"Xanh hóa" ngành dệt may

Với việc "xanh hóa", ngành dệt may được cho là sẽ có lợi thế hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2022, dự báo tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Song, tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU... đã mở cửa trở lại, đặc biệt là Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, cùng với các ngành kinh tế khác, ngành dệt may Việt Nam đang nỗ lực để “xanh hóa” trong sản xuất, giảm phát thải ra môi trường.

Do phát thải khí CO2 trong quá trình sản xuất, ngành thời trang toàn cầu là một trong những nguyên nhân tác động đến biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các cam kết toàn cầu và yêu cầu pháp luật của châu Âu, trong đó có Luật Thẩm định doanh nghiệp Đức có hiệu lực vào năm 2023, đang gia tăng áp lực lên các nhãn hàng và công ty đa quốc gia do yêu cầu phải nhận diện, ngăn chặn, giảm nhẹ và chịu trách nhiệm các rủi ro môi trường và xã hội trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là lý do tại sao nhiều thương hiệu thời trang và nhà sản xuất dệt may nổi tiếng đã đặt ra các mục tiêu liên quan đến khí hậu và môi trường.

xanh-1653227688.jpg

Ngành dệt may Việt Nam đang nỗ lực để “xanh hóa” trong sản xuất, giảm phát thải ra môi trường (Ảnh: Bộ Công Thương).

“Xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà DN bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Cụ thể hơn về “xanh hóa” ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas, cho biết, các nhãn hàng đánh giá sự phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của DN về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu. Trong các FTA thế hệ mới cũng đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để DN hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín và thương hiệu của DN đối với người tiêu dùng.

“Xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà DN bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký FTA. Nhìn nhận vấn đề "xanh hóa” từ rất sớm và với nỗ lực “xanh hóa” trong nhiều năm qua, dệt may Việt Nam đang tranh thủ sự ủng hộ từ nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ triển khai chiến lược này với các hoạt động cụ thể như tập huấn, đào tạo, hỗ trợ các giải pháp xử lý môi trường...”, ông Cẩm nói.

Anh Vân (t/h)