Tăng trưởng xanh, xu hướng tất yếu của mọi nền kinh tế

Tăng trưởng xanh (Green Growth) là tăng trưởng dựa vào quá trình thay đổi mô hình, tái cơ cấu nền kinh tế để tận dụng các lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, khai thác, sử dụng tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát khí thải nhà kính, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững...

nong-nghiep-tuan-hoan-1707362090.jpg
Mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bền vững. (Ảnh minh họa)

Kinh tế xanh tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng

Phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của mọi nền kinh tế, bởi nó là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới sáng tạo, góp phần tạo ra các cơ hội kinh tế mới, bền vững. Tăng trưởng xanh cũng là cách thức tổ chức huy động và sử dụng các nguồn lực để bảo đảm sự tăng trưởng hàng năm với tốc độ hợp lí.

Mô hình tăng trưởng bao gồm các thành tố: Thứ nhất, động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, chi tiêu công, xuất khẩu…). Động lực có đặc điểm bổ trợ lẫn nhau, để cùng phát huy và triệt tiêu lẫn nhau khi động lực này vượt lên. Thứ hai, các nhân tố đầu vào (vốn, nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên và công nghệ…) nếu gia tăng nhân tố đầu vào là làm cho nền kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng. Khi tăng trưởng dựa vào hợp lí hoá,phát huy nguồn lực khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động, hiệu quả đạt cao là tăng trưởng theo chiều sâu. Thứ ba, cơ chế quản lí (Nhà nước là người điều tiết các chính sách quản lí vĩ mô như chính sách tài khoá, chính sách mở cửa hội nhập, chính sách phát triển các ngành kinh tế). Cơ chế quản lí đóng vai trò là thành tố “chủ động” thúc đẩy phát triển.

Lâu nay, nước ta chủ yếu phát triển kinh tế theo chiều rộng, tức là tăng trưởng dựa vào đầu tư từ nguồn vốn, lao động giá rẻ, khai thác triệt để tài nguyên (đất đai, khoáng sản, rừng, biển…) nên yếu tố năng suất tổng hợp cấu thành GDP thấp (thường 22% -25%), trong khi Hàn Quốc là 51,32%, Mailaixia là 36,18%, Thái Lan là 36,14%,… Nền kinh tế nước ta nếu tiếp tục mở rộng quy mô về vốn, gia tăng sử dụng nguồn nhân công giá rẻ, tay nghề thấp kém, công nghiệp lắp ráp, thiếu vắng công nghiệp phụ trợ, giá trị gia tăng hàng hoá xuất khẩu thấp (xuất khẩu thô),… sẽ tiếp tục tụt hậu xa so với các nước trong khu vực và thế giới.

Từ đó, đặt ra yêu cầu tất yếu là phải thay đổi mô hình tăng trưởng, tức là hướng tới phát triển kinh tế theo chiếu sâu. Muốn vậy, phải đạt tỉ lệ đóng góp của năng suất tổng hợp (TFP) cao. Trong thời gian tới phấn đấu tăng từ 35% (hiện nay) đến 50% vào sau năm 2030. Muốn vậy, phải thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất; tránh đầu tư dàn trải, đầu tư mạnh phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng bộ máy quản lí hiệu lực, hiệu quả, giảm biên chế hành chính, giảm cấp phó; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phát triển nguồn nhân lực có kĩ thuật, tay nghề cao để tăng nhanh năng suất lao động.

Ở nước ta, xây dựng nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh mới chỉ là xuất phát điểm. Mặc dù đi sau nhưng nước ta có lợi thế cạnh tranh, tiếp thu kinh nghiệm các nước đi trước như: Nhật Bản, Hàn Quốc ,Trung Quốc, Malaixia, Thái Lan… đang là cơ hội và hoàn toàn có khả năng phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, tăng trưởng xanh hướng tới bền vững.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về phát triển kinh tế đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, nước phát triển vào năm 2045, Chính phủ ban hành nhiều quyết sách về đầu tư phát triển, trong đó có “Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030,tầm nhìn 2050”.

Theo chiến lược này, mục tiêu phải đạt thịnh vượng của nền kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội hướng tới nền kinh tế xanh, trung hoà carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Chiến lược khẳng định, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hoá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hoà carbon trong dài hạn. Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hoá sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hoà với thiên nhiên và môi trường.

phat-trien-nang-luong-tai-tao-1707362077.jpg
Để bảo đảm cho kinh tế xanh, tăng trưởng xanh phải thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa)

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030 cường độ phát thải nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15%, đến năm 2050 giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Thực hiện xanh hoá các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiêu tác động tiêu cực đên môi trường.

Trong nhiều ngành kinh tế liên quan, đáng chú ý là ngành năng lượng. Trước đây, nền kinh tế chủ yếu sử dụng nguồn nhiệt điện và thuỷ điện. Nay đã đến lúc phải thay đổi cơ cấu các nguồn. Để bảo đảm cho kinh tế xanh, tăng trưởng xanh phải thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Hiếm có quốc gia nào có tiềm năng phát triển thuỷ điện như Việt Nam bởi đất nước có 3.400km bờ biển, địa hình có độ dốc 3.100 mét (so mặt nước biển), có hệ thống 3.450 sông ngòi lớn nhỏ, tạo ra nguồn thuỷ điện lớn, có khả năng tạo ra 38.000- 40.000 MW, đứng đầu Đông Nam Á. Bởi vây, cả nước đã xây dựng hàng trăm nhà máy thuỷ điện, nhiều nhất ở miền Bắc (60%), miền Trung (27%), còn lại là miền Nam. Nước ta cũng có 104 nhà máy nhiệt điện với công suất 27.957 MW (chiếm 35,5% tổng công suất điện cả nước). Hạn chế của các nhà máy nhiệt điện là thải ra nhiều khí carbon, ô nhiễm môi trường. Nước ta cũng có nhiều tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời. Miền Bắc có 1.500 – 1.700 giờ nắng/năm. Ở miền Trung có có 2.000 - 2.600 giờ nắng/năm là điều kiện phát triển năng lượng tái tạo. Đến nay, cả nước có hơn 90 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất hơn 5.000 MW. Tại miền Đông Nam Bộ, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cũng có hàng chục nhà máy điện gió là nguồn năng lượng xanh phù hợp với môi trường xanh.

Chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo định hướng xanh hơn, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, phấn đấu tổng công suất điện (bao gồm thuỷ điện và điện khí) sẽ chiếm 73% vào năm 2030 và 88% vào năm 2045 (không bao gồm các nhà máy điện than chuyển đổi biomass/amoniac), trong đó tính riêng công suất nguồn điện tái tạo (không bao gồm thuỷ điện) chiếm 26% vào năm 2030 và 54% vào năm 2045, mở ra một tương lai xanh cho nền kinh tế.

Xanh hoá các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựạ trên nền tảng khoa học công nghệ, áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường là hướng tới một nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh bền vững./.

Kim Quốc Hoa