Tiên Yên (Quảng Ninh): Khai thác hiệu quả thế mạnh để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp

Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Tiên Yên đã có sự chuyển biến tích cực, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Để có được kết quả đó, huyện đã tập trung khai thác hiệu quả thế mạnh sẵn có của địa phương, từng bước giúp người dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.
q1-1678368990.jpg
Mô hình trồng cây cam của hộ ông Nguyễn Đức Chính, xã Đông Hải. Ảnh tư liệu do địa phương cung cấp

Bám sát chỉ đạo của tỉnh cùng với nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, huyện Tiên Yên đã tăng cường tập trung chuyển đổi phương thức sản xuất theo cơ chế thị trường thông qua phát triển các thế mạnh sản phẩm có lợi thế, đặc biệt là các chương trình, đề án, dự án phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Tới nay, mô hình kinh tế khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, thu hút được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.

Điển hình phải kể đến là Dự án ứng dụng công thức phối trộn thức ăn nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gà Tiên Yên trên địa bàn huyện được triển khai từ tháng 3/2021. Tính đến hết năm 2022, huyện đã thực hiện triển khai hoàn thiện dự án tại 3 xã: Yên Than, Phong Dụ, Đông Ngũ để đưa ra công thức phối trộn thức ăn chăn nuôi chung cho gà Tiên Yên. Đồng thời, tiến hành phân lô để áp dụng công thức phối trộn và tiến hành các nhiệm vụ theo thuyết minh dự án được duyệt. Huyện cũng đã tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật cho 150 cơ sở, hộ chăn nuôi gà Tiên Yên và các cán bộ quản lý thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn; tổ chức nghiệm thu đánh giá lựa chọn công thức phối trộn phù hợp để triển khai thực hiện và nhân rộng trên địa bàn huyện.

Ông Phạm Văn Hưng, thôn Đồng Tâm, xã Yên Than, cho biết: Trước đây, mô hình chăn nuôi gà của gia đình tôi cũng như hầu hết các mô hình chăn nuôi gà tại địa phương đều chăn nuôi theo kinh nghiệm cá nhân, chủ yếu là thức ăn hỗn hợp công nghiệp, ngô, thóc, cám gạo... bởi vậy dẫn đến việc dư thừa calories, thiếu protein cần thiết cho con gà phát triển.

Năm 2021, gia đình tôi được lựa chọn tham gia dự án ứng dụng công thức phối trộn thức ăn từ nguồn nguyên liệu sẵn có. Tới nay, qua quá trình triển khai, thử nghiệm, theo dõi đàn gà và được sự hướng dẫn của các chuyên gia, tôi thấy quy trình phối trộn thức ăn nuôi gà Tiên Yên đơn giản, phù hợp với điều kiện địa phương. Công thức thức ăn đáp ứng yêu cầu chăn nuôi, rõ tỷ lệ, nguyên liệu, thành phần dinh dưỡng. Qua đó, đã giúp giảm lượng mỡ thừa, nâng cao năng suất và chất lượng thịt cho đàn gà.

q2-1678369033.jpg
Ứng dụng khẩu phần thức ăn tự phối trộn từ nguồn nguyên liệu sẵn có, nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi gà Tiên Yên tại xã Phong Dụ

Bên cạnh đó, huyện Tiên Yên cũng luôn chủ động nguồn giống gà Tiên Yên để tái cơ cấu sản xuất. Hiện trên địa bàn huyện đang có 4 cơ sở sản xuất giống, đáp ứng công suất sản xuất 1,2 triệu con/năm, đảm bảo cung cấp gà giống cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn. Đến hết năm 2022, tổng sản lượng đàn gà Tiên Yên đạt 506.300 con, bằng 100% kế hoạch sản xuất của huyện, số xuất chuồng đạt 1,1 triệu con, tăng 12% so với năm 2021.

Cùng với việc phát triển thế mạnh về nuôi gà, huyện Tiên Yên cũng đang tập trung xây dựng đồng bộ và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hướng tập trung. Điển hình như triển khai mô hình thử nghiệm giống lúa Japonica J02, quy mô 30ha tại 2 xã Đông Ngũ 20ha, xã Hải Lạng 10ha; trồng thử nghiệm giống lúa ST25, quy mô 6ha; tiếp tục triển khai mô hình trồng khảo nghiệm cây na QN-D1 tại xã Đông Hải; thực hiện trồng rừng gỗ lớn loài cây lim, giổi, lát…

Đặc biệt, để phát huy thế mạnh sẵn có, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, huyện Tiên Yên cũng đang tập trung triển khai các đề án, nhiệm vụ tái cơ cấu phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm, gắn liền sản xuất và chủ thể sản xuất. Một số mô hình điển hình đã triển khai và phát triển hiệu quả như: Mô hình vườn cây ăn quả, chủ đạo là cây cam của hộ ông Nguyễn Đức Chính (10ha), Vũ Văn Phúc (4ha) xã Đông Hải; mô hình trồng cây gỗ lớn (giổi) của hộ ông Vũ Văn Hiếu (6ha) thôn Hội Phố, xã Đông Hải, hộ ông Lương Thế Xuyên, Ông Lương Ngọc Cường xã Tiên Lãng (5ha); mô hình trồng rau sạch thôn Nà Bấc, trồng rau an toàn trong nhà kính thôn Làng Nhội; mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại HTX Linh Hà Tiên Lãng; mô hình nuôi dũi xã Hà Lâu…

Trong năm 2023, huyện Tiên Yên đặt mục tiêu tổng diện tích gieo trồng đạt 6,366ha, diện tích trồng rừng tập trung đạt 2.000ha, gỗ lớn 300ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 10.588 tấn. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào việc phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, thực hiện phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương; phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.

Cùng với đó, huyện cũng sẽ chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ trong khu đông dân cư sang chăn nuôi tập trung theo hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia trại đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao./.

Minh Đức