Vĩnh Phúc: Năm 2022 thu ngân sách đạt kỷ lục

Vượt xa con số dự toán năm 33.141 tỷ đồng, vượt xa dự báo 35.700 tỷ đồng đưa ra vào cuối tháng 11, khả năng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của Vĩnh Phúc năm nay có thể đạt 37.500 tỷ đồng có dư. Đây là năm số thu ngân sách của địa phương này đạt mức cao nhất từ trước đến nay. GRDP ước tăng 9,54% so với năm 2021.

Tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) và công bố giải thưởng du lịch “Tam Đảo - Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới năm 2022” cuối tuần qua, ông Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được thành tựu tích cực trong phát triển KTXH. Dự kiến 17/17 chỉ tiêu KTXH năm 2022 đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2022.

Trong đó, về tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 năm 2022 ước tăng 9,54% so với năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn so với mức tăng bình quân chung cả nước (ước tăng 8%) và cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 8,0 - 9,0%); đưa tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2022 đạt gần 9%/năm, nằm trong Top 10 địa phương có tăng trưởng cao nhất cả nước. Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt 35.700 tỷ đồng, bằng 111,94% dự toán, tăng 8,5% so với năm 2021.

vp-1670296577.jpg
Sản xuất xe máy đóng góp lớn vào số thu ngân sách của Vĩnh Phúc

Quy mô nền kinh tế ước đạt trên 165,5 nghìn tỷ đồng (nằm trong Top 15 tỉnh có quy mô cao nhất cả nước); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 64,22%, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 29,2% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 6,58%. GRDP bình quân/người ước đạt khoảng 127,8 triệu đồng/người/năm; tiếp tục nằm trong Tốp 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Trong năm 2022, công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tại tỉnh Vĩnh Phúc được chỉ đạo quyết liệt. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm nâng cao từng chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thành lập tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN; đường dây nóng được vận hành thông suốt, hoạt động hỗ trợ DN được đẩy mạnh, được các nhà đầu tư, các DN đánh giá cao và tin tưởng vào hệ thống chính quyền của tỉnh. Các chỉ số cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính của tỉnh trong năm cải thiện tích cực, Chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ 5/63 toàn quốc (tăng 24 bậc).

Theo Nghị quyết 58/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, tổng thu NSNN năm 2022 của Vĩnh Phúc là 33.140.886 triệu đồng, trong đó tổng thu NSNN trên địa bàn là 31.892.000 triệu đồng, bằng 100% dự toán Trung ương giao (thu nội địa là 27.277.000 triệu đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 4.615.000 triệu đồng).

Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt 35.700 tỷ đồng, bằng 111,94% dự toán, tăng 8,5% so với năm 2021, Trong đó: Thu nội địa ước đạt 30.000 tỷ đồng, đạt 109,98% dự toán và tăng 6,2% so với cùng kỳ, thu xuất nhập khẩu ước đạt 5.700 tỷ đồng, đạt 123,5% so với dự toán, tăng 22,1% so với cùng kỳ; trong cơ cấu các khoản thu nội địa, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 101,7% dự toán và tăng 17,2% so với năm 2021; hầu hết các khoản thu khác đều đạt và vượt dự toán... “Cấp ủy, chính quyền tỉnh đang nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu thu ngân sách đạt trên 37.000 tỷ đồng...” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay.

Bên lề cuộc họp báo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành vui mừng cho hay, khả năng thu NSNN năm nay của Vĩnh Phúc là 37.500 tỷ đồng và có thể hơn. “Đây không phải mức tăng đột biến mà nằm trong kế hoạch” - ông Thành nói, đồng thời cho biết, nguồn thu chủ yếu từ giá trị gia tăng của ngành công nghiệp, sản xuất công nghiệp năm 2022 có nhiều khởi sắc do tình hình dịch trên địa bàn đã được kiểm soát tốt từ quý II; các DN, cơ sở sản xuất đã hoạt động trở lại bình thường, xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, vận hành ổn định, hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy... do đó, kết quả sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 ước tăng khoảng 15,5%, riêng ngành chế biến, chế tạo ước tăng 15,6% so với năm 2021.

Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng so với năm 2021, đặc biệt doanh thu linh kiện điện tử tăng 24,36%, xe máy các loại tăng 11,02%, quần áo các loại tăng 7,21%, gạch ốp lát các loại tăng 6,01%, riêng ô tô các loại giảm 2,3% (do ảnh hưởng thiếu linh kiện sản xuất...). Theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2023, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo nền tảng vững chắc phát triển KTXH, ổn định đời sống nhân dân, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách và tạo đột phá về thể chế, cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, khai thông các nguồn lực; tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển cho tỉnh giai đoạn 2021 - 2025./.

Thanh Thanh