Tín chỉ carbon tăng nguồn thu trồng rừng, gỗ rừng trồng có “chứng chỉ xanh" bền vững

Tín chỉ carbon rừng trong thời gian qua đã góp phần động viên người dân, các hộ gia đình trong việc kết hợp giữ rừng và bảo vệ rừng. Đây cũng là lộ trình để được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, đủ điều kiện để xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng vào tất cả các thị trường.
tin-chi-car-bon-rung-04-1716361351.jpg
Rừng tự nhiên do cộng đồng dân cư ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị quản lý, bảo vệ được bán tín chỉ carbon. (Ảnh minh họa)

Quảng Bình được phân bổ hơn 235 tỷ đồng tín chỉ carbon

Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Bình là 1 trong 6 địa phương vùng Bắc Trung Bộ được lựa chọn tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải carbon vùng theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, Quảng Bình được phân bổ 80% kinh phí từ nguồn thỏa thuận chi trả tín chỉ carbon cho đối tượng rừng tự nhiên với số tiền hơn 235 tỷ đồng, cao thứ 2 trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Cuối năm 2023, tỉnh thu về trên 51 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon. Người hưởng số tiền này là bà con ở các tổ bảo vệ rừng tại các thôn bản và các chủ rừng…

Qua quá trình thực hiện, đến nay, địa phương đã chi trả hơn 72,4 tỷ đồng, đạt 87,8% kế hoạch, trong đó, chi trả cho các đối tượng hưởng lợi 72,3 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch và chi trả cho hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình hơn 100 triệu đồng, đạt 4,1% kế hoạch.

tin-chi-car-bon-rung-01-1716361422.jpg
Tỉnh Quảng Trị đang có hơn 26 nghìn ha rừng trồng trong tổng số 121.400ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, VFCS/PEFC. (Ảnh minh họa)

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình Trần Đình Hiệp, qua quá trình triển khai thực hiện chi trả cho thấy, nguồn thu từ bán tín chỉ carbon đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được giao rừng tự nhiên đã có thêm nguồn kinh phí để quản lý, bảo vệ rừng; việc triển khai thực hiện chi trả tiền bán tín chỉ car bon còn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ rừng, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Với tính ưu việt nổi bật và đặc điểm mới mẻ, tiền bán tín chỉ carbon trong thời gian qua đã góp phần động viên người dân, các hộ gia đình trong việc kết hợp giữ rừng và bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, Trao đổi tại Hội nghị thống nhất một số nội dung trọng tâm của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, ông Trần Đình Hiệp cho biết, trong thời gian quan, việc chi trả tiền bán tín chỉ carbon được thực hiện theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ, thực tiễn triển khai còn một số vướng mắc, khó nhăn.

Cụ thể, tại Nghị định quy định chi phí triển khai thực hiện bảo đảm nguyên tắc hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách hiện hành, thông qua các chương trình, dự án.

“Nếu thực hiện theo quy định nêu trên thì sẽ có rất ít diện tích để thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết thêm.

Vừa bán tín chỉ carbon vừa có “chứng chỉ xanh" gỗ rừng trồng

Tại tỉnh Quảng Trị, ngoài rừng tự nhiên, còn có lợi thế bán tín chỉ carbon từ rừng trồng. Bởi, tỉnh đang có hơn 26 nghìn ha rừng trồng trong tổng số 121.400ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, VFCS/PEFC.

Ông Hoàng Đức Doanh - Chủ tịch Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị, cho biết, Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) là một tổ chức phi chính phủ được thành lập từ 1993. Tổ chức này ban hành bộ tiêu chuẩn FSC nhằm phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới.

FSC là chứng chỉ có bộ tiêu chuẩn quốc tế. Các nước muốn được cấp chứng chỉ này phải đặt các tiêu chí của FSC. Việt Nam có bộ tiêu chuẩn bao gồm 10 nguyên tắc, 150 tiêu chí dựa trên hướng dẫn của FSC. Nếu làm đúng theo hướng dẫn, tổ chức quốc tế đánh giá đạt sẽ được cấp chứng chỉ.

Năm 2010, Quảng Trị là địa phương đầu tiên ở nước ta được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Ông Doanh nhớ lại lúc bấy giờ đi vận động người dân làm rừng có chứng chỉ rất khó vì bà con trồng rừng theo cách truyền thống chỉ 4-5 năm được thu hoạch gỗ, còn trồng rừng có chứng chỉ phải là 10-12 năm.

Các doanh nghiệp cũng không mặn mà do trên thị trường chưa có sự phân biệt giá trị giữa 2 loại gỗ có và không có chứng chỉ. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị vẫn chọn hướng phát triển rừng bền vững, vận động bà con trồng rừng có chứng chỉ.

“Năm 2008, chúng tôi mời tổ chức quốc tế về đánh giá quản lý rừng bền vững tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải. Họ đưa ra 300 trang giấy A4 về các điều kiện cần cải thiện để đạt được Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC”, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhớ lại thời điểm đầu khi quyết định làm chứng chỉ rừng.

Quá trình khắc phục kéo dài trong vòng 2 năm. Đến năm 2010, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Hội đồng quản trị rừng thế giới đánh giá lại hiện trạng. Kết quả, cơ bản đã đáp ứng khuyến nghị của các tổ chức, đạt khoảng 95%. Sau đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.

tin-chi-car-bon-rung-02-1716361501.jpg
Khi gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC đồng nghĩa đủ điều kiện để xuất khẩu vào tất cả các thị trường. (Ảnh minh họa)

Từ mô hình của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải, trồng rừng có chứng chỉ được mở rộng triển khai ra nhiều địa phương. Diện tích rừng trồng có chứng chỉ tăng dần theo mỗi năm, từ con số 8.600 ha ban đầu, nay đã đạt hơn 26 nghìn ha. Quảng Trị cũng là tỉnh tiên phong, thành mô hình điểm cho các tỉnh, thành khác đến học tập kinh nghiệm.

“Người dân giờ đã nhìn thấy được lợi ích khi trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ”, ông Hoàng Đức Doanh nói và dẫn chứng, không chỉ tăng sản lượng, gỗ rừng trồng có chứng chỉ còn bán được ra thị trường với giá cao hơn gỗ thường từ 10-20%. Các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ với sản lượng lớn.

Vài năm trở lại đây, các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… ngày càng đòi hỏi cao như sản phẩm phải có tính bền vững, áp những luật mới với hàng hoá nhập khẩu như truy xuất gỗ bất hợp pháp, không gây mất và suy thoái rừng. Thế nên, khi gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC đồng nghĩa đủ điều kiện để xuất khẩu vào tất cả các thị trường.

FSC giống như “chứng chỉ xanh”. Có chứng chỉ này, sản phẩm gỗ đủ điều kiện thâm nhập vào tất cả các thị trường, còn không thì bị nhiều thị trường “cấm cửa”, ông Doanh nói thêm. Điều quan trọng hơn, khi thị trường ổn định thì đời sống của người nông dân sản xuất cũng ổn định.

Lâu nay, nghề lâm nghiệp rất vất vả, thu nhập thấp. Với rừng trồng gỗ lớn thì phải 10 năm sau mới thu hoạch. Còn rừng tự nhiên thì phát triển kinh tế dưới tán rừng cũng chưa đem lại thu nhập cao cho người dân. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, định hướng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon đem lại nguồn thu nhập lớn cho người làm lâm nghiệp yêu rừng, quý rừng hơn, ứng xử với rừng tốt hơn. Đặc biệt, điều tiết phát thải khí nhà kính, tạo sinh kế và động lực cho người tham gia trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng…/.

Bình Châu