Trung Quốc tăng diện tích trồng thanh long, sầu riêng: Doanh nghiệp xuất khẩu còn rộng cửa?

Cuối tháng 2, Trung Quốc công bố nước này đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long/năm - cao hơn Việt Nam 200.000 tấn. Vị trí đứng đầu thế giới về sản lượng thanh long là kết quả của việc nước này liên tục mở rộng diện tích trồng.

Sản phẩm thanh long, sầu riêng Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt ở thị trường Trung Quốc, khi nước này có sản lượng thanh long vượt cả nước ta, còn Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn chất lượng đối với sầu riêng xuất khẩu qua đây.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ của người dân khoảng 2 triệu tấn một năm. Như vậy, sản lượng thanh long tự sản xuất của họ đã gần đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cả nước.

Còn sầu riêng của Trung Quốc sau nhiều năm thử nghiệm thất bại, nay đã bắt đầu cho trái. Sản phẩm dự kiến bán ra thị trường năm sau, với nguồn cung khoảng 45.000 - 75.000 tấn. Dự kiến, quy mô trồng sầu riêng sẽ được mở rộng ra phía Bắc. Trung Quốc đang tìm cách nhập khẩu cây giống chất lượng cao từ nước ngoài (bên cạnh nguồn cây giống trong nước). Nông dân của họ cũng có thể sử dụng cây sầu riêng địa phương đã ra hoa kết trái trên 3 năm, làm cây mẹ để ghép và nhân giống.

Việc Trung Quốc đang lên kế hoạch làm chủ nguồn cung nông sản khiến các nhóm hàng nổi bật của Việt Nam như thanh long, sầu riêng, chiếm 90% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường này, có nguy cơ dư thừa.

Theo Cục trồng trọt, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng đã đạt 110.000 ha, vượt khoảng 35.000 ha so với định hướng. Hai tháng đầu năm, khi giá mặt hàng này tăng đột biến, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên còn có hiện tượng phá cà phê, hồ tiêu, lúa để trồng sầu riêng.

Với tình trạng trên, Cục trồng trọt cảnh báo việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát như trên sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như cung vượt quá cầu. Ngoài ra, nếu trồng không theo quy hoạch sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.

560501dsc03017-8401-1678463654.jpg

Ảnh minh họa.

Rủi ro cao khi quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?

Có thể nói, thị trường Trung Quốc hấp dẫn với trái thanh long Việt Nam bao nhiêu thì sẽ đi kèm với rủi ro bấy nhiêu. Theo ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, nhìn lại giai đoạn vừa qua để thấy trái thanh long Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên rủi ro càng cao, chỉ cần một động thái nhỏ của thị trường này cũng có thể khiến giá cả lên xuống.

Điển hình như những ngày cận kề Tết Nguyên đán 2022, Trung Quốc bất ngờ thông báo dừng nhập khẩu thanh long từ 0 giờ 29/12/2021 đến hết ngày 26/01/2022, khiến hàng loạt container thanh long trái vụ xuất khẩu ùn ứ ở cửa khẩu, quay đầu xả hàng với giá chỉ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Hay bài toán lặp lại nhiều năm nay khi thanh long chính vụ của Việt Nam trùng với vụ thu hoạch Trung Quốc, giá bán mặt hàng này rớt xuống còn 2.000 – 3.000 đồng/kg, giá bán dưới giá thành khiến nông dân thua lỗ.

Còn cơ hội từ các thị trường khác?

Ở thời điểm trước mắt, xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc vẫn chưa chịu ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên cả nông dân và doanh nghiệp cũng cần tính toán đường dài cho mặt hàng này, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Và việc tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu mới cũng là một phương án được nhiều chuyên gia doanh nghiệp khuyến cáo.

Tại một hội nghị về tiêu thụ thanh long, ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC, đồng thời là đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết thanh long được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu, giá thanh long ở siêu thị ở mức 650.000 đồng/kg do chi phí vận chuyển, logistics cao.

Trong khi đó, Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu. Do vậy, ông Như Nguyễn cho rằng, Hà Lan là thị trường tiềm năng để trái thanh long mở rộng bản đồ xuất khẩu. Tuy nhiên để xuất khẩu thanh long vào Hà Lan, các sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn, và tai không dài quá 1,5 cm.

Đại diện VIEC khuyến cáo các doanh nghiệp tích cực tham gia các hội chợ quốc tế để tìm kiếm đối tác, đồng thời tăng cường chế biến sản phẩm thanh long sấy khô, tinh bột hoặc cấp đông hoàn toàn để tăng thời gian bảo quản và giá trị gia tăng.

Hay một thị trường tiềm năng khác cũng được nhắc đến là Ấn Độ. Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, tổng dân số của Ấn Độ khoảng 1,4 tỷ người, trong đó tỷ lệ người ăn chay và có thói quen tiêu thụ rau quả cao. Do đó, nhu cầu tiêu thụ rau quả, trong đó có trái thanh long của thị trường Ấn Độ rất lớn.

Nói thêm về tiềm năng của thị trường Ấn Độ, ông Nguyên cho biết thanh long là mặt hàng trái cây duy nhất không phải chịu thuế ở thị trường này. Đây cũng là một lợi thế để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và khai thác thị trường Ấn Độ. Trong cơ cấu thị trường tiêu thụ thanh long Việt Nam, châu Âu và Ấn Độ hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khó có thể so sánh với Trung Quốc. Tuy nhiên đây cũng là những nỗ lực của doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong việc giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Thi Nguyên (t/h)