Xanh hoá bao bì: Xu hướng tất yếu trong sản xuất thực phẩm

Bao bì thực phẩm là một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp thực phẩm, vì nó không chỉ bảo vệ và bảo quản thực phẩm, mà còn tạo ra sự thu hút và nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. Xanh hóa bao bì thực phẩm là một xu hướng ngày càng phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra những lợi ích to lớn đối với cả người tiêu dùng và hệ sinh thái.
1-1715085161.jpg
Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội thảo.

Nhằm cung cấp thông tin về kiểm soát chất lượng bao bì thực phẩm, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm và các xu hướng bền vững trong ngành bao bì, ngày 7/5/2024 Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng đã tổ chức Hội thảo “Bao bì thực phẩm - Kiểm soát chất lượng và nắm bắt xu hướng”.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp được cập nhật thông tin về xu hướng bao bì xanh và vật liệu bền vững cho thực phẩm, tầm ảnh hưởng của xu hướng tiêu dùng xanh trong việc lựa chọn nguyên liệu bao bì, và cách quản lý chất lượng bao bì, nhãn mác thông qua chứng nhận hệ thống quản lý hóa chất ZDHC trong sản xuất bao bì, vật liệu tiếp xúc thực phẩm.

Hiện nay, xu hướng tăng trưởng xanh đang dần trở thành tiêu chuẩn mới trong việc phát triển kinh tế trên toàn cầu, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Xanh hóa bao bì thực phẩm không chỉ là một xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Các doanh nghiệp hiện nay tập trung vào việc sử dụng vật liệu bao bì thân thiện với môi trường, dễ tái chế, và đồng thời phải đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc ITPC chia sẻ: “Xanh hóa bao bì không chỉ đơn thuần là theo xu hướng mà phần quyết định nằm ở nỗ lực của các doanh nghiệp. Việc lựa chọn vật liệu bao bì cho sản phẩm đồ uống đã được các doanh nghiệp đặt lên bàn cân tính toán, làm sao đảm bảo được chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế cao nhất. Theo đó, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo và áp dụng nhiều giải pháp khác nhau trong sản xuất bao bì. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vốn, thời gian, công sức và nâng cao trình độ nhân lực”.

2-1715085197.jpg
Ông Lý Hoàng Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng phát biểu tại Hội thảo.

Ngoài ra, bao bì thân thiện với môi trường còn mang lại lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng. Việc sử dụng các vật liệu tự nhiên hoặc không gây hại cho sức khỏe giúp người tiêu dùng tránh được các chất hóa học độc hại có thể được thải ra từ bao bì nhựa truyền thống. Đặc biệt, khi sử dụng bao bì sinh học phân huỷ, người tiêu dùng còn có thể tham gia vào quá trình tái chế và tái sử dụng, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và hỗ trợ chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững.

Kiểm nghiệm bao bì thực phẩm là một bước quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm và tuân thủ các quy định pháp lý. Các loại bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại như bisphenol A, phthalate, kim loại nặng và formaldehyde, đều là mối nguy tiềm ẩn với sức khỏe con người. Các quy định yêu cầu doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu bao bì thực phẩm phải kiểm nghiệm và công bố chất lượng trước khi đưa vào sử dụng.

Đến thời điểm hiện tại, các tiêu chuẩn và quy định quan trọng trong kiểm nghiệm bao bì thực phẩm bao gồm: QCVN 12-4:2015/BYT cho bao bì thủy tinh và gốm sứ; QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYT, QCVN 12-3:2011/BYT cho bao bì nhựa, kim loại, cao su; và TCVN 12723:2019 cho giấy và các tông; hoặc các quy định quốc tế như Quy định (EU) 10/2011 về vật liệu nhựa, FDA 21 CFR 177.1520 của Mỹ cùng các quy định khác.

Ông Lý Hoàng Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng chia sẻ: “Mỗi ngày, hàng tấn rác thải bao bì thực phẩm được thải ra môi trường, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nạn ô nhiễm môi trường do rác thải bao bì thực phẩm đang là một vấn đề nhức nhối, đòi hỏi giải pháp cấp bách. “Xanh hóa” bao bì thực phẩm là xu hướng sử dụng bao bì thân thiện với môi trường đang được xem là giải pháp tiềm năng cho tương lai bền vững”.

3-1715085248.jpg
Hội thảo “Bao bì thực phẩm - Kiểm soát chất lượng và nắm bắt xu hướng” diễn ra ngày 7/5/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.

“Xanh hóa bao bì thực phẩm là một xu hướng ngày càng phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra những lợi ích to lớn đối với cả người tiêu dùng và hệ sinh thái. Bằng cách sử dụng các vật liệu tái chế, tái sử dụng hoặc sinh học phân huỷ, các loại bao bì xanh giúp giảm lượng rác thải nhựa, cắt giảm lượng khí thải và nước tiêu tốn trong quá trình sản xuất, cũng như giảm thiểu tiêu thụ năng lượng”, ông Lý Hoàng Hải chia sẻ thêm.

Thông qua Hội thảo này, ITPC mong muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và bao bì tiếp cận những kiến thức mới nhất về kiểm soát chất lượng và xu hướng xanh hóa, đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi những biện pháp bền vững trong sản xuất bao bì, từ đó thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu bao bì thân thiện với môi trường và nâng cao ý thức về kinh tế tuần hoàn trong ngành thực phẩm./.

Đạm Quang Lê