Hà Nội: Mở rộng thí điểm bán vé điện tử trên các tuyến xe buýt

Hệ thống vé điện tử xe buýt liên thông đa phương thức ngoài việc thực hiện bán vé và soát vé nhanh chóng, thuận tiện còn là giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và người tham gia giao thông cộng cộng.
ha-noi-mo-rong-thi-diem-ban-ve-xe-buyt-thong-minh-1715128626.jpg
Hành khách có thể đăng ký vé, mua vé xe buýt, thanh toán online (qua website, qua app mobile) hoặc trực tiếp tại các quầy vé.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Sở Giao thông vận tải, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội thực hiện triển khai thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức cho xe buýt trên địa bàn thành phố.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội vừa tiếp tục mở rộng thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức trên 10 tuyến buýt: 04, 05, 17, 22 (A, B,C), 23, 33, 50, 90, 105, 106.

Như vậy đến thời điểm này, tổng số tuyến thí điểm hệ thống vé điện tử là 25 tuyến (24 tuyến xe buýt thường và 1 tuyến buýt nhanh BRT). Tổng số vé điện tử đã phát hành là trên 18.362 thẻ. Tổng lượng hành khách sử dụng vé điện tử là gần 10 triệu lượt.

Dự kiến sau khi kết thúc thời gian thí điểm, Hà Nội sẽ đánh giá giai đoạn thí điểm và đề xuất triển khai vé điện tử trên toàn hệ thống mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố.

Theo phương án thí điểm, hành khách có thể đăng ký vé, mua vé online vật lý (thẻ chip) hoặc thẻ vé áo (thẻ phi vật lý) qua website, qua APP mobile hoặc trực tiếp tại các quầy vé. Hệ thống chấp nhận nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR code…

Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thẻ vé điện tử là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và người tham gia giao thông cộng cộng. Hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức ngoài việc thực hiện bán vé và soát vé nhanh chóng, thuận tiện còn đáp ứng các yêu cầu quản lý điều hành mạng lưới tuyến, cho phép tạo ra cơ chế vé linh hoạt để thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Thông qua việc thí điểm này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ xác định giải pháp, phương án kỹ thuật, công nghệ làm cơ sở hình thành hệ thống vé liên thông trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh việc sử dụng vé điện tử giải quyết được nhiều bất cập, trong đó có tiết giảm kinh phí ngân sách nhà nước thông qua việc không sử dụng nhân viên phục vụ. "Tính riêng 132 tuyến xe buýt trợ giá với 2.034 xe sẽ có lộ trình tiết giảm khoảng 4.000 nhân viên phục vụ, giảm số tiền lớn cho ngân sách. Theo tính toán của chúng tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 300 tỷ đồng ngân sách mỗi năm", ông Thường nói.

Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn. Toàn thành phố có 2.034 xe buýt, trong đó 277 xe sử dụng năng lượng sạch.

Giai đoạn 2015-2019 mỗi năm ngân sách nhà nước trợ giá cho xe buýt khoảng 1.370 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2022 mức trợ giá tăng lên 2.230 tỷ đồng/năm, riêng năm 2022 là gần 3.000 tỷ đồng; năm 2023 dự kiến 2.750 tỷ đồng./.

Trường Giang