Vụ hai học sinh ở Thanh Hóa ngộ độc: Trách nhiệm không chỉ riêng ai

Trong những ngày qua, dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt đến vụ hai học sinh ở Thanh Hóa bị ngộ độc phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Kèm theo đó là sự hoài nghi, lo lắng khi thực phẩm "bẩn” vẫn ngang nhiên tồn tại.
trach-nhiem-khong-chi-rieng-ai-1-1705850327.jpg
Hai học sinh ở Thanh Hóa bị ngộ độc, giờ vẫn đang trong tình trạng nguy kịch

Đã đến lúc phải lên tiếng

Mới đây, hai cháu học sinh ở Thanh Hóa bị ngộ độc khi ăn bim bim vòi rồng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch khiến dư luận hoang mang lo lắng. Theo đó, ngày 14/1, có 4 cháu nhỏ gồm Cao Văn Th. (SN 2014), Đỗ Trọng C. (SN 2018), Đỗ Trọng D. (SN 2013) và Lê Tiến Đ. (SN 2011), cùng trú xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, đến quán tạp hóa ở thôn Bích Phương mua một gói bim bim khoai tây và một gói rơm cay Vòi Rồng để ăn.

Đến 17h cùng ngày, cháu Cao Văn Th. và cháu Đỗ Trọng C. có biểu hiện lên cơn co giật, người lịm dần, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân cấp cứu. Sau đó, hai cháu được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Hiện các cháu vẫn chưa qua khỏi cơn nguy kịch. Hiện công an đã vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ.

Đáng nói, đây chỉ là một trong những hàng nghìn vụ bị ngộ độc thực phẩm trong năm vừa qua. Theo thống kê, năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, tăng gấp nhiều lần so với năm 2022, 54 vụ ngộ độc, thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, có 18 người tử vong.

Phần lớn những nạn nhân của các vụ ngộ độc đều là học sinh và công nhân lao động tại các công ty. Nguyên nhân được cho là dùng những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.

Trong khi các ngành chức năng đang nỗ lực tốt việc “đánh chặn”, xử lý nhiều vụ vi phạm, thì nhiều người dân vẫn thờ ơ, thấy lợi ích trước mắt mà từng bước “đầu độc” chính con em mình. Theo số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 toàn ngành Y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỉ đồng; Ngành nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở, xử phạt hành chính hơn 1.600 cơ sở với hơn 14,4 tỉ đồng. Ngành công thương kiểm tra hơn 8.300 vụ, xử lý hơn 6.770 vụ việc vi phạm, xử phạt 36,3 tỉ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỉ đồng.

Để đảm bảo cho người tiêu dùng, Chỉ thị 17 của Ban Bí Thư nêu rõ, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm.

trach-nhiem-khong-chi-rieng-ai-2-1705850543.jpg
Năm 2023, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra, xử lý xử lý 1.704 vụ, thu nộp ngân sách 7,6 tỷ đồng

Tại Thanh Hóa, những năm qua, toàn tỉnh đã cùng cả nước tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng đang nỗ lực thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của Ban bí thư về vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm. Năm 2023, Cục QLTT Thanh Hóa đã thực hiện kiểm tra 1.918 vụ; xử lý 1.704 vụ; chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu hình sự cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá 6 vụ. Tổng số tiền thu nộp Ngân sách Nhà nước hơn 7,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, việc phát hiện, tố giác tội phạm trong quần chúng nhân dân đang ở mức hạn chế. Với tâm lý e dè “không phải việc mình”. Từ đó, đã vô tình tiếp tay cho thực phẩm bẩn để từng bước đầu độc con em của mình.

Trách nhiệm không chỉ riêng ai

Vụ hai học sinh ngộ độc tại Thọ Xuân, Thanh Hóa lại một lần nữa cảnh tỉnh, để chúng ta lên tiếng tẩy chay thực phẩm sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hoá chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm… Đấy là lúc, mọi người đang chung tay bảo vệ nòi giống của mình.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới, số tử vong lên đến 82.000 trường hợp. Trong khi tỷ lệ tử vong do ung thư trên thế giới khoảng 59,7%, ở các quốc gia đang phát triển là 67,9% thì tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam là 73,5%, ở mức cao trên thế giới.

Nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng căn bệnh quái ác này chủ yếu là do thực phẩm bẩn, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, nhiễm phóng xạ… Chỉ vì một chút lợi ích trước mắt mà một số người đã vô tình đầu độc cả nòi giống.

Chia sẻ về việc tẩy chay thực phẩm bẩn, ông Nguyễn Tiến Linh, chủ tiệm cơm bình dân Khu công nghiệp Tây Bắc ga (TP Thanh Hóa) cho biết: “Đối với nhiều người, chỉ vì cái lợi trước mắt mà mua những thực phẩm không an toàn về tái nấu nướng bán cho anh em công nhân. Với tôi, kể cả pháp luật không cấm, nhưng lương tâm vẫn không cho phép làm điều đó, vì khi mình đã biết đấy là có hại, mà vẫn làm thì khác nào mình là người có tội”.

Hay như một số đơn vị kinh doanh gần các cơ sở trường học. Khi được tuyên truyền, đã chấp hành nghiêm Nghị định 39/ NĐ-CP năm 2007 cũng như những khuyến cáo về những mặt hàng không được phép kinh doanh tại khu vực gần trường học. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền cho học sinh nên sử dụng bữa sáng tại nhà, hạn chế mua những đồ ăn sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bà Nguyễn Thị Dự, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Tân 2 chia sẻ: “Về vấn đề an toàn thực phẩm, luôn được nhà trường quan tâm, thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt, đều tuyên truyền cho các con hạn chế mua đồ ăn sẵn. Đặc biệt tuyệt đối nói không với những đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh để cùng nhau tạo dựng cho các con có thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh”.

Có thể khẳng định, việc chung tay vì một tương lai tươi sáng, tẩy chay những thực phẩm bẩn là trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân ta. Khi chúng ta đồng lòng, sẽ không còn kẽ hở để những thực phẩm không rõ nguồn gốc “lọt lưới” để xảy ra những điều đáng tiếc nêu trên. Đấy không phải trách nhiệm của một đơn vị, hay cá nhân riêng lẻ, mà là tiếng nói chung để bảo vệ sức khỏe toàn dân./.

Hà Khải