện đại như nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động, và các thiết bị công nghệ cao khá lớn, khiến nhiều nông dân và doanh nghiệp gặp khó”.

Ngoài ra, việc tiếp cận công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật và công nghệ sinh học, cũng gặp trở ngại do thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đa số nông dân còn quen thuộc với các phương pháp canh tác truyền thống, thiếu kiến thức và kỹ năng để áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Việc đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực trẻ có chuyên môn về công nghệ nông nghiệp, còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, và xâm nhập mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của Thanh Hóa. Việc thiếu các biện pháp ứng phó kịp thời và phù hợp với biến đổi khí hậu cũng làm giảm năng suất và chất lượng nông sản, gây thiệt hại kinh tế cho người nông dân.

Kết hợp giữa tiềm năng sẵn có và chiến lược phát triển đúng đắn, Thanh Hóa có thể trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại tại Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước./.

Hà Khải