Quảng cáo #128

Tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội

Với gần 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, khi quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ (TCMN) toàn cầu hiện đạt hơn 750 tỷ USD và được kỳ vọng tăng 10% mỗi năm.
z6011143351107-a4327725f2c2012c9c2804d3bbe144fa-1731049345.jpg
Sự độc đáo và đậm nét văn hóa dân tộc tạo nên sức hấp dẫn của sản phẩm TCMN.

Theo số liệu của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Thủ đô Hà Nội được biết đến là cái nôi của làng nghề, hội tụ 327 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, trong đó 22 làng nghề sản xuất TCMN. Các sản phẩm TCMN ngày càng đa dạng chủng loại, độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có những sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng xuất khẩu đạt 5,1% - 5,5%/năm; đến năm 2030 có từ 6 - 10 nhóm hàng TCMN của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; tỷ trọng xuất khẩu hàng TCMN chiếm từ 3% - 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố. Đồng thời phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành Trung tâm phát triển thiết kế và giới thiệu sản phẩm OCOP quốc gia, gắn với du lịch văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển 9 Trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã…

Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ hiện đại, vật liệu thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất, cần phải phát triển thương hiệu làng nghề. Trong đó, sàn thương mại điện tử là một công cụ hữu ích có thể hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm truyền thống, giúp kết nối làng nghề với thế giới, phát triển làng nghề hướng tới xu thế tiêu dùng hiện đại trong khi vẫn duy trì bản sắc của làng nghề.

z6011143351219-df2a3e1ba28a9c83233cf0344cf1cd9a-1731049345.jpg
Nghệ nhân làng nghề cần thường xuyên cập nhật xu thế tiêu dùng để thiết kế sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng.

Cùng với sự chủ động của các làng nghề trong tìm kiếm khách hàng, ngành Công thương đã phát huy vai trò của công tác khuyến công trong việc kết nối DN và thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm TCMN thông qua nhiều hình thức, đặc biệt là tổ chức các hội chợ triển lãm hàng TCMN, tổ chức không gian trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm thiết kế sáng tạo; đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng TCMN của Hà Nội tham gia các kỳ hội chợ trong nước và quốc tế, qua đó quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối kinh doanh, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường EU nhiều tiềm năng.

Chỉ tính riêng sự kiện 13 năm tổ chức Hanoi Giftshow - hội chợ hàng năm chuyên ngành TCMN xuất khẩu uy tín của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã thu hút gần 5.500 gian hàng của trên 2.450 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đến từ các tỉnh thành phố và hơn 30 quốc gia có các mặt hàng TCMN tiêu biểu tham gia. Các kỳ hội chợ đã ghi nhận trên 130.000 lượt khách tham quan, giao dịch mua sắm, trong đó có trên 8.500 lượt nhà nhập khẩu, khách thương mại quốc tế tham gia các hoạt động kết nối giao thương, hàng nghìn hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn đã được giao dịch ký kết, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng TCMN./.

PV