
Theo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, Cổng Pháp luật Quốc gia được xây dựng với mục tiêu trở thành điểm truy cập chính thống, phục vụ người dân và doanh nghiệp tìm hiểu, hỏi đáp pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả.
Đến ngày 1/6/2025, Cổng Pháp luật quốc gia sẽ chính thức khai trương với các tính năng cơ bản như: Phục vụ kịp thời, đầy đủ chính xác việc tra cứu thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp; giải đáp các câu hỏi của người dân, doanh nghiệp về các nội dung, tình huống pháp luật mà người dân, doanh nghiệp quan tâm; thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật trên môi trường số, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác và phân định rõ trách nhiệm, nội dung, thời gian giải quyết của các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan.
Giao diện Cổng Pháp luật quốc gia gồm các chuyên mục như: Hệ thống văn bản pháp luật; Hỏi đáp pháp luật (giải đáp các khó khăn, vướng mắc cơ bản của người dân và doanh nghiệp; chat Chatbot AI); Phản ánh - Kiến nghị; Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; Hỏi đáp trực tuyến; Xây dựng chính sách, Văn bản quy phạm pháp luật…
Sau ngày 1/6, Cổng Pháp luật Quốc gia tiếp tục được hoàn thiện các tính năng theo yêu cầu thực tiễn và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Tới đây, khi được triển khai hiệu quả, Cổng Pháp luật quốc gia không chỉ góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, mà còn trở thành một hạ tầng pháp lý chiến lược, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế theo những tư tưởng đột phá tại Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Cổng Pháp luật Quốc gia không chỉ là kho dữ liệu, mà còn là công cụ hỗ trợ tương tác, phản hồi chính sách và nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp.