Tính dân chủ trong báo chí hôm nay

Hai tiếng dân chủ không có gì mới, bởi Đảng ta từ lâu đã chủ trương luôn lấy dân làm gốc, tiến hành cách mạng và làm mọi việc đều vì dân và do dân. Trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, Đảng luôn phát huy yếu tố dân chủ và công khai. Đó chính là động lực để dẫn tới mọi thành công. Nhưng trong lĩnh vực báo chí hiện nay, tính dân chủ không phải đã được quán triệt ở tất cả mọi nơi. Điều này thể hiện ở hai khía cạnh sau:

Thứ nhất: Chưa phản ánh được đầy đủ, trọn vẹn một cách sâu sắc những điều số đông người dân quan tâm, bức xúc nhất. Nếu có thì một số tờ, một số người lại viết với khuynh hướng “cảm thông” với người quản lý. Là người dân, chúng ta đều biết trong quá trình vận động của xã hội hiện nay, không phải lúc nào quyền lợi của người lãnh đạo và quần chúng cũng là một, nhất là những nơi người quản lý còn yếu kém hay biến chất. Thay vì việc vạch ra những sai trái trong công tác điều hành, họ đã thanh minh cho những việc làm tư lợi, khuất tất. Ví dụ hiện nay, hai trong số những điều người dân vô cùng bức xúc là nạn tham nhũng, từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn và tình hình xuống cấp nghiêm trọng của giáo dục. Việc thứ nhất làm sa sút nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân vào chính quyền, chế độ. Việc thứ hai ảnh hưởng lớn, nguy hại đến các thế hệ tương lai, tức là đến tiền đồ của dân tộc. Những tờ báo có uy tín được số đông bạn đọc ưa thích đã không né tránh mổ xẻ, phanh phui các vấn đề này bằng những bài viết sắc sảo, những phóng sự sinh động giàu sức chiến đấu, đưa ra được những ý kiến sắc bén, rất có trách nhiệm, góp được cho Nhà nước nhiều giải pháp hay .

Không ít tờ báo có khuynh hướng né tránh những vấn đề mà họ cho là “gai góc”, “nhạy cảm” vì sợ nếu đề cập sẽ động chạm đến người này, người nọ, thay vì chỉ thích nêu những cái vô thưởng, vô phạt, bày biện cốt lấp đầy các trang báo. Lại có người Tổng biên tập chỉ nhăm nhăm luôn muốn làm đẹp lòng cấp trên bằng việc cho thực hiện những bài liên quan đến mỗi bước đi và việc làm của các vị. Lãnh đạo đi đến đâu, phát biểu chỉ đạo gì là lập tức có ngay bài kể lại, kèm ảnh chụp rất “oách” (và tất nhiên là thêm lời tán tụng). Tôi biết rõ không phải vị nào cũng thích như vậy. Có vị còn rất bực mình trước điều đó. Một lần, tôi ngồi ở một toà soạn nọ, đúng lúc có cú điện thoại ở văn phòng bộ chủ quản gọi xuống cần gặp Tổng biên tập. Nhưng bữa đó, Tổng biên tập đi vắng. Người Phóng viên nghe rồi nói qua điện thoại: “- Vâng, em xin nhớ sẽ báo cáo lại ngay với Tổng biên tập là lãnh đạo Bộ gọi đến về bài….”. Sau đó người Phóng viên cho tôi biết: Đồng chí Bộ trưởng rất bất bình việc báo dành cả trang to đùng để kể lại một chuyến đi công tác thường kỳ của đồng chí về chỉ đạo cơ sở; lại in kèm những hai ảnh, trong khi rất nhiều vấn đề bạn đọc quan tâm thì không được đề cập. Tôi nghĩ có lẽ đó sẽ là bài học để đời cho người Tổng biên tập kia.

Nhiều tờ báo dường như đã quên hai yêu cầu lớn của báo chí cách mạng: Tính chiến đấu và tính dự báo. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn điều này khi Người đến thăm hoặc làm việc với cơ quan báo chí, phóng viên. Thực hiện hai yêu cầu này cũng chính là đảm bảo cho báo chí đạt được tính dân chủ vậy.

Thứ hai: Công tác bạn đọc chưa được quan tâm ở nhiều tờ báo. Dù có do một nhóm người nào đó thực hiện, dù là cơ quan ngôn luận của một ngành, đoàn thể nào đó, nhưng báo chí cách mạng phải là của mọi người dân. Họ phải có tiếng nói trên diễn đàn. Cho nên việc dành những diện tích cần thiết, thích đáng để đăng tải những bài viết, những ý kiến của bạn đọc là rất cần thiết. Bạn đọc ở đây cần được hiểu với nghĩa rộng: Họ có thể là các nhà khoa học, nhà giáo, văn nhệ sỹ, chính khách hoặc một người lao động chân tay bình thường (nông dân, công nhân, mọi tầng lớp xã hội) – là tất cả những người không phải là phóng viên, cộng tác viên thực hiện bài theo yêu cầu, “com – măng” của bản báo. Cũng cần phải tôn trọng ý kiến, quan điểm của họ về mọi vấn đề cuộc sống, miễn sao được viết ra với động cơ tốt đẹp: xây dựng, hoàn thiện xã hội. Tất nhiên, báo phải định hướng, không thể để bạn đọc phát biểu mang tính chất “quân hồi vô phèng”, nhưng không thể là sự độc đoán, áp đặt, sửa bài người ta theo ý chủ quan của mình. Và cần tôn trọng thông tin đa chiều, thậm chí có thể tranh luận cho “nát vấn đề” như cách nói của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

Ban Bạn đọc ở nhiều tờ báo mới chỉ thuần thuý là việc nhận bài, vào sổ, trả lời khi cần, rồi gửi nhuận bút, báo biếu mà ít quan tâm đến việc làm sao để có nhiều bạn đọc ở khắp mọi miền tham gia phát biểu trên báo về nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước. Có lẽ việc mở rộng diện tích trên báo cho phần ý kiến bạn đọc sẽ bổ ích và thú vị cho độc giả hơn rất nhiều những bài kiểu “lăng-xê”, tôn vinh những nhân vật trong lĩnh vực văn nghệ hiện đang rất tràn lan thiếu chọn lọc, gây phản tác dụng (người không xứng đáng, tài mỏng, ít cống hiến). Đã là ý kiến bạn đọc thì phải là thật, bạn đọc có địa chỉ được xác định, chứ không phải là địa chỉ…ma. Có người làm ở một tờ báo nọ khoe với tôi là vẫn thường xuyên viết để lo lấp đầy bài cho mục Ý kiến bạn đọc ở một tờ báo khác. Sao lại có thể như vậy? Thế thì còn tác dụng gì trong khi người viết kia chỉ là “ếch ngồi đáy giếng”?

Liên quan đến vấn đề đang bàn, thấy rất cần có sự tương tác giữa tờ báo và công chúng. Hiện nay, không nhiều báo làm được việc này. Đài phát thanh TNVN là tờ báo nói đã chú trọng. Nhiều chương trình của Đài bên cạnh tiếng nói của Phóng viên (tức của bản báo), của các khách mời là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, thấy thường xuyên xuất hiện tiếng nói, những yêu cầu, nguyện vọng, phản biện của nhiều thính giả là công chúng, người lao động bình thường. Nhiều tờ báo giấy đã thường xuyên đăng những “ý kiến bạn đọc” nhưng hầu như chưa có dạng bài đối thoại với họ mà việc này vẫn thường xuyên làm với các chính khách, các nhân vật có tên tuổi trong mọi lĩnh vực. Phải chăng các báo cho rằng bạn đọc bình thường thì không có gì đáng phải đối thoại? Chỉ cần đăng vài ba ý kiến ngắn của họ là được. Nếu đúng như vậy thì quả là một sai lầm cần nắn chỉnh. Đối thoại hai chiều giữa người của bản báo và độc giả bình thường mới thấu hiểu được mọi tâm tư, nguyện vọng của họ mà không dễ gì họ có thể nói hoặc hiếm có cơ hội để nói. Nhưng phải là ý kiến chân thực, trung thực của họ chứ không phải Phóng viên nói thay họ. Tất nhiên, vì tính tuyên truyền, giáo dục của báo chí cách mạng mà cần phải chọn lọc các ý kiến chứ không thể đưa lên mặt báo mọi lời của họ.

Một điều không thể không nói là tính dân chủ còn thể hiện ở việc bản báo tôn trọng người viết như thế nào. Bên cạnh những tờ báo biết tôn trọng các tác giả thì không ít tờ chưa làm được điều này. Bản báo áp đặt ý kiến của mình lên người viết dẫn đến bên cạnh sự mất dân chủ còn là những trang báo không có phong cách riêng, không đa dạng, phong phú bởi tất cả chỉ là một giọng điệu của những người biên tập. Cần hiểu rằng tờ báo cần biết ơn các cộng tác viên hơn là ngược lại, nhất là những người viết giỏi luôn thực hiện được những bài có chất lượng. Chính họ là những người có tính quyết định đến sự sống còn, phát triển hay tàn lụi của tờ báo. Báo hay, có đông bạn đọc chính là biết “chiêu hiền, đãi sỹ”, luôn quy tập được số đông những người viết giỏi nhất đến với mình.

Ngược lại, có những tờ báo, những biên tập viên coi mình như là làm ơn cho cộng tác viên, đăng được cho họ một bài như là ân huệ lớn. Những tờ này thường có các Phóng viên “bao sân”, chia nhau phủ đầy các trang, không mấy cần bài của người bên ngoài. Thời nay, viết được bài hay mới khó chứ để có bài dông dài, tầm thường thì rất dễ vì đã có sẵn “google” trợ giúp. Muốn tìm tư liệu về bất cứ vấn đề, lĩnh vực gì, cứ gõ ông ấy sẽ có hết. Vậy nên phóng viên không cần phải am hiểu cũng viết “đại” được một bài về một lĩnh vực nào đó. Tất nhiên là nông cạn, hời hợt. Ngày trước, khi công nghệ thông tin chưa du nhập vào nước ta, các báo buộc phải mời các chuyên gia từng lĩnh vực viết bài. Nhưng bây giờ thì các phóng viên viết được hết. Như đã nói, bởi họ nhờ đến “ông google”.

Tính dân chủ đối với báo chí hôm nay. Vâng, nhìn lại thấy rõ những tờ èo uột, có cũng như không, lướt qua cả số báo (chí) rất khó tìm được một bài đáng đọc do chỉ luôn do một vài người trong toà soạn lo viết hết tất cả bài vở. Cũng tốt, không có vấn đề gì, càng tiết kiệm nhân lực nếu đó là những người viết giỏi, có phông kiến thức rộng, sâu và có lối viết sinh động, hấp dẫn, luôn biết tự đổi mới. Nhưng khi là những người yếu, kém thì họ chỉ viết những gì dễ viết, không cần nghĩ người đọc có đọc không. Với chức năng của báo chí cách mạng và đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc hôm nay, những tờ rất không quan tâm đến tính dân chủ như thế có nên tồn tại? Thiết nghĩ cơ quan có trách nhiệm quản lý báo chí của Đảng và Nhà nước cần để tâm tới điều này, không thể trì hoãn./.

Nguyễn Đình San