Hiểu đúng GMP để tránh các sản phẩm kém chất lượng

Nghe đọc bài
0:00
  • Giọng mặc định
Dù nhãn GMP (Thực hành sản xuất tốt) thường được xem là “bảo chứng” cho chất lượng sản phẩm, tuy nhiên, không phải sản phẩm nào dán mác GMP cũng thực sự đạt chuẩn. Trước thực trạng này, việc nâng cao cảnh giác và hiểu đúng về GMP là điều hết sức cần thiết.
ch1-2-4382-9784-1747216390.jpg
Ảnh minh hoạ.

Thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) tại Việt Nam hiện đang rất phong phú, bao gồm cả sản phẩm trong nước và nhập khẩu, từ hàng OEM (sản xuất theo đơn đặt hàng) đến các sản phẩm do doanh nghiệp tự sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh những thương hiệu đáng tin cậy, vẫn tồn tại không ít sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhưng lại được gắn mác TPBVSK và bày bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về độ an toàn và chất lượng thực sự của các sản phẩm này.

Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (health supplement, dietary supplement) là những sản phẩm được sử dụng nhằm bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày, giúp duy trì, nâng cao hoặc cải thiện chức năng cơ thể và hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh

Để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất các sản phẩm này, ngoài việc tuân thủ các quy định chung về an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất còn phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu nghiêm ngặt. Điều này bao gồm việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố, bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp với từng vị trí, và tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ khác trong quy trình sản xuất.

Sau khi doanh nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định, trong vòng 15 ngày làm việc, cơ quan chức năng sẽ thành lập đoàn thẩm định và tiến hành đánh giá trực tiếp tại cơ sở sản xuất. Nếu kết quả thẩm định đạt yêu cầu, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ được cấp trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc.

Được biết, GMP là tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo sản phẩm được sản xuất và kiểm soát chất lượng một cách nhất quán, đúng quy trình. Trong ngành thực phẩm chức năng, GMP được xem là tiêu chí để đánh giá độ tin cậy và khả năng lưu hành bền vững của một thương hiệu.

Để đạt chuẩn GMP, doanh nghiệp phải đầu tư mạnh vào hạ tầng và quy trình kiểm soát chất lượng. Nhà máy phải được thiết kế theo luồng một chiều (nguyên liệu đầu vào và thành phẩm đầu ra không được chồng chéo, khu vực sản xuất, đóng gói, lưu trữ phải tách biệt rõ ràng. Máy móc, thiết bị phải đạt chuẩn: không gỉ, dễ vệ sinh, dễ truy vết nếu có sự cố.

Bên cạnh quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào cũng phải đáp ứng yêu cầu khắt khe, với hồ sơ truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Mỗi lô sản phẩm đều cần được kiểm nghiệm vi sinh, độc tố và thành phần dinh dưỡng trước khi đưa ra thị trường. Toàn bộ các công đoạn sản xuất phải tuân thủ quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP), dưới sự giám sát chặt chẽ của bộ phận đảm bảo và kiểm soát chất lượng (QA - QC) độc lập.

Chứng nhận GMP không chỉ cấp một lần mà còn phải được tái kiểm tra, gia hạn định kỳ. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, chứng nhận có thể bị thu hồi ngay lập tức. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp mới nổi hoặc làm ăn chộp giật thường khó đạt và duy trì tiêu chuẩn này do thiếu đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, nhân lực và hệ thống kiểm soát chất lượng.

Một số đơn vị chọn phương án thuê ngoài nhà máy đạt chuẩn GMP để sản xuất, tuy nhiên các nhà máy uy tín thường chỉ hợp tác với đối tác có định hướng phát triển lâu dài, minh bạch và đáp ứng được tiêu chí kiểm soát nghiêm ngặt.

Trên thực tế, không khó để bắt gặp các sản phẩm dán mác "GMP", nhưng người tiêu dùng lại không có cách nào dễ dàng để xác thực tính hợp pháp và giá trị thực sự của chứng nhận này nếu chỉ nhìn vào bao bì. Nhiều sản phẩm in sẵn dòng "sản xuất tại nhà máy đạt chuẩn GMP" nhưng không nêu rõ tên nhà máy, số giấy chứng nhận hay cơ quan cấp phép - điều này khiến việc kiểm tra trở nên khó khăn.

Để tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng cần trang bị kiến thức cơ bản, không nên tin tuyệt đối vào các quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội. Khi chọn mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hãy ưu tiên các thương hiệu lớn, có thông tin rõ ràng, chứng nhận hợp lệ và được phân phối qua kênh chính hãng hoặc nhà thuốc uy tín.

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, chỉ cần kiểm nghiệm đủ chỉ tiêu an toàn là được phép tự công bố sản phẩm, bất kể chất lượng thực tế. Sau 7 năm, cơ chế này bộc lộ nhiều lỗ hổng, khiến sản phẩm kém chất lượng lưu hành tràn lan, gây khó khăn cho hậu kiểm. Một số doanh nghiệp lợi dụng để công bố sai hoặc không gửi hồ sơ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, cần bắt buộc doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm phương pháp kiểm nghiệm để phân biệt đơn vị làm thật và làm giả. Ông đề xuất sửa Nghị định 15 theo hướng: Dù tự công bố, doanh nghiệp cũng phải nộp phương pháp kiểm nghiệm để kiểm tra định kỳ và phát hiện vi phạm. Trong khi chờ sửa nghị định, ông kiến nghị điều chỉnh ngay thông tư hướng dẫn nhằm siết chặt quản lý, ngăn chặn sản phẩm giả và bảo vệ sức khỏe người dân.

Trần Huyền