Tầm nhìn quy hoạch đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy lợi thế biển

Trong tầm nhìn quy hoạch, đến năm 2030, Bà Rịa – Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với vùng công nghiệp – cảng biển lớn ở phía Tây Bắc sẽ phát triển và hiện đại hoá các đô thị vệ tinh đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan toả phát triển...

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được công bố dựa trên cơ sở tính toán tổng thể chung của vùng Đông Nam bộ, lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, nhất là Bà Rịa – Vũng Tàu. Quy hoạch bố trí không gian phát triển kinh tế bảo đảm phân vùng phát triển hợp lý, vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng vùng lãnh thổ, vừa giảm thiểu tác động xung đột giữa các ngành kinh tế trụ cột, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.

quy-hoach-ba-ria-vung-tau-03-1712370461.jpg
Lợi thế kinh tế biển sẽ tạo động lực để Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển quốc gia với hệ thống logistics cảng biển, dịch vụ hàng hải quốc tế.(Ảnh minh họa)

Tiêu chuẩn đô thị xanh tạo hiệu ứng lan tỏa

Mục tiêu của quy hoạch lần này là đến 2030 Bà Rịa – Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với vùng công nghiệp – cảng biển lớn ở phía Tây Bắc sẽ phát triển và hiện đại hoá các đô thị vệ tinh đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan toả phát triển các vùng ngoại thành, ven biển, nông thôn với 8 đô thị loại 5. Trong đó khu vực Đông Nam sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm: Phước Bửu, Bình Châu, Hồ Tràm, Đất Đỏ và Phước Hải.

Ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Hệ thống đô thị vệ tinh sẽ phát triển với quy mô phù hợp, chất lượng môi trường sống theo tiêu chuẩn đô thị xanh.

Để đạt mục tiêu trên, ông Trung cho rằng chính quyền các địa phương phải nâng tầm nhận thức, triển khai quy hoạch một cách quyết liệt, hoàn chỉnh theo tinh thần Nghị quyết 06/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Chúng tôi sẽ tham mưu để xây dựng chương trình phát triển đô thị. Chương trình này một mặt đáp ứng quy hoạch chung của tỉnh được duyệt, đồng thời tạo được một hệ thống đô thị nông thôn, mục tiêu là phát triển bền vững theo Nghị quyết 06/2022 của Bộ Chính trị” - ông Tạ Quốc Trung nói.

Theo chính quyền thị xã Phú Mỹ, hiện địa phương có 10 khu công nghiệp, chiếm gần 67% số khu công nghiệp tập trung của toàn tỉnh, 22/35 bến cảng đưa vào khai thác. Phú Mỹ được xác định là địa phương mang tầm quan trọng trong phát triển công nghiệp – cảng biển của Bà Rịa – Vũng Tàu trong tương lai.

quy-hoach-ba-ria-vung-tau-02-1712370518.jpg
Thành phố biển Vũng Tàu đang từng ngày sôi động. (Ảnh minh họa)

Với quy hoạch vừa công bố, Phú Mỹ thuộc Vùng chức năng công nghiệp - cảng biển, phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ. Đồng thời liên kết hiệu quả với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM và các tuyến cao tốc của vùng Đông Nam Bộ, gắn kết với hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế Xuyên Á.

Ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư thị xã Phú Mỹ cho biết, từ những định hướng trên, Phú Mỹ sẽ tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng. Đây là cơ sở bền vững để thực hiện nhiệm vụ trong quy hoạch mới của tỉnh, tương lai Phú Mỹ sẽ trở thành thành phố cảng loại 2 vào năm 2025.

“Thị xã khẩn trương thực hiện quy hoạch đảm bảo thống nhất đồng bộ, làm cơ sở cho quản lý đầu tư, phát triển đô thị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng, thiết chế đô thị. Cũng như đảm bảo tiện ích, sinh hoạt, đời sống của người dân và doanh nghiệp, để họ an tâm sinh sống, đầu tư tại Phú Mỹ” - ông Nguyễn Văn Việt nói.

Quy hoạch mở ra không gian phát triển, tạo động lực đột phá mới

Chuyên gia kinh tế cho rằng, Bà Rịa – Vũng Tàu còn rất nhiều dư địa chưa được khai thác. Quy hoạch tỉnh vừa được công bố đã xác định mỗi địa phương, khu vực trong tỉnh đều có một định hướng phát triển riêng, kết nối thành một thể hoàn chỉnh, thống nhất với vùng động lực kinh tế Đông Nam bộ.

Theo ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa – Vũng Tàu, quy hoạch của tỉnh lần này mở ra thời cơ, vận hội mới cho sự phát triển của tỉnh, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về việc luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Phát triển phải bền vững, hài hòa với thiên nhiên, phát huy tối đa sức mạnh nội lực và khai thác hiệu quả sức mạnh ngoại lực nhằm đạt các mục tiêu, khát vọng lớn, nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân.

Ông Thanh cho biết, trong kế hoạch được phê duyệt, Bà Rịa-Vũng Tàu chú trọng đầu tư đột phá về hạ tầng đồng bộ, đa phương thức, chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính và đột phá về nâng cao năng lực quản trị công. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trên nền tảng vững chắc, thượng tôn pháp luật và gắn bó, đồng hành có trách nhiệm với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

“Từ quy hoạch này, tỉnh tận dụng để kiến tạo mô hình, phân bố không gian phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, làm mới động lực tăng trưởng cũ và kiến tạo động lực phát triển mới. Song song đó, kết hợp thực hiện 3 đột phá chiến lược, đó là đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và đa phương thức; chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị công” - ông Phạm Viết Thanh khẳng định.

quy-hoach-ba-ria-vung-tau-01-1712370553.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, quy hoạch của tỉnh lần này mở ra không gian phát triển, tạo động lực đột phá mới để Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ. (Ảnh tư liệu)

Tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, quy hoạch của tỉnh lần này mở ra không gian phát triển, tạo động lực đột phá mới để Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển quốc gia với hệ thống logistics cảng biển, dịch vụ hàng hải quốc tế; trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế và là một trong những trung tâm năng lượng sạch, công nghiệp xanh có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Theo Phó Thủ tướng, để quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đi vào cuộc sống, cần có giải pháp thực thi hiệu quả. Quyết định cho thành công là khâu tổ chức thực hiện, sự năng động, đổi mới sáng tạo của Đảng bộ tỉnh và vai trò của nhân dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và là động lực. Tỉnh cần phải tiên phong xây dựng những giá trị riêng biệt của cảng biển mà cả nước không có.

“Tiên phong xây dựng một khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng Cái Mép, là hệ thống cảng biển có 1 không 2 của Việt Nam dẫn ra cửa ngõ thế giới. Bà Rịa – Vũng Tàu cần xác định rõ hình hài của khu thương mại tự do gắn với Cái Mép. Đây chính là tiền đề để Bà Rịa – Vũng Tàu giúp cả nước nghiên cứu, xây dựng mô hình” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu./.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Vùng Đông Nam Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, hiện đại; môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng cao; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.

Bình Nguyên